Báo Dân Trí đưa tin, sáng 12/1, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An khẳng định, những sai phạm của các trung tâm đăng kiểm vừa được phát hiện gần đây tại 13 địa phương trên cả nước như cơn bão, sóng thần "càn" qua lĩnh vực đăng kiểm để lại hậu quả sâu sắc và đau đớn, khiến thành quả hàng chục năm công sức của bao thế hệ trong lĩnh vực đăng kiểm xây dựng bị sụp đổ.
Ông Nguyễn Tô An - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - trả lời báo chí ngày 12/1.
Nguyên nhân của sai phạm theo ông An do người dân đi đăng kiểm muốn phương tiện nhanh chóng đạt tiêu chuẩn lưu hành nên chi tiền bồi dưỡng, làm hư đăng kiểm viên. Một số đăng kiểm viên không có bản lĩnh, không chiến thắng được lòng tham.
"Chúng tôi cảm ơn công an đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi sai phạm của các trung tâm. Ai vi phạm người đó phải chịu trách nhiệm", ông Nguyễn Tô An nói, theo báo Tiền Phong.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, đây là bài học cảnh tỉnh cho toàn hệ thống đăng kiểm. Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm chấn chỉnh, xây dựng lại, ai sai đến đâu thì phải cần xử lý đến đó.
Nhận hết trách nhiệm về mình, tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến nghị người dân cần quan tâm đến việc nghiêm túc thực hiện kiểm định phương tiện để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình, tránh vì chỉ muốn qua đăng kiểm mà làm hư các trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên.
Ông Tô An cho biết thêm, hoạt động đăng kiểm đang trong "tình trạng rối ren". Các trung tâm đăng kiểm phải căng nhân lực phục vụ, nhiều đăng kiểm viên làm việc với tâm lý bất ổn, ảnh hưởng đến năng suất. Trong khi đó, người dân xếp hàng dài chờ đợi, nóng lòng vì thời điểm này đã cận Tết Nguyên đán.
Để giải quyết tình trạng quá tải, Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép mở lại các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì vi phạm pháp luật.
Theo ông An, nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, Cục Đăng kiểm huy động được khoảng 80 nhân sự để vận hành trở lại 4 trung tâm kiểm định ở TP.HCM. Tại Hà Nội, cần huy động thêm 50-60 nhân sự cho các đơn vị đăng kiểm.
Ông An cũng cho biết, bên cạnh việc huy động nhân lực từ các trung tâm đăng kiểm của Nhà nước, Cục Đăng kiểm cũng đã rà soát và dự trù khoảng 200 nhân lực đăng kiểm của các doanh nghiệp tư nhân để tăng cường cho các địa phương thiếu hụt nhân lực.
Theo báo Lao Động, một tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong ngành đăng kiểm trong đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của 84 bị can về các tội Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Trên cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, 64 đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Mộc Miên (T/h)