Gãy chân nhưng không đi bệnh viện bó bột mà tự đắp lá ở nhà, người đàn ông bị biến chứng nặng suýt thành hoại tử.
VTC news đưa tin, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) vừa tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân V.V.B. (51 tuổi, trú tại Thủy Nguyên, Hải Phòng) gặp biến chứng do chữa bệnh sai cách: Đắp thuốc nam chữa gãy chân.
Anh B. bị gãy cẳng chân trái khoảng 1 tháng nay, nhưng thay vì đến bệnh viện, anh lại tự điều trị ở nhà bằng thuốc nam, với suy nghĩ: "Gãy chân chỉ cần đắp thuốc nam xương sẽ nhanh liền".
Tuy nhiên, sau một thời gian đắp thuốc, thấy chân có hiện tượng mẩn đỏ, đau nhiều, anh B. mới đến bệnh viện.
Ảnh X-quang xương chân bị lệch (hình trái) và phần xương sau khi được bác sĩ xử trí (hình phải). Ảnh: BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí |
Kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị gãy 1/3 dưới xương 2 cẳng chân trái, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật chỉnh xương.
Theo Vnexpress, bác sĩ cho rằng với tổn thương trên, nếu đến viện kịp thời có thể điều trị kết hợp xương hoặc bó bột tùy chỉ định là có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, do tâm lý ngại đến viện và chủ quan xem nhẹ bệnh, cùng với kiến thức, mức độ hiểu biết về bệnh còn hạn chế, nên bệnh nhân thường nghe theo các bài thuốc nam không có cơ sở khoa học. Điều này khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà càng trở nên nghiêm trọng, thậm chí là hoại tử chân.
Thực tế, những trường hợp như bệnh B. ở trên không phải là hiếm. Nhiều người đã phải mang di chứng tàn tật suốt đời vì sự thiếu hiểu biết của mình.
Theo báo Sức khỏe & đời sống, có nhiều bệnh có thể chữa được bằng Đông y, nhưng gãy xương mà đi bó lá thì nguy cơ là rước tật vào thân. Nhiều thầy lang tự quảng cáo là có thuốc gia truyền chữa gãy xương hiệu nghiệm, thực chất là gì?
Thuốc nam chỉ có tác dụng tiêu sưng, giảm đau, ko có tác dụng gì trong việc lành xương cả. Ảnh minh họa |
Thuốc nam chữa gãy xương chủ yếu là các vị thuốc có tác dụng tiêu sưng, giảm đau. Trong trường hợp người bệnh gãy xương kín không có di lệch, hoặc rạn xương, nếu đảm bảo cố định xương tốt thì sau 6-8 tuần, cơ thể sẽ tự bồi đắp chất tạo xương khiến xương liền lại. Không có thuốc nào đắp bên ngoài có tác dụng làm liền xương cả. Quá trình tạo xương và liền xương đều diễn ra tự động trong cơ thể, không cần tác động gì thì một vết gãy xương vẫn tự liền sau 6-8 tuần.
Do đó, nguyên tắc của cả Đông y lẫn Tây y trong điều trị gãy xương đều là phải nắn chỉnh xương trở lại trạng thái giải phẫu ban đầu, cố định để khỏi di lệch, trong đó chắc chắn và triệt để nhất là phẫu thuật bắt vít xương. Nhiều lương y chỉ nhận chữa trị gãy xương sau khi có phim chụp X quang chỗ xương gãy. Nếu chỗ gãy phức tạp, độ di lệch quá lớn, lương y sẽ khuyên người bệnh nên đến bệnh viện để phẫu thuật.
Tuy nhiên vẫn có “thầy” lang vườn chữa theo kiểu bất chấp, khoa trương quảng cáo có thuốc gia truyền khiến cơ thể “đùn ra canxi nhanh hơn, liền xương chỉ sau 5-7 ngày”, khi đó người bệnh lãnh đủ.
Minh Khôi (T/h)