Khi hoạt động mua sắm Tết trở nên nhộn nhịp, nhiều hội chị em nghĩ ra những cách thức mua hàng để tối ưu nhất về mặt chi phí lẫn chất lượng. Gom hàng đặt chung chính là cách hữu hiệu nhất khi có thể san sẻ phí vận chuyển, mua được nhiều món đồ đa dạng với giá gốc…Trong khi đó ở một số vùng quê, người dân thường có hoạt động chung để chuẩn bị đón Tết như việc “đụng lợn” rồi chia nhau với giá rẻ hơn trên thị trường.
Chị Nguyễn Hà (làm việc tại quận 1, TP.HCM) những ngày cuối năm tất bật tìm hiểu và đặt mua những sản phẩm phục vụ cho Tết. Tranh thủ thời gian lên văn phòng, chị Hà cùng đồng nghiệp bàn luận về những thứ muốn mua, sau đó gom đơn đặt chung.
“Thực sự vì không có nhiều thời gian, nên phải tranh thủ lúc rảnh rỗi ở công ty để đặt hàng thôi, còn thiếu thứ gì mình lại đi mua thêm. Nói chung ở đây chị em cũng thường gom đơn đặt chung như vậy, không chỉ riêng lễ Tết thôi đâu. Như thế vừa tiện, vừa giảm bớt phần nào chi phí. Có những món người ta bán số lượng lớn, mua về sợ dùng không hết nên đặt chung rồi chia ra” - Chị Hà chia sẻ.
Chị Hà cho biết khi đặt đồ chung, nếu ai bận sẽ có người khác nhận thay, không cần nhờ vả xung quanh. Có những món đồ mua với số lượng lớn để có được giá rẻ, thậm chí là giá gốc, sau đó về chia nhau. Ví như chị Hà thường rủ hội chị em đặt chung trái cây với số lượng lớn để lấy được giá sỉ, sau đó về chia lại sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu mua lẻ.
Trong khi đó chị Đặng Huyền (Nhân viên văn phòng) cho biết việc gom đơn đặt đồ chung giúp tiết kiệm thời gian mua sắm, di chuyển. Chị Huyền thường canh những đợt sale khuyến mãi, sử dụng voucher để tiết kiệm chi phí. Đồng thời khi mua đồ chung cũng có điểm thú vị cho cuộc sống nơi công sở. Những ngày cuối năm ngoài áp lực công việc là câu chuyện rôm rả chị em bàn nhau mua gì cho Tết, mua bao nhiêu, ai nhận hàng, ai đặt đơn.
Tuy nhiên không phải ai cũng muốn đặt chung đơn khi mua hàng, như chị Lan Thy (Nhân viên văn phòng) cho biết bản thân thường xuyên mua sắm trực tuyến nhưng ít khi gom đơn đặt chung vì muốn chủ động trong thời gian lên lịch đặt và nhận hàng. Nếu đặt chung sẽ phải qua ý kiến của nhiều người, đôi khi số lượng nhiều quá thời gian giao sẽ trễ hơn, không chủ động được.
Sống chung cư gom hàng đặc sản, đồ quê đặt chung ăn Tết.
Chị Lê Thanh (TP.HCM) đang sống ở một chung cư tại quận Bình Thạnh cho biết thường xuyên mua hàng trong nhóm dành riêng cho dân cư. Rất nhiều sản phẩm đặc sản, quà quê đảm bảo chất lượng, từ rau củ, đồ ăn làm sẵn, bánh ngọt, trái cây, giò chả, thịt cá…đều có đủ.
Vào dịp Tết, chị Thanh cùng một số hàng xóm khác thường sẽ lên danh sách những món cần mua, sau đó đặt hàng một lần với người bán. Những món đặc sản vùng miền từ Bắc chí Nam như: nem chua, giò bò Đà Nẵng, mắm cá, củ kiệu…cần phải “order” trước và chung một lần.
Các hội nhóm dân chung cư thường gom đơn, đặt mua chung nhiều thực phẩm quê, đồ nhà làm.
Thông thường trên các “chợ online” của người dân các tòa chung cư có đủ thứ, đồ nhà làm, đồ quê, thực phẩm tươi sống, trái cây…thậm chí là cả giày dép, quần áo, mỹ phẩm…muốn mua gì cũng có. Hình thức mua hàng ngày khá thuận lợi, chỉ cần để lại số nhà, tầng sẽ được chuyển đến tận phòng, không phải mất công đi ra ngoài.
Vừa mua 5kg gạo nếp quê cùng một số món đồ như đỗ xanh, hạt sen, măng khô,…chị Mỹ Linh (Quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết đây là những thực phẩm khô chuẩn bị cho dịp Tết. Năm nay gia đình chị Linh sẽ gói vài chiếc bánh chưng nên mua sẵn trước một số thứ. Tiện thể trong nhóm cư dân có người đang rao bán các loại nếp quê cùng nguyên vật liệu để gói bánh, chị Linh đã “chốt đơn” mua luôn.
Tại một số vùng quê, nhiều gia đình có thói quen rủ nhau “đụng lợn” vào dịp cuối năm để ăn Tết. Thường vào những ngày giáp Tết, từ 27 - 30 tháng Chạp âm lịch, tạm gác lại công việc đồng áng, nhiều nhà tranh thủ cùng nhau chia thịt lợn. Ngày xưa khi kinh tế còn eo hẹp nên các gia đình thường nhóm họp mổ chung một con lợn để lấy thực phẩm chế biến ăn tết, vừa rẻ vừa ngon.
Chị Ngọc Trâm (Quảng Nam) chia sẻ tại nơi đang sinh sống, hiện nay mọi người vẫn còn duy trì tập tục chia thịt lợn ăn Tết. Mỗi khi có gia đình nào thông báo mổ heo là cả xóm bắt đầu đi phụ giúp sau đó thống nhất chia theo các phần. Chị Trâm cho biết vài năm trở lại đây gia đình ít khi mua thịt lợn ngoài chợ để ăn Tết, đa phần đều đi chia thịt “đụng”.
"Đụng lợn" là một tập tục chuẩn bị đón Tết ở nhiều địa phương
Thường nhà nào có thịt lợn trước Tết sẽ thông báo để ai muốn đến chia thì đăng ký. Mỗi nhóm “đụng lợn” thường sẽ chia cho khoảng 10 nhà khác nhau hoặc tuỳ vào trọng lượng của lợn. Chia thịt lợn sao cho đồng đều giữa các phần nhất có thể, với những phần không đồng đều ví dụ như tai lợn, nhà nào không lấy sẽ được bù cho phần thịt khác. Cứ thế chia sao cho đủ khối tượng.
Thịt lợn đụng thường sẽ rẻ hơn so với thịt mua trên thị trường, tươi ngon vì được làm ngay tại nhà. Ở quê chia thịt xong thì trả bằng tiền mặt, ai cũng niềm nở xách túi thịt lớn ra về để chuẩn bị cho Tết. Lúc chia thịt là thời điểm rôm rả nhất khi các mẹ, các chị bàn nhau nên lấy thịt chỗ nào, làm món gì cho ngon. Thịt ba rọi thì luộc ăn, chân giò hầm với măng, thịt nạc thì xay nhuyễn làm nem chả, tai mui thì ngâm nước mắm…Chỉ cần thấy nhà nào “đụng lợn” thì thấy ngay không khí lễ Tết!
Tại một số địa phương, phần lòng lợn sẽ không chia mà sau khi hoàn tất mọi việc sẽ đem chế biến thành các món ăn như: luộc, nấu cháo…để mọi người cùng ngồi ăn uống, trò chuyện chặt tình làng nghĩa xóm. “Đụng lợn” không hẳn chỉ là “mua và chia thịt” mà còn thấm đẫm tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng xóm.
Theo THÀNH GIANG/PNPL