Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cuộc chiến Eximbank kéo dài, ai sẽ là người chịu thiệt?

(DS&PL) -

Cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Eximbank đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng này. Doanh thu giảm sút, nhiều vụ án liên quan tiền gửi khách hàng xảy ra.

Cuộc chiến tranh giành quyền lực tại Eximbank đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngân hàng này. Doanh thu giảm sút, nhiều vụ án liên quan tiền gửi khách hàng xảy ra. Thế nhưng, gần như không có ai chịu trách nhiệm.

Bất đồng kéo dài

Ngày 30/6 vừa qua, cả Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020 và bất thường 2020 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) đã không thể diễn ra.

Cụ thể, sáng ngày 30/6, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Eximbank chỉ có 133 nhà đầu tư tham dự, nắm giữ 215,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 17,54%. Căn cứ vào điều lệ của ngân hàng này, số lượng cổ đông nắm giữ cổ phiếu có quyền biểu quyết thấp hơn 65% nên không thể tiến hành ĐHĐCĐ.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Eximbank chưa thể diễn ra do không đủ túc số

Câu chuyện các nhóm cổ đông lớn ở Eximbank không có sự đồng thuận đã kéo dài suốt 5 năm qua. Trong quãng thời gian đúng bằng một nhiệm kỳ ấy, như các ngân hàng bình thường sẽ tổ chức 5 đại hội thường niên, chưa kể các đại hội bất thường theo yêu cầu của các nhóm cổ đông, thì Eximbank chỉ tổ chức thành công được đại hội cổ đông 1 lần duy nhất đó là vào năm 2018. Tại đại hội khi đó, các cổ đông đã bầu bổ sung bà Lương Thị Cẩm Tú vào Hội đồng quản trị.

Còn, trong vòng hơn 1 năm qua, Eximbank đã thay chủ tịch đến 5 lần, luân chuyển từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và hiện là ông Yasuhiro Saitoh.

Khác với ở những ngân hàng thương mại cổ phần khác, khi chủ tịch thường là ông chủ thực sự của ngân hàng, là cổ đông lớn hoặc đại diện cho nhóm cổ đông, thì ở Eximbank lại hầu hết không phải như vậy. Ông Lê Minh Quốc từng là thành viên hội đồng quản trị độc lập không đại diện cho nhóm cổ đông nào, ông Cao Xuân Ninh từng là người của Vietcombank nhưng trước khi lên ghế chủ tịch cũng không còn đại diện vốn, và đến nay là ông Saitoh không phải là đại diện vốn của cổ đông Nhật khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã rút ông này từ tháng 5/2019.

Sự đấu đá, tranh giành quyền lực của cổ đông lớn còn chưa dứt, thì các cổ đông nhỏ, lẻ vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Biết cổ đông lớn mới là người nắm quyền, là người quyết định, nên cổ đông nhỏ chỉ biết hi vọng “những ông lớn” sẽ trân trọng những người khác cùng bỏ tiền vào, dẹp lợi ích riêng sang một bên, tạm dừng đấu đá để bắt tay nhau cùng xây dựng ngân hàng vì lợi ích chung.

Sáng 30/6, ĐHĐCH thường niên 2020 của Eximbank không thể diễn ra. Song nhiều cổ đông nhỏ vẫn hi vọng, ĐHĐCĐ bất thường 2020 trong chiều cùng ngày có thể được thực hiện.

Đến gần 14 giờ 30 phút, tỷ lệ vẫn chưa đạt nổi 20%, số cổ đông lúc này còn thấp hơn buổi sáng (sáng 133 cổ đông). Bất ngờ, màn hình trên sân khấu chợt tắt và sáng lên ngay sau đó. Lúc này trên màn hình hiển thị con số 128 cổ đông sở hữu 638.300.675 cổ phần, tương ứng 51,92%. Với tỷ lệ này, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank cũng không thể diễn ra.

ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank cũng không thể diễn ra do không đủ túc số

Hậu quả

Năm 2019 đã chứng kiến một cuộc đấu đá khốc liệt trong ban lãnh đạo Eximbank bằng việc bà Lương Thị Cẩm Tú được lựa chọn để thay thế ông Lê Minh Quốc ở vị trí Chủ tịch HĐQT. Thế nhưng sau đó, chức Chủ tịch HĐQT đã được trả về cho ông lê Minh Quốc.

Việc mâu thuẫn nội bộ, tranh giành quyền lực đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới Eximbank.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất Quý I/2020 của Eximbank, tổng tài sản của ngân hàng này là 157 nghìn tỷ đồng, trong khi đó ngân hàng đứng thứ 10 là SHB có tổng tài sản là 369 nghìn tỷ đồng (gấp hơn 2 lần so với Eximbank), những ngân hàng mà Eximbank từng “bằng vai, phải lứa” là ACB với tổng tài sản 387 nghìn tỷ đồng, Techcombank 391 nghìn tỷ đồng …

Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của Eximbank hết năm 2018 đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, là một trong những ngân hàng cổ phần có vốn lớn nhất trên thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế và các quỹ của Eximbank năm 2018 chỉ là 517 tỷ đồng, năm 2019 là 676 tỷ đồng, không đạt 5%/năm trên vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, trong năm 2019, các ngân hàng “đồng hạng” với Eximbank trong quá khứ là ACB đạt lợi nhuận 7.500 tỷ đồng, Techcombank và MBBank đều đạt lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này lên đến hàng chục phần trăm. Ngay cả những ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ hơn Eximbank cũng đạt lợi nhuận tốt hơn Eximbank nhiều lần như Seabank đạt 1.831 tỷ đồng, TPbank đạt 3.868 tỷ đồng, OCB đạt 3.232 tỷ đồng…

Kết quả kinh doanh sa sút, tụt hạng so với các ngân hàng khác, Eximbank lại liên tục xảy ra các vụ án liên quan đến tiền gửi của khách hàng, dẫn đến Eximbank phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng. Trong khi nội bộ liên tục lục đục dẫn đến khách hàng dần mất niềm tin vào ngân hàng này.

Việc kinh doanh sa sút cũng ảnh hưởng đến chính khoản đầu tư của các nhà đầu tư. Bởi hàng nghìn tỷ đồng đổ vào Eximbank nhưng do mâu thuẫn nội bộ dẫn đến việc kinh doanh kém hiệu quả. Lợi tức của các nhà đầu tư cũng giảm theo. Và tình huống xấu hơn có thể còn thua lỗ.

Trong năm 2019, do vi phạm quy định của pháp luật và Điều lệ, không tôn trọng quyền của cổ đông nước ngoài SMBC, các thành viên HĐQT gồm Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Lê Minh Quốc, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết , Saitoh đã bị cơ quan Thanh tra xử phạt. Được biết, sắp tới cơ quan Thanh tra cũng sẽ có kết luận về Eximbank. Cổ đông nước ngoài SMBC cũng đang yêu cầu bãi nhiệm các thành viên HĐQT không được tín nhiệm.

Hơn lúc nào hết, các cấp thượng tầng của Eximbank cần hạ thấp “cái tôi” của mình để tìm tiếng nói chung, đưa ra phương hướng giải quyết để “chèo lái” con thuyền Eximbank trở lại trong top các ngân hàng uy tín tại Việt Nam.

Giang Nam

Tin nổi bật