Cuộc sống khốn khổ ở xứ người
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới gặp được chị Vi Thị H. (SN 1989), trú bản Hồng Điện, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An tại trung tâm phố huyện. Chị H. ngượng nghịu giải thích: “Gần tháng nay tôi đang làm giúp việc cho một gia đình ở thị trấn Con Cuông nên không về nhà. Cũng may các con đã nghỉ hè nên tôi có thời gian đi làm kiếm thêm thu nhập”.
Chị H. có khuôn mặt khá ưa nhìn, dáng người cũng cân đối, vì vậy không ai nghĩ rằng người phụ nữ này đã có một cuộc đời “3 chìm 7 nổi” gần 10 năm ở Trung Quốc. Chị kể, nhà nghèo, từ nhỏ không được đến lớp học cái chữ, chỉ học lỏm và biết viết được họ tên của mình. Khao khát một cuộc sống khác đã khiến chị bị những kẻ buôn người lừa bán vào năm 17 tuổi.
Chị H. ra thị trấn tìm việc để nuôi các con nhỏ.
“Gần nhà tôi có một người phụ nữ lấy chồng ở Trung Quốc. Trong một lần về quê, người này sang gặp tôi đề xuất việc đi sang nước bạn làm việc. Người này khẳng định công việc không hề nặng nhọc lại lương cao, làm vài năm có tiền gửi về phụ giúp bố mẹ. Lúc đó tôi còn trẻ, lại không hiểu biết nên bị những lời ngon ngọt này lừa, đồng ý nghe theo”, chị H. kể.
Thế nhưng, khi vừa bước chân sang nước bạn, chị lập tức bị kẻ này bán cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Thời gian đầu, chị bị chồng giam giữ trong nhà không cho đi đâu. Ở đất khách quê người, không biết tiếng, không có tiền, chị đành chấp nhận cuộc sống nơi đây. Gần 10 năm làm vợ người mình không yêu thương, chị sinh hai người con, một trai và một gái.
“Nhà chồng nghèo lắm, cũng ở khu vực miền núi. Mấy năm đầu, họ luôn theo sát tôi, không cho đi đâu cả. Cuộc sống của tôi như bị giam cầm, cả ngày chỉ loanh quanh trong nhà. Chỉ đến khi tôi sinh cho chồng người con trai thì lúc đó họ mới thả lỏng một chút. Lúc này, tôi mới tìm cách trở về quê hương”, chị kể.
Chị lân la kết bạn với những người Việt Nam ở Trung Quốc để hỏi về đường đi và cách thức đi về. Thế nhưng, phải đến năm 2016, khi có người sẵn lòng giúp đỡ, chị H. mới quyết định đưa hai con - những đứa trẻ có hai dòng máu trở về quê hương, đoạn tuyệt những ngày tủi khổ.
Gian nan con đường mưu sinh
Về quê, không có tấc đất cắm dùi, dân bản thương tình cho mẹ con chị H. mượn đất để dựng ngôi nhà tạm che mưa, tránh nắng. Gọi là nhà nhưng thực ra được cất lên với 6 cây cột nhỏ rồi gác lên mấy tấm pờ-rô xi măng, xung quanh quây bằng tấm bạt mỏng. Vào những ngày mưa to gió lớn, chị phải ôm hai người con chạy sang nhà bà ngoại gần đó.
Cái ăn chỉ biết nhìn vào rừng, hàng ngày chị H. gửi con cho mẹ chăm sóc để đi kiếm măng, rau rừng hay lấy củi về bán để mua gạo qua ngày. Cuộc sống vô cùng vất vả, bữa ăn chỉ vài con cua con ốc mò được ngoài khe suối. Một mình nuôi con đã vô cùng khó nhọc, trong khi chị không được ăn học nên chỉ có thể tìm đến các công việc lao động chân tay.
Trong nhà chị H. không có tài sản nào giá trị.
Chị bảo, may mắn là sau khi trở về gia đình và dân làng vẫn giăng tay bao bọc, thường xuyên giúp đỡ mẹ con chị. Mỗi khi có việc, mọi người thường xuyên gọi chị đi làm cùng để kiếm thêm thu nhập.
“Ngày tôi về đây thì người con thứ hai chỉ mới 4 tuổi nay đã có thể giúp đỡ mẹ làm các công việc lặt vặt trong nhà. Đặc biệt là người con trai đầu, cháu rất ngoan ngoãn và hiểu chuyện, thường giúp mẹ trông em. Cháu cũng học rất giỏi, năm nào cũng được giấy khen”, chị H. kể.
Cho dù gia cảnh còn khốn khó, trong nhà không có thứ gì giá trị nhưng chị H. vẫn ấp ủ niềm mong ước các con sẽ lớn lên, được học hành và thay đổi cuộc sống. Chị muốn các con hiểu biết để không bị lừa phải trải qua nhiều thăng trầm như mình ngày trước.
“Thời gian này nghỉ hè, hai con cũng đã có thể tự chăm sóc lẫn nhau nên tôi mới ra thị trấn tìm việc để kiếm tiền. Dịch Covid-19 nên tìm việc cũng vô cùng khó khăn, may mà có gia đình nhận vào làm giúp việc, vì vậy tôi cũng đang tích trữ tiền để sang năm học mới mua sách vở cho con”, chị nói.
Ông Vi Thanh Hải – Chủ tịch xã Đôn Phục, xã Con Cuông cho biết: “Hoàn cảnh của gia đình chị Vi Thị H. thì ai cũng biết. Vì thế, sau khi chị H. đưa hai người con từ Trung Quốc về quê thì chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, giúp đỡ chị sớm hòa nhập cộng đồng. Hiện giờ hoàn cảnh gia đình cũng khá vất vả nhưng chị vẫn nghị lực vượt qua để nuôi các con ăn học”.
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (202)