Như đã đưa tin, Australia từ bỏ thoả thuận trị giá 40 tỷ USD nhằm xây dựng một hạm đội tàu ngầm với nhà thầu Naval Group của Pháp hồi tháng trước và thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh sau khi đạt quan hệ đối tác an ninh ba bên với hai quốc gia trên.
Động thái của Australia khiến Pháp tức giận. Paris cáo buộc Australia và Mỹ đâm sau lưng nước này khi tiến hành đàm phán mà không thông báo.
Đại sứ Pháp tại Australia Jean Pierre Thebault. Ảnh: AP
Mới đây, Đại sứ Pháp tại Australia Jean-Pierre Thebault nói trong cuộc phỏng vấn: "Thật trẻ con khi nói rằng họ không thể tham vấn Pháp. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken từng nói việc này đáng lẽ phải được xử lý tốt hơn. Họ tuyên bố mọi thứ có thể đã diễn ra theo cách khác, đáng ra phải có những cuộc tham vấn".
Quan chức Pháp đề cập đến phát biểu của Thủ tướng Australia Scott Morrison rằng ông không thể tiết lộ những cuộc thảo luận về thương vụ tàu ngầm với Washington cho đến khi thỏa thuận liên minh ba bên mang tên AUKUS được thống nhất.
Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault sẽ trở lại Australia sau khi bị triệu hồi về nước do những rạn nứt ngoại giao.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, nhiệm vụ của ông Thebault tới đây sẽ là tập trung xác định lại mối quan hệ với Australia trong tương lai và bảo vệ các lợi ích của đất nước liên quan đến thương vụ bị đổ vỡ trên.
Về phần mình, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã lên tiếng hoan nghênh thông báo quyết định trên, đồng thời nhấn mạnh việc Đại sứ Pháp quay trở lại Canberra sẽ góp phần hàn gắn quan hệ giữa hai nước.
Mặc dù việc Pháp tuyên bố sẽ cử Đại sứ quay trở lại Australia đã phần nào làm dịu bớt căng thẳng giữa hai nước trong gần 1 tháng qua, song rõ ràng câu chuyện sẽ chưa thể nhanh chóng kết thúc.
Hiện hai nước còn chưa ngã ngũ về khoản bồi thường mà Australia phải trả cho Pháp khi nước này hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp.
Bên cạnh đó, Pháp không thể dễ dàng bỏ qua cho hành động này bởi nếu không không loại trừ khả năng các hành động tương tự sẽ lăp lại và khi đó, không chỉ vai trò của Pháp trong khu vực và mà trên bàn cờ địa chính trị của thế giới cũng sẽ bị suy giảm. Đây rõ ràng là điều mà Pháp không hề muốn.
Ngoài ra, vị thế chính trị và tiềm lực của Australia chưa thể sánh ngang hàng với Pháp nên Pháp sẽ không bao giờ chấp nhận cách hành xử như vậy của Australia. Chưa kể, sự có mặt của Pháp trong khu vực là sự hỗ trợ vô cùng quan trọng với Australia trong nỗ lực giảm sự can thiệp từ bên ngoài.
Mộc Miên (Theo Reuters)