Trong hồ sơ gửi đến tòa phúc thẩm TAND tối cao, sở Tư pháp TP.HCM, người phụ nữ 26 tuổi và ông Đặng Văn Hai đều bày tỏ mong muốn được kết hôn với nhau.
Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa nhận đơn của bà L (26 tuổi), đề nghị được làm đăng ký kết hôn với ông Đặng Văn Hai (57 tuổi), người đã bị TAND TP.HCM tuyên tử hình ngày 15/11/2013 trong vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính (ALC2).
Trong 11 bị cáo liên quan đến 'đại án' tham nhũng tại công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc ngân hàng Agribank, tòa đã tuyên 2 người chịu án tử hình, trong đó có Vũ Quốc Hảo - nguyên tổng giám đốc Công ty .
Trong hồ sơ gửi đến tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, Sở Tư pháp TP.HCM, văn phòng Bộ Công an, bà L. và ông Đặng Văn Hai đều bày tỏ mong muốn được kết hôn với nhau. Lá đơn của ông Đặng Văn Hai có đoạn: “Đây là nguyện vọng chính đáng và mang tính nhân đạo của hai vợ chồng tôi. Đồng thời cũng là để hai đứa con chung của chúng tôi chính thức được pháp luật thừa nhận cha đẻ hợp pháp của mình”.
Đơn của bà L thể hiện: “Đối với cá nhân tôi, tuổi đời còn trẻ, lựa chọn quyết định xin đăng ký kết hôn chính thức với ông Đặng Văn Hai đồng nghĩa với việc chịu các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai khi không biết kháng cáo của ông Hai có được xem xét hay không. Do vậy, dẫu biết mọi khó khăn vẫn ở phía trước nhưng chính ở thời điểm này, với tư cách là một người vợ, tôi vẫn mong muốn được thăm nuôi, chăm sóc ông Hai trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, đồng thời cũng là một phương cách động viên tình cảm với ông Đặng Văn Hai. Các con của chúng tôi còn rất nhỏ cũng sẽ có lúc được nhận cha mình, dù là tử tù đi chăng nữa”.
Bà L và con trai tại nhà riêng ở quận 7, TP.HCM. |
Trong căn hộ chung cư tại quận 7 (TP.HCM), bà L cho biết: “Chúng tôi thương nhau từ năm 2006 rồi sinh bé lớn năm 2007. Suốt thời gian qua chung sống bên nhau đầm ấm hạnh phúc nhưng không đăng ký kết hôn”. Cuộc tình chênh lệch tuổi tác giữa bà L và ông Đặng Văn Hai khiến không chỉ gia đình bà, gia đình ông Hai không đồng ý mà dư luận cũng lên án: “Người ta nói tôi yêu anh vì tiền bạc nhưng giờ anh đang ở trại tạm giam và đối diện với hình phạt khắc nghiệt. Những lúc này, bạn bè thân hữu xưa nay đâu còn nữa, và cũng không có ai vào trại giam để tranh giành anh với mẹ con tôi nữa nên tôi cũng mong muốn những ngày sau đây của anh được vui vẻ, thanh thản”.
Bà L cho biết, sau khi ông Hai bị tạm giam, bà vẫn thực hiện việc thăm nuôi và chăm sóc ông Hai với vai trò một người vợ. Tuy nhiên, theo bà L: "Tôi không có danh phận gì để có thể được vào thăm anh Hai, trong phần khai quan hệ với bị can tôi thường bỏ trống".
Bà L nói đã suy nghĩ rất nhiều trước khi làm đơn: "Sau khi tòa sơ thẩm tuyên bản án tử hình, anh Hai suy sụp rất nhanh. Sau buổi xét xử, anh suy sụp tại tòa, vào trại tạm giam anh còn suy sụp hơn nữa. Mỗi lần tôi vào thăm, mang theo con vào, bé lớn dặn ba: "Ba ráng ở đây, mấy bữa con lớn con lo cho ba!". Tôi thấy dường như mọi niềm tin của anh đều dồn vào con bé. Tôi nghĩ đến giờ anh ở trong trại giam thế này chẳng còn ai có thể tranh giành anh với tôi, cũng không ai còn nghĩ tôi lấy anh vì tiền bạc nữa. Bởi vậy tôi nói với anh nguyện vọng được đăng ký kết hôn của mình".
Người phụ nữ 26 tuổi nói thêm: "Tôi muốn thực hiện việc ấy càng nhanh càng tốt, bởi có thể ngày xét xử phúc thẩm không còn xa nữa. Đó là cái ngày mà tôi vừa mong, vừa sợ".
Bà Lê Thị Bình Minh (phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM): Sở sẽ tạo mọi điều kiện Tôi thấy đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, thủ tục đăng ký kết hôn bắt buộc hai người phải đến UBND xã phường nơi người chồng cư trú hoặc người vợ thường trú, nếu đăng ký ở phường của người này thì người kia phải làm giấy xác nhận độc thân. Trường hợp của ông Đặng Văn Hai đang bị tạm giam nên muốn thực hiện các thủ tục này thì phải được lệnh trích xuất của tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM và cơ quan quản lý trại giam T17 Bộ Công an đến làm các thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, khai tờ trình đăng ký kết hôn, ký vào sổ đăng ký kết hôn và ký vào giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND phường nơi một trong hai người cư trú. Sở Tư pháp sẽ tạo mọi điều kiện để hai người được đến đăng ký kết hôn tại một trong hai phường. Họ sẽ được đặc cách không phải xếp hàng, mà sẽ được ưu tiên ký giấy, ký sổ trước mặt lãnh đạo phường, cán bộ tư pháp và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. * Ông Quảng Đức Tuyên (phó chánh tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM): Chưa từng có tiền lệ Việc này chưa từng có tiền lệ tại tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM, cho nên sẽ phải được xem xét kỹ. Nếu pháp luật không cấm thì tòa sẽ tạo mọi điều kiện để hai người đăng ký kết hôn bởi không chỉ là câu chuyện nhân văn và tình người mà còn là câu chuyện pháp lý của hai đứa trẻ. * Bà Trần Thị Miên (Đoàn luật sư TP.HCM) Được quyền kết hôn Nếu cả hai bên thỏa mãn các điều kiện kết hôn và không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo các điều 9, 10 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì người đang thụ án vẫn được quyền đăng ký kết hôn. Theo nghị định 58/2005 của Chính phủ thì UBND cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt, ký vào giấy chứng nhận kết hôn, sổ đăng ký kết hôn và sẽ được chủ tịch UBND cấp xã ký, cấp cho mỗi bên một bản chính giấy chứng nhận kết hôn. |
Linh Chi (theo Tuổi trẻ)