Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dạy và học chương trình lớp 1 mới: Ngổn ngang trăm mối khó khăn

(DS&PL) -

Ngành giáo dục TP.HCM vừa tổ chức hội thảo để nhìn ra những hạn chế, từ đó tìm cách khắc phục và hoàn thiện việc dạy và học chương trình mới của lớp 1.

Ngành giáo dục TP.HCM vừa tổ chức hội thảo để nhìn ra những hạn chế, từ đó tìm cách khắc phục và hoàn thiện việc dạy và học chương trình mới của lớp 1. Đặc biệt, nội dung mà dư luận phản ánh về SGK Cánh Diều được sự quan tâm rất lớn trong hội thảo.

Giáo viên phải chủ động trong việc tổ chức bài dạy, hoạt động trải nghiệm cho học sinh. 

SGK Cánh Diều còn bất cập

Tại hội thảo, cô Đặng Thị Kiều Diễm Dung -giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1) – cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới được bộ GD&ĐT quy định học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học.

Riêng đối với môn Tiếng Việt, chương trình cũ quy định thời lượng dành cho môn Tiếng Việt lớp 1 là 350 tiết (10 tiết/tuần), trong khi chương trình mới dành thời lượng 420 tiết (12 tiết/tuần), tăng 70 tiết nhằm giúp cho học sinh lớp 1 sớm đọc thông viết thạo, có công cụ để học tốt các môn học khác.

“Tuy nhiên, tổng số âm chữ và vần không thay đổi so với trước đây (29 chữ cái và khoảng 140 vần). Nếu tính một tuần có 5 buổi hoặc ngày học thì số tiết trung bình là 2,4 tiết/buổi hoặc ngày học. Cả 5 bộ SGK đều thiết kế thời gian dành cho học bài mới tối đa là 10 tiết/tuần (2 tiết/ngày). Cuối mỗi tuần hoặc mỗi nhóm vần đều bố trí các tiết thực hành, ôn tập hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng”, cô Dung phân tích.

Là đơn vị đang sử dụng SGK của bộ Cánh Diều, cô Dung thừa nhận, nội dung trong sách còn nhiều chữ. Số lượng chữ trong một số bài đọc còn nhiều, khiến việc khai thác hết ý nghĩa câu chuyện đối với một số học sinh còn hạn chế. Thậm chí, còn một vài ngữ liệu và hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng học sinh.

“Nhưng đó chỉ là một vài bài, không nhất thiết phải thay đổi cả tập sách. Về giải pháp của chúng tôi, quan trọng là họp tổ chuyên môn. Mọi người cùng thảo luận, trình bày đề xuất để tìm cách dạy, cách tổ chức bài học cho phù hợp hơn cho từng đối tượng học sinh. Nếu ngữ liệu trong sách chưa phù hợp, chúng tôi sẽ lấy nội dung tương tự ở các bộ sách khác (Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức) để giảng dạy, cho vừa sức với học sinh”, cô Dung nói.

Còn cô Trần Thị Hạnh Dương -giáo viên lớp 1, trường Tiểu học Võ Văn Tần (quận 6) - cho rằng, người dạy học cần có tư duy cởi mở hơn. Từ đó, cần tổ chức hoạt động luyện tập thực hành theo nhóm, trò chơi tập thể kết hợp sử dụng thiết bị dạy học trong tiết học nhiều hơn để học sinh được giao tiếp, phát huy năng lực.

“Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học, thiết bị đồ dùng dạy học là một trong những điều kiện cơ bản không thể thiếu để giáo viên, học sinh thực hiện mục tiêu dạy học. Hơn nữa thiết bị đồ dùng dạy học tạo điều kiện trực tiếp cho học sinh huy động mọi năng lực hoạt động nhận thức, tiếp cận thực tiễn, nâng cao khả năng tự học, rèn luyện kỹ năng học tập và thực hành”, cô Dương chỉ ra.

Bồi dưỡng giáo viên, liên kết với phụ huynh

Bà Trần Thị Hoàng Mai -Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Cần Giờ - cho biết, đội ngũ giáo viên cốt cán đã được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn chung với toàn thành phố. Tuy nhiên, các trường cần chủ động có kế hoạch bồi dưỡng lại cho giáo viên để phù hợp với từng đơn vị, từng điều kiện của học sinh.

“Bên cạnh việc đòi hỏi nắm vững yêu cầu của chương trình, giáo viên lớp 1 phải hiểu biết về tình hình đối tượng học sinh trong lớp được phân công phụ trách để qua đó chủ động phân hóa đối tượng học sinh theo từng nhóm, tận dụng tối đa các phương tiện, thiết bị dạy học để triển khai hiệu quả nội dung chương trình. Các trường có thể mời phụ huynh đến dự tiết học với các con để yên tâm hơn”, bà Mai đề xuất.

Ông Nguyễn Thành Văn -Trưởng phòng GD&ĐT quận 10 - cho biết đã chỉ đạo hiệu trưởng, ban giám hiệu các trường tiểu học thường xuyên tham dự họp tổ chuyên môn, thăm lớp, dự giờ, kiểm tra chuyên đề ở trường để đánh giá và rút kinh nghiệm cho toàn thể giáo viên.

“Nhờ đó, chúng tôi nhận ra, điểm hạn chế của giáo viên hiện nay là còn mang nặng tư duy của phương pháp dạy học kiểu cũ nên thấy áp lực khi triển khai chương trình mới. Cho nên, sở GD&ĐT TP nên tổ chức những chuyên đề dạy học cấp thành phố để các quận, huyện trao đổi kinh nghiệm với nhau”, ông Văn nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền -Trưởng phòng GD&ĐT quận 9 - nhìn nhận: “Thông tin trên báo chí và mạng xã hội khiến không ít giáo viên cảm thấy ưu tư. Có ý kiến còn đặt vấn đề rằng giáo viên đang ở đâu khi chương trình quá mới mẻ. Thực tế chúng tôi vẫn đang ở đây và hoàn toàn tự tin”.

“Nếu có một số học sinh chậm tiếp thu, giáo viên sẽ trao đổi với phụ huynh để tìm ra cách thức cụ thể, khuyến khích phụ huynh dành thời gian hướng dẫn cho trẻ. Phụ huynh có thể mở giáo án điện tử đã có sẵn để cùng đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục trẻ”, bà Hiền chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hiếu -Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết, sau gần 2 tháng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh những thuận lợi cũng bắt đầu bộc lộ một số khó khăn. Đây là việc hết sức bình thường khi triển khai một chương trình mới.

“Chương trình được bộ GD&ĐT phê duyệt, nhưng người thực hiện là giáo viên. Mà giữa 2 đối tượng này có nhiều cấp quản lý trung gian, từ sở GD&ĐT, từ phòng GD&ĐT và hiệu trưởng. Vì thế, cần nhiều buổi gặp gỡ, hội thảo để giáo viên được nói về những điều còn khó khăn trong công tác của họ, những kiến nghị để cán bộ quản lý có hướng xử lý thấu đáo hơn”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Nói về vai trò phối hợp của phụ huynh học sinh, lãnh đạo Sở cho rằng, vẫn còn nhiều người nóng ruột khi thấy con đọc chữ chưa trôi chảy hay làm toán chưa tốt, cảm thấy trẻ học chậm hơn thế hệ trước.

“Có thể kết quả học tập của học sinh trong đợt này không bằng đợt trước. Có người nói, thời gian này năm trước, các trẻ đã đọc và viết rất tốt. Đừng so sánh vì chương trình mới có nhiều thay đổi, hướng đến những phẩm chất, năng lực đòi hỏi quá trình lâu dài.

Chúng ta không yêu cầu cao, không gây áp lực cho trẻ. Đó là mệnh lệnh từ Bộ đến Sở. Phải tạo niềm cho trẻ khi đến trường, chứ không phải do trẻ chưa viết được, chưa làm toán đúng thì chúng ta căng thẳng”, ông Hiếu nhận xét.

Hiệu trưởng là người quan trọng thứ hai sau giáo viên dạy lớp, là cầu nối rất quan trọng. Cho nên, hiệu trưởng phải cùng dạy với giáo viên để nắm bắt khó khăn của công việc. Quan điểm trong việc dự giờ cũng phải khác, không còn đánh giá giáo viên dạy đúng hay sai mà phải định hướng về chuyên môn, cách tổ chức hoạt động cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM


Hà Nhân

Bài viết đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ Ba (172)

Tin nổi bật