“Nhà nước không đi tranh chấp với doanh nghiệp, việc đóng cửa doanh nghiệp là quyền của họ, mình phải tôn trọng quyền sở hữu này của họ. Chứ không phải doanh nghiệp đóng cửa lại đổ lỗi do tranh chấp với chính quyền là không phải”, ông Kiên khẳng định.
Còn với doanh nghiệp FDI, chúng ta mời họ vào thì phải nói năng uyển chuyển một tý chứ ai phân biệt đối xử với doanh nghiệp Việt Nam đâu. “Việc giảm thuế là giảm cho tất cả các doanh nghiệp đạt điều kiện của chính sách, giảm thuế theo ngành hàng chứ đâu riêng gì doanh nghiệp FDI. Có văn bản nào của Bộ tài chính, Quốc hội nói là giảm thuế cho riêng doanh nghiệp FDI đâu”, ông Kiên nhấn mạnh.
Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc ông Huỳnh Uy Dũng tạm đóng cửa khu du lịch Đại Nam là quyền của doanh nghiệp, không liên quan gì đến tranh chấp với chính quyền. Ảnh TL |
PV: Tuy nhiên, thông tin hiện nay đang cho thấy rằng việc Huỳnh Uy Dũng tạm đóng cửa khu du lịch đại nam vì có tranh chấp với Bình Dương?
Phải nhấn mạnh rằng tất cả những gì được đăng tải trên báo chí mấy ngày qua là do ông Huỳnh Uy Dũng nói, không phải do cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nói. Chúng ta phải nghe thông tin hai chiều, nếu không lại tung tin ra là chính quyền o ép doanh nghiệp.
Tôi không bênh ai cả, nhưng ở đây cần phải nói là chúng ta phải nghe bằng hai tai. Ông ấy đi kiện ông chủ tịch ủy ban nhân dân Bình Dương, đến khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ về kiện đó là không đúng thì lại không chấp nhận.
Chúng ta sống là phải có pháp luật. Anh đi kiện người ta, đến khi cơ quan cấp cao nhất có kết luận thì lại cho là không đúng.
PV: Thực tế, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng chính sách của chúng ta ưu ái với doanh nghiệp FDI hơn, ví dụ như việc tiếp cận đất đai để triển khai dự án?
Họ thuận lợi hơn ở chỗ nào? Ví như xây dựng nhà máy điện Phân nhôm trên Đắc Nông, xin là được ngay và vừa khởi công xong. Dự án này là của doanh nghiệp tư nhân làm chứ không phải doanh nghiệp FDI.
Thực tế, khi so sánh, chúng ta cần phải nhìn nhận một vấn đề là nguồn lực tài chính của doanh nghiệp trong nước có bằng doanh nghiệp FDI không? Các nhà đầu tư, với tư cách là người có tiền thì họ suy nghĩ vấn đề đầu tư thế nào. Bởi vì một doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn đi so sánh với nhau là khập khiễng.
Nhưng mà tiềm lực tài chính của doanh nghiệp FDI tốt hơn, nên khi nhìn vào thì mình thấy họ đi nhanh hơn, vì không vướng vào thỏa thuận giá. Thứ nữa, họ bỏ tiền vào hết ngay từ đầu. Trong khi doanh nghiệp trong nước còn phải đi vay ngân hàng, và ngân hàng còn mất thời gian thẩm định dự án.
Thế nên, khi doanh nghiệp trong nước đưa ra một khu đất mới, hoàn toàn không nằm trong quy hoạch, chưa giải phóng mặt bằng thì sẽ gặp khó khăn ngay. Nhưng nếu vào trong khu công nghiệp đầu tư nhà máy thì được ngay.
Chúng ta đã có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại các khu công nghiệp. 63 tỉnh thành của chúng ta đều có khu công nghiệp. Tôi khuyên rằng, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV thì nên vào các khu công nghiệp.
Vậy nên, nếu nói chúng ta ưu đãi cho doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp trong nước là oan cho Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như các chính quyền địa phương. Ở các tỉnh thành phố, các chính quyền địa phương không có gì ngăn cản các doanh nghiệp trong nước cả.
Tất nhiên cũng có thể là trong quá trình doanh nghiệp đi xin đất thì cũng không tránh khỏi có những công chức, viên chức bắt phong bì, phong bao, cố gắng kéo dài thời gian xuống. Nhưng nhìn chung, chính sách của chúng ta ban hành thì không có những hạn chế doanh nghiệp.
PV: Lần sửa đổi Luật doanh nghiệp này liệu có thêm cơ chế để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển không?
Mở cửa tối đa cho các vấn đề về đăng ký thành lập, giấy phép đầu tư, tiếp cận với khu công nghiệp… Chúng ta mở cửa hết mà, có hạn chế gì nữa đâu.
Ngay cả Luật đầu tư, có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chúng ta cũng đưa vào công khai trong luật. Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là một bước chuyển biến cơ bản.
Chúng ta đang dần dần tiếp cận đến ngưỡng khuyến khích và không phân biệt. Nhưng chúng ta phải thấy rằng, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, do tiềm lực tài chính gặp khó khăn, nên khi tiếp cận các vấn đề cũng khó khăn hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính lớn.
Chúng ta nhìn lại bài học, nhiều doanh nghiệp đi lên từ cơ chế, ví dụ như bất động sản, mới tạo ra nợ xấu bất động sản chồng chất lên như thế và chưa xử lý được. Giờ thành nợ xấu của ngân hàng. Đây là bài học mà chúng ta phải rút kinh nghiệm.
PV: Có nhiều ý kiến về việc chúng ta thiếu những chính sách để khuyến khích giới kinh doanh xây dựng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh, xứng tầm khu vực?
Chưa có bao giờ trong các cuộc họp Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ lại không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển cả. Chưa có văn bản nào cho thấy sẽ hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp.
Còn việc vươn lên của doanh nghiệp là Chính phủ khuyến khích bằng chính sách. Nếu doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ được ưu đãi về thuế, hỗ trợ về phí đào tạo, sử dụng công nghệ cao thì được hỗ trợ về thuế, hoàn thuế…
Rõ ràng chúng ta đã có cơ chế chính sách rồi chứ không phải không làm đâu. Vấn đề là một doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư được bao nhiêu, họ có đạt được đến ngưỡng được hỗ trợ của chính sách không mới là vấn đề chúng ta phải bàn chứ.
Thực tế, chúng ta rất mong muốn có những doanh nghiệp lớn mạnh. Thí dụ như Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Vincom… chúng ta mong muốn họ phát triển. Chúng ta có hạn chế gì đâu.
Vincom lấy được nền đất của nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (nằm ở khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học) mà bao nhiêu doanh nghiệp khác có lấy được đâu. Hay nhà máy bia rượu Hà Nội ở Lò Đúc cũng là doanh nghiệp trong nước, các thành phần kinh tế khác lấy chứ có phải doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp FDI lấy đâu.