Chủ xe quan ngại...
Từng có thời gian công tác, sinh sống ở nước ngoài, anh Vũ Hiếu (Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi cũng có một chiếc xe ô tô. Việc người tham gia giao thông vi phạm và bị xử phạt là đúng. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ không cần thiết phải có quy định về việc mở tài khoản. Lỗi vi phạm bị phạt nguội, cơ quan chức năng xử lý bằng hình thức gửi thư thông báo đến chủ xe và yêu cầu thời hạn đến nộp phạt. Nếu chủ xe không chấp hành, lỗi vi phạm có thể lưu lại, bàn giao cho cơ quan đăng kiểm. Đến kỳ đăng kiểm, sẽ xử lý thu tiền phạt một thể. Lúc đó, có khi lũy kế lại thì chủ xe phải chịu phạt một loạt lỗi, cộng với tiền phạt trả chậm theo lãi suất ngân hàng... Nhiều nước vẫn làm vậy, có chủ xe đến kỳ đăng kiểm phải nộp mấy ngàn USD".
Anh Hiếu chia sẻ thêm: "Thực ra, có phải ai cũng sẵn tiền trong tài khoản đâu. Nếu bắt họ mở tài khoản nhưng trong tài khoản của họ không có tiền nạp vào hoặc họ rút ra thì ai kiểm soát được việc đó. Hơn nữa, nếu thực hiện đề xuất này là mỗi cá nhân hay tổ chức có nhiều xe thì họ phải mở bao nhiêu tài khoản hay số tiền quy định trong tài khoản đối với mỗi xe là bao nhiêu. Như vậy, liệu họ có đủ khả năng và sẵn sàng để chết một khoản tiền không thể lưu thông trong tài khoản như vậy...".
Là chủ hãng vận tải hành khách và hàng hóa liên tỉnh (cả trong địa bàn TP. Hà Nội), trong công ty có hàng chục đầu xe, trước thông tin về việc đề xuất mở tài khoản đối với chủ phương tiện, anh Lê Hữu C. (Giám đốc doanh nghiệp vận tải) tỏ ra bối rối: Nếu phải thực hiện quy định mở tài khoản, tôi không biết mỗi đầu xe phải mở một tài khoản hay có thể mở chung và số tiền quy định cho mỗi đầu xe là bao nhiêu. Như vậy, rõ ràng sẽ "để chết" một nguồn vốn không thể lưu thông với hàng chục đầu xe của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong trường hợp xe của doanh nghiệp lưu thông và vi phạm ở địa bàn khác thì luật xử phạt này sẽ được áp dụng xử lý như thế nào nếu địa phương đó không áp dụng hình thức phạt nguội...
TP. Hà Nội đang triển khai lắp camera để tiến hành phạt nguội các phương tiện vi phạm. (Ảnh Internet). |
Mới chỉ là đề xuất phương án
Trước thông tin về đề xuất của Công an TP. Hà Nội về phương án này, bày tỏ với báo chí về quan điểm cá nhân, ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch hiệp hội Vận tải Hà Nội) cho biết, đó là đề xuất phù hợp với sự phát triển của xã hội, ở các nước tiên tiến họ có thể làm vậy. Tuy nhiên, với điều kiện và thực trạng hiện tại ở Việt Nam thì việc thực hiện phương án này còn gặp nhiều khó khăn vì người Việt hay sử dụng tiền mặt thay vì giao dịch bằng tài khoản riêng. Việc quản lý các phương tiện vi phạm giao thông là việc quản lý mang tính chuyên ngành, giờ bắt cả xã hội phải tuân thủ một quy chế về mặt tài chính thì rất khó thực hiện.
Cũng theo ông Liên, còn cần phân biệt xem xử phạt tài xế vi phạm luật giao thông hay doanh nghiệp quản lý người lái xe. Chẳng hạn, nếu xử phạt tài xế vì xe quá tải thì rất khó bởi lỗi chủ yếu thuộc về người yêu cầu bốc xếp quá tải trong khi tài xế không thể mang tài khoản của doanh nghiệp đi để nộp phạt.
Muốn thực hiện việc phạt nguội, tài khoản của các chủ xe phải có ít nhất 20 triệu đồng vì hiện nay có nhiều mức phạt rất cao. 20 triệu đồng mới chỉ đủ để xử lý với các hành vi vi phạm luật giao thông cơ bản của người lái xe. Việc kết hợp giữa lực lượng cảnh sát giao thông với bên đăng kiểm hay phía tòa án cũng rất khó bởi khi chưa áp dụng công nghệ thông tin, sự phối hợp giữa các cơ quan sẽ thiếu chặt chẽ, khó thực hiện trong khi mỗi ngày có hàng trăm vụ vi phạm trừ khi các cơ quan có thể phối hợp nhịp nhàng để xử lý.
Để có thể thông tin rõ hơn, PV đã liên hệ làm việc với người đứng đầu của lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội. Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội): Đây mới chỉ là đề xuất, chưa thực sự rõ ràng và sẽ thực hiện như thế nào nên chưa thể có ý kiến gì thêm.