Có ý kiến cho rằng, nếu không thận trọng thì có thể dẫn đến chuyện một trường đại học vốn để đào tạo giáo viên cả một năm sẽ chỉ tập trung để đi đấu thầu.
Lo ngại đấu thầu đào tạo giáo viên như những món hàng
Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo văn bản về hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ. Theo đó, kể từ năm học tới sẽ chính thức triển khai cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội.
Đánh giá Nghị định 116 là một bước tiến lớn nhưng GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu không cẩn thận dễ xảy ra chuyện các đơn vị đào tạo giáo viên suốt ngày đi chuẩn bị hồ sơ để chào hàng. Bởi không phải cứ chỉ trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc trường ĐH Sư phạm Hà Nội đến đặt hàng ngay là được, bởi lãnh đạo tỉnh cũng phải lo, bởi ký xong là phải chịu trách nhiệm.
“Hồ sơ chuẩn bị như thế nào, tiêu chí có hay không, tiêu chí đặt ra là gì, đội ngũ như thế nào, điều kiện đảm bảo chất lượng... có cần phải có không hay cứ cạnh tranh về giá là được? Không chỉ một đơn vị mà đấu thầu giữa nhiều đơn vị. Bởi có khi chỉ 200 chỉ tiêu thôi nhưng 4-5 đơn vị. Đó là chưa nói đến trường hợp địa phương không chỉ đấu thầu tổng chỉ tiêu cho một đối tượng giáo viên mà có nhu cầu số lượng khác nhau về giáo viên các môn. Tôi rất băn khoăn về cơ chế, quy trình để ra các thủ tục, hồ sơ. Bởi sản phẩm đào tạo khác các sản phẩm khác là không phải mua là có thể sử dụng ngay mà phải đợi 4-5 năm sau mới thấy được chất lượng, sản phẩm đầu ra”, ông Thanh trăn trở.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội băn khoăn, lo lắng và đưa ra cảnh báo khi triển khai thực hiện chính sách đấu thầu đào tạo giáo viên trong thực tế, cần phải tìm hiểu kỹ trước một quyết định rất hệ trọng, để làm sao thực hiện tốt nhất có thể. Từ kinh nghiệm đào tạo theo địa chỉ, cử tuyển cho thấy, chất lượng đầu vào rất thấp, chỉ bằng điểm sàn. Nhiều sinh viên tốt nghiệp xong lại không về địa phương công tác. Do vậy, khi triển khai Nghị định 116/2020/NĐ - CP cần nghiên cứu kỹ triển khai thế nào để có sinh viên đầu vào tốt nhất?
Đầu vào không phải là tất cả, nhưng đó là điều kiện cần, "không có bột thì khó gột nên hồ". Thiếu những thí sinh có năng lực thì không dễ tổ chức đào tạo tốt được. Phải có giải pháp để đào tạo được giáo viên có chất lượng cao nhất có thể. Theo đó, cần bảo đảm cân đối cung - cầu, bài toán ngân sách, số lượng theo yêu cầu và giải quyết các hệ lụy thừa thiếu cục bộ, các vấn đề xã hội khác hiện nay. Điều này, cần sự chủ động của các địa phương và các cơ sở đào tạo cùng phối hợp.
"Việc đấu thầu, đặt hàng nằm trong quy luật của thị trường, bài toán chất lượng và tài chính có được đặt ra một cách trách nhiệm cao nhất hay không, làm sao để loại trừ các chi phối tiêu cực, vì nhớ rằng, đây không đơn thuần là việc mua bán mà đây là trọng trách đối với tương lai giáo dục của đất nước", GS Minh nhấn mạnh.
Về thời gian đấu thầu, ông Minh cho hay, nếu không thận trọng thì có thể dẫn đến chuyện một trường đại học vốn để đào tạo giáo viên cả một năm sẽ chỉ tập trung để đi đấu thầu, như vậy các việc khác sẽ rất khó tập trung.
Đào tạo giáo viên đáp ứng cung-cầu thị trường
Thực tế hiện nay, dù thiếu giáo viên nhưng vẫn có nhiều sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm, hoặc phải làm trái ngành nghề. Ngoài ra, cũng đang có tình trạng thiếu giáo viên ở bộ môn này, nhưng lại thừa giáo viên ở môn học khác... Đội ngũ giáo viên được xác định là khâu then chốt, đóng vai trò quan trọng để “con thuyền đổi mới giáo dục” cập bến thành công. Nhưng tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn là bài toán khó, đã và đang tồn tại, ít nhiều gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Theo Thứ trưởng bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 đột phá chiến lược mà Đảng đã đề ra trong nhiều kỳ Đại hội. Đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII, sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người Việt Nam là vấn đề trọng tâm được đặt ra.
Theo Thứ trưởng, quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố then chốt chính là giáo viên. Đảng, Nhà nước coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhà giáo và đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt chính sách hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên theo học ngành sư phạm.
Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, chính sách này đã bộc lộ một số nhược điểm. Nghị định 116/2020/NĐ-CP ra đời tiếp tục thực hiện chính sách trên nhưng nâng tầm lên một bước. Mục tiêu cuối cùng là tăng chất lượng trong công tác đào tạo, qua đó góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.
T.M (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (70)