Phát biểu khi Quốc hội thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) đã đề cập tới vấn đề giá xăng dầu đang tăng hiện nay. Trong đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng hiện nay Chính phủ vẫn còn công cụ để kiềm chế tình hình này.
Theo báo Người lao động, ông Trần Hoàng Ngân cho biết quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã được thực hiện trong nhiều năm, đặc biệt kể từ khi kinh tế nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, 2009. Khi đó kinh tế nước ta đã bị suy giảm và đặc biệt là lạm phát rất cao. Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết liên quan tới quá trình tái cơ cấu.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Báo Người lao động
Ông nhận định nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, nằm trong top cao của thế giới nên sẽ bị tác động nhiều chiều. Trong khi đó, thời gian qua thế giới đã tung nhiều gói kích cầu kinh tế làm tăng tổng cầu, đồng thời việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh đã khiến giá cả leo thang, lạm phát bùng lên, ngay cả giá xăng dầu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông Ngân, những điều này hoàn toàn có tác động đến lạm phán ở Việt Nam. Đặc biệt, các chi phí, dự toán trong kế hoạch đầu tư của có thể thay đổi. Vì vậy, đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần sớm xem xét can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu vì hiện giá mặt hàng này đang gia tăng rất nhanh, trong khi chúng ta đang còn có dư địa, các công cụ để cải thiện như: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường. Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: "Cần phải sử dụng các nguồn này để bình ổn khi giá xăng dầu gia tăng".
Báo Lao động cho biết bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Trong đó, ông Cường cho rằng nếu giá xăng, dầu (là giá đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế xã hội) cao sẽ tác động đến các lĩnh vực khác và không tốt cho nền kinh tế nói chung. Do đó, theo đại biểu này, việc đề xuất có biện pháp để kiềm chế giá xăng không tăng lên quá cao là điều cần thiết.
Đại biểu Cường nhận định trong bối cảnh giá tăng hiện nay có thể cân nhắc việc điều chỉnh giảm thuế, thuế nhập khẩu hoặc thậm chí thuế về môi trường.
Đại biểu Cường phát biểu: "Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, sức chịu đựng của các doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta đang cần phải phục hồi nền kinh tế. Nếu giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh thì sẽ đẩy theo chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực như giao thông vận tải đang bị tác động ảnh rất nặng của xăng dầu".
Trước đó, từ chiều 26/10, giá xăng đã tăng kỳ thứ tư liên tiếp lên mức 24.430 đồng/lít (với xăng RON95), đây là mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Vấn đề giá xăng dầu hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân.
Minh Hạnh (T/h)