Nhiều bị cáo vắng vặt
Ngày 26/12, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan. Phiên tòa được mở do có kháng cáo của nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vụ án được xét xử kéo dài trong nhiều ngày liên tục.
Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử phúc thẩm là 2 kiểm sát viên, thuộc Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội. Tại phần thủ tục, theo báo cáo của thư ký, nhiều bị cáo vắng mặt, trong đó có bị cáo Trịnh Văn Quyết có đơn xin hoãn. 5 luật sư của ông tại phiên phúc thẩm cũng có đơn xin hoãn xét xử.
Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán.
Cụ thể, trong 134 bị hại kháng cáo thì chỉ 5 người có mặt, 35 người có đơn xin hoãn xét xử. Chủ tọa yêu cầu cán bộ công an thông báo lý do không trích xuất được ông Trịnh Văn Quyết.
Báo cáo về sự vắng mặt của ông Quyết theo yêu cầu của chủ tọa, đại diện trại tạm giam T16 cho biết, ngày 11/12, đơn vị nhận được lệnh trích xuất của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội về việc trích xuất 23 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC để xét xử phúc thẩm ngày 26/12, đến khi kết thúc phiên tòa phúc thẩm.
Đến ngày 23/12, Trại tạm giam T16 có công văn về việc xác nhận tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Trịnh Văn Quyết đang điều trị tại khoa Lao, Bệnh viện 19-8 Bộ Công an.
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
Ngày 24/12, Bệnh viện 19-8 có công văn trả lời trại tạm giam về tình trạng sức khỏe của Bệnh nhân Trịnh Văn Quyết. Theo đó, bệnh nhân Trịnh Văn Quyết đang điều trị nội trú tại khoa Lao với chẩn đoán bệnh hen phế quản, lao phổi, dị ứng thuốc lao, ho ra máu do lao, viêm gan, suy thận do thuốc lao, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa do thuốc lao.
"Hiện tại tình trạng bệnh nhân còn khó thở, được truyền dẫn khí rung, thở ôxy. Tình trạng suy thận, viêm gan, dị ứng thuốc lao cần theo dõi sát, do đó bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi tích cực tại bệnh viện. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chưa đủ điều kiện để ra viện", đại diện Trại tạm giam T16 thông tin.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết viết đơn xin hoãn phiên tòa
Trước phiên phúc thẩm, ông Trịnh Văn Quyết đã có đơn gửi chủ tọa Võ Hồng Sơn và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội xin hoãn xét xử. Trong đơn, cựu chủ tịch FLC trình bày "sức khỏe đang không được tốt để có thể tới tham dự phiên tòa phúc thẩm". Ông cho biết trong quá trình điều trị bệnh lao ác tính, do dị ứng thuốc nên bị ho ra máu, viêm gan, viêm dạ dày, suy thận cấp và đang phải điều trị tích cực. Toàn bộ hồ sơ bệnh án của ông Trịnh Văn Quyết đã được gửi kèm với đơn xin hoãn phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Quyết cũng trình bày trong đơn, luật sư mà gia đình mời ở giai đoạn phúc thẩm chưa có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án để thực hiện trách nhiệm bào chữa. Bên cạnh đó có luật sư bận đi công tác nước ngoài nên không thể tham gia bào chữa cho cựu chủ tịch FLC.
Lý do cuối cùng, bị cáo Quyết xin có thêm thời gian để tiếp tục khắc phục tối đa hậu quả của vụ án. Sau phiên tòa sơ thẩm, vợ bị cáo Quyết đã nộp khắc phục hai lần, tổng cộng 353 tỷ đồng. Điều này được HĐXX ghi nhận, thông báo tại phiên phúc thẩm.
Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm vào sáng 26/12.
Trước đó, vào đầu tháng 8, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết mức án 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng hợp hình phạt là 21 năm tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, yêu cầu được xem xét, giảm trách nhiệm bồi thường dân sự.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết phải bồi thường cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là 1.364 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng thao túng chứng khoán. Như vậy, tổng số tiền mà ông Quyết phải khắc phục là hơn 1.800 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm ghi nhận gia đình bị cáo đề nghị dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả cho ông Trịnh Văn Quyết.