Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đạm Hà Bắc: Mắc kẹt với “giấc mơ” 10.000 tỷ

(DS&PL) -

Từng là anh cả của ngành công nghiệp phân bón trong nước, Đạm Hà Bắc nay trở thành một “cục nợ” của tập đoàn Hóa chất, với thua lỗ, nợ vay hàng nghìn tỷ đồng.

Từng là anh cả của ngành công nghiệp phân bón trong nước, Đạm Hà Bắc nay trở thành một “cục nợ” của tập đoàn Hóa chất, với thua lỗ, nợ vay hàng nghìn tỷ đồng.

Bức tranh ảm đạm

Ngày 26/7, 272,2 triệu cổ phiếu DHB, tương đương 2.272 tỷ đồng vốn điều lệ của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM. Đạm Hà Bắc lên sàn trong bối cảnh công ty mẹ - tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang gặp nhiều bê bối, vay nợ, thua lỗ nặng nề, lãnh đạo bị đề nghị kiểm điểm, kỷ luật. Đạm Hà Bắc được ví như anh cả của ngành sản xuất phân bón trong nước, với tiền thân là nhà máy Phân đạm Hà Bắc được xây dựng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Cuối năm 2015, doanh nghiệp được tiến hành cổ phần hóa và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Dù Vinachem muốn thoái 94,78 triệu cổ phần, tương đương 34,8% vốn góp trong DHB, tuy nhiên cuối cùng chỉ bán được 3,37 triệu cổ phiếu (1,23%), với giá trúng bình quân 10.002 đồng, cao hơn 2 đồng so với mệnh giá. Kể từ khi lên “sàn” UPCoM cuối tháng trước, vẫn chưa có một cổ phiếu DHB nào được khớp lệnh, dù cho giá khởi điểm chỉ là 6.800 đồng, thấp hơn khá nhiều mệnh giá. Những diễn biến này phần nào cho thấy bức tranh ảm đạm của thương hiệu có lịch sử hơn nửa thế kỷ. Quý I/2017, DHB báo lỗ sau thuế 218 tỷ đồng (cùng kỳ 2016 lỗ 189 tỷ đồng), đẩy lỗ lũy kế lên 1.934 tỷ đồng, “ăn mòn” 70% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

Giá trị sổ sách của mỗi cổ phần giảm chỉ còn 2.900 đồng. Nợ ngắn hạn (1.450 tỷ đồng) vượt xa tài sản ngắn hạn (620 tỷ đồng). Vay nợ tài chính lên mức 8.000 tỷ đồng, chiếm phần lớn tổng nguồn vốn của DHB (9.680 tỷ đồng). Những vấn đề này đã được hãng kiểm toán AASC cảnh báo trong báo cáo tài chính 2016 với lo ngại về khả năng thanh khoản và hoạt động liên tục của DHB.

Giải thích cho những kết quả yếu kém này, DHB cho rằng giá than (nguyên liệu đầu vào chính) tăng mạnh khiến công ty chịu áp lực lớn trước các đối thủ sản xuất đạm từ khí như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau. Giá khí giảm theo giá dầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn Dầu khí (PVN) hạ giá thành để cạnh tranh. Giá Ure bình quân năm 2016 đã rơi xuống sát ngưỡng 6.100 đồng/kg, thấp hơn 20% so với năm 2015. Theo số liệu từ Đạm Hà Bắc, năm 2015 than cám 4a mua từ tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng giá 30% so với mức năm 2009, ở mức 1,86 triệu đồng/tấn (tương đương 83USD), khiến công ty phát sinh thêm chi phí khoảng 620 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số nguyên nhân về mặt chính sách như luật Thuế giá trị gia tăng năm 2014 mới ra đời quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng khiến cho các nguyên vật liệu và chi phí đầu vào để sản xuất sản phẩm Ure của Đạm Hà Bắc không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Toàn bộ chi phí này phải tính vào giá vốn bán sản phẩm Ure, làm giá thành bị đội lên; hay việc Ngân hàng Nhà nước từ cuối năm 2015 thực hiện điều chỉnh tăng tỷ giá là 2% và nới biên độ tăng thêm 3% cũng làm gia tăng chi phí của DHB do lượng lớn nguyên liệu đầu vào đến từ nhập khẩu.

Kỳ vọng thành... thất vọng

Thực ra, Đạm Hà Bắc hoạt động khá hiệu quả từ năm 2014 trở về trước, với lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Như năm 2011 lãi 460 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ lên tới 54%, hay năm 2012 lãi 375 tỷ đồng, năm 2013 (220 tỷ đồng), năm 2014 (106 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của DHB bắt đầu lao dốc kể từ khi dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc hoàn thành từ năm 2015.

Trước đó, tập đoàn mẹ Vinachem năm 2008 có chủ trương thực hiện dự án cải tạo, mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc với tổng mức đầu tư 568 triệu USD nhằm nâng công suất lên 500.000 tấn Ure/ năm, trong đó xây dựng một dây chuyền mới với công suất 320.000 tấn và cải tạo dây chuyền hiện có công suất 180.000 tấn sử dụng than cám thay vì than cục như trước. Vinachem kỳ vọng sẽ biến Đạm Hà Bắc trở thành một “thế lực” trong ngành sản xuất phân bón nội địa.

Dự án được được nghiệm thu và đưa vào vận hành cuối năm 2015 với tổng giá trị quyết toán 10.016 tỷ đồng. Chi phí khấu hao lớn cùng phụ thuộc nợ vay để thực hiện dự án khiến DHB từ một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhanh chóng rơi vào tình trạng thua lỗ. Ngay trong năm đầu tiên vận hành (2015), Đạm Hà Bắc lỗ sau thuế 680 tỷ đồng, chủ yếu bởi chi phí lãi vay lên tới 448 tỷ đồng. Năm 2016, chi phí lãi và khấu hao tiếp tục tăng mạnh khiến DHB lỗ kỷ lục 1.041 tỷ đồng và kế hoạch lỗ tiếp 850 tỷ đồng trong năm 2017, nâng lỗ lũy kế dự kiến đến cuối năm nay lên gần 2.600 tỷ đồng, ngấp nghé vốn điều lệ. Một diễn biến đáng lo ngại khác là mặc dù đã đổ hơn 10.000 tỷ đồng để nâng công suất, song doanh thu của DHB vẫn chưa được cải thiện đáng kể, lần lượt chỉ đạt hơn 2.010 tỷ đồng năm 2015 và 2.157 tỷ đồng năm 2016, so với năm 2010 (2.010 tỷ đồng), đặt ra dấu hỏi về tính hiệu quả của dự án.

Nhiều lãnh đạo tập đoàn bị đề nghị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị hình thức kỷ luật đối với Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy tập đoàn Hóa chất Nguyễn Anh Dũng vì những sai phạm rất nghiêm trọng. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với trách nhiệm người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ; trong quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Vinachem. Những vi phạm này đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, để Vinachem và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.

Chủ tịch Vinachem đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện Dự án DAP số 2 Lào Cai. Đồng thời, ông Dũng cũng được xác định phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong việc triển khai dự án Đạm Hà Bắc. Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư dự án mở rộng Đạm Hà Bắc và liên doanh nhà thầu thực hiện gói thầu EPC xác định chưa chính xác chủng loại, số lượng một số thiết bị trong hợp đồng, dẫn đến có sự chênh lệch giữa giá trị hợp đồng EPC so với giá trị đã nghiệm thu lắp đặt, làm đội giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.

Ngoài ông Nguyễn Anh Dũng, một loạt lãnh đạo khác của Vinachem cũng bị yêu cầu kiểm điểm hoặc đề nghị kỷ luật, gồm các ông: Nguyễn Gia Tường, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vinachem; ông Đỗ Quang Chiêu, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch HĐQT tổng công ty Hoá chất Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng công ty, nguyên Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn...

Tin nổi bật