Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đạo nhái trong lĩnh vực nghệ thuật: Xu hướng ký sinh tư duy đã lấn sân sang truyền hình

(DS&PL) -

Tình trạng đạo nhái đã trở thành căn bệnh trầm kha trong rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật và nay đã tiến xa hơn khi lấn sân sang lĩnh vực truyền hình.

Tình trạng đạo nhái đã trở thành căn bệnh trầm kha trong rất nhiều lĩnh vực nghệ thuật và nay đã tiến xa hơn khi lấn sân sang lĩnh vực truyền hình. Điều đáng nói, tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng nhiều mà khi bị phát hiện, các bên thường đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Thậm chí, nhiều người "mặt dày" im lặng hoặc "cãi chày cãi cố"...

Truyền hình cũng “học hỏi” đạo nhái

Gần đây, sự việc Maxk Nguyễn, tên thật Nguyễn Mạnh Khôi (SN 1991) có nhiều ý tưởng thiết kế “giống một cách kỳ lạ” với các tác phẩm nghệ sĩ nổi tiếng thế giới khiến dư luận vô cùng quan tâm. Sở dĩ việc này được nhiều người chú ý vì anh được biết đến với danh hiệu Quán quân Vietnam Young Lions 2016.

Ngoài ra, anh cũng là người có nhiều ý tưởng sáng tạo, tạo cảm hứng cho cộng đồng với những dự án nổi tiếng như Vịt lộn vịt vữa cút lộn, Sài Gòn sau vai, Sài Gòn 3 mét vuông... Có hai luồng ý kiến, một bên bảo vệ Maxk Nguyễn, một bên lên án hành vi “vay mượn” ý tưởng và cho rằng, đây là nạn “ăn cắp”. Trước thông tin trái chiều cùng với những bằng chứng không thể chối cãi, Maxk Nguyễn đành viết thư xin lỗi, nhận sai.

Trong giới sáng tạo, thỉnh thoảng mới xuất hiện những thông tin “giật gân” như vụ Maxk Nguyễn. Trong khi đó, âm nhạc và thời trang lại có quá nhiều scandal đạo nhái. Hiện tại, trong giới họa sĩ cũng đang tranh cãi về lập lờ đạo nhái với khái niệm remake tranh. Cần nhấn mạnh, xu hướng remake tranh được nhiều nước áp dụng và coi là sự thừa kế có học hỏi. Tại Việt Nam cũng “tiếp thu” xu hướng này nhưng có nhiều bản sao giống đến 99% tác phẩm chính. Và, tình trạng này ngày càng nhiều.

Thậm chí, giờ đây, việc đạo nhái đã lấn sang cả lĩnh vực truyền hình. Tiết mục Xuất giá tòng phu của đạo diễn Vũ Trần tham gia chương trình Kịch cùng bolero được phát trên sóng truyền hình Vĩnh Long được cho là sao chép từ các phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Một cảnh trong "Xuất giá tòng phu".

Khi nhắc đến việc “đạo, nhái” trên sóng truyền hình không thể không kể đến vở diễn Mình ơi – Lý son sắt của nghệ sĩ Gia Bảo trong chương trình Sao nối ngôi. Ngay sau khi tiết mục này phát trên truyền hình dư luận đã dậy sóng vì “vay mượn” quá nhiều từ vở kịch Tía ơi, má dìa! Đây là vở kịch rất nổi tiếng ở sân khấu miền Nam. Trước 2 vụ việc này đã có nhiều nghi án đạo nhái trên sóng truyền hình khiến dư luận ngán ngẩm.

Có thể nói rằng, chưa bao giờ, việc đạo nhái nghệ thuật lại nhiều như hiện nay, không trừ ở một lĩnh vực nào. Với tình trạng này, có nhiều người cười khẩy cho rằng, đạo nhái giờ đã thành xu hướng.

Căn bệnh mãn tính vì “mặt dày”

Luật sư Trương Thị Thu Hà (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, một tác phẩm sao chép phần trọng yếu của tác phẩm gốc thì được xem là vi phạm bản quyền tác giả. Tuy nhiên, theo luật Sở hữu trí tuệ, không cấm đối với việc “sao chép” có sự thỏa thuận với tác giả phiên bản gốc. Đối với những tác giả đã qua đời quá 50 năm thì tác giả đi sau có quyền được sao chép và sáng tạo. Trong trường hợp, nếu “vay mượn” mà không được sự đồng ý của tác giả thì sẽ bị xem là vi phạm bản quyền.

Đó là pháp luật quy định, nhưng trong thực tế, rất nhiều tác phẩm ở tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đang bị sao chép mà không hỏi ý kiến của tác giả. Điều đáng bàn nhất trong việc vi phạm bản quyền trên truyền hình là chuyện “đá” trách nhiệm. Nhiều trường hợp vi phạm, khi bị khán giả phát giác nhà đài đã “đá” trách nhiệm cho thí sinh. Họ đưa ra lý do, khi tham gia các thí sinh đã ký cam kết chịu hết mọi trách nhiệm.

Đạo diễn Nguyễn Tú cho rằng, thí sinh sai là đã rõ, nhưng cần xem xét lại trách nhiệm, chất lượng của nhà đài, ban biên tập, đạo diễn, ban giám khảo... Chưa cần nói đến sai phạm là của ai, nhưng chương trình được trình chiếu trên truyền hình thì nhà đài phải là người có trách nhiệm chứ không thể đổ lỗi. Cũng theo vị đạo diễn này, nghệ thuật cần có sự sáng tạo chứ không thể ký sinh trên trí tuệ, tư duy của người khác.

Vở "Mình ơi - Lý son sắt" của Gia Bảo.

Thực chất, có nhiều người “trộm cắp” tác phẩm của người khác làm của mình nhưng khi bị phát hiện vẫn “cãi chày cãi cối” với lý do đã sáng tạo, không còn liên quan bản gốc nên việc xin phép là không cần thiết. Một số khác lại chọn cách im lặng để “vượt bão” hoặc lên tiếng xin lỗi chờ mọi chuyện trôi qua. Sau “cơn bão” ấy, họ lại tiếp tục hoạt động như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Những người làm nghệ thuật chân chính luôn có cái tôi rất lớn, hiếm khi “trộm cắp” ý tưởng, tư duy của đồng nghiệp. Soạn giả, NSND Huỳnh Nga cho biết, đối với các soạn giả, không thể xem hết các chương trình truyền hình, gameshow.

Các soạn giả thường biết đến tác phẩm của mình bị đạo nhái trên truyền hình qua người quen hoặc khán giả thông báo. Hầu hết các tác giả biết tác phẩm của mình bị biến tấu, cắt xén để trình diễn trên truyền hình, nhưng cũng chỉ cười trừ. Tất cả chỉ nhờ vào lòng tự trọng, của nghệ sĩ, đơn vị tổ chức.

“Nhiều khi, các tác giả không cần đến tiền tác quyền. Thậm chí, họ vui vẻ nếu thế hệ sau mở lời xin phép để sử dụng tác phẩm. Tuy nhiên, dường như, việc xin phép cũng là điều quá khó đối với họ”, NSND Huỳnh Nga cho biết.

Huy Cường

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 38

Tin nổi bật