Sự việc tái diễn liên tục suốt gần hai tháng qua, khiến người dân hết sức bất bình...
Ngủ phải đeo kính, mang khẩu trang
Bụi tung mù trời, mùi hôi nồng nặc, máy móc đêm ngày gầm rú... Đó là cảnh mà người dân ở khu vực xóm Long Mây (thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) phải hứng chịu suốt gần hai tháng nay.
Bà Nguyễn Thị Chút (60 tuổi, trú thôn 3, xã Bình Nghi) cho biết: “Chẳng rõ công ty này sản xuất sản phẩm gì nhưng làm cả ngày lẫn đêm, ô nhiễm tiếng ồn cũng có nhưng không nhằm nhò gì với việc họ thả bột gỗ. Ban ngày đi ngoài đường phải bịt 2 – 3 cái khẩu trang. Người đi trước cách người đi sau vài bước chân nhưng cũng không thấy rõ mặt vì... bụi. Và nhất là ban đêm, ở trong nhà tắt điện, bật cây đèn pin thì có thể thấy bụi mù mịt trước mặt”.
Người dân bức xúc trình bày vụ việc với báo Đời sống và Pháp luật. |
Những cành cây ngọn cỏ bị “nhuộm” đỏ màu bột gỗ, những giếng nước được “bịt” kín..., đó là ghi nhận đầu tiên của PV báo Đời sống và Pháp luật khi đến mảnh đất này. Tại nhà bà Chút, ngay sát công ty Phú Tài, có thể dễ dàng nhận thấy từng lớp bụi gỗ bám lên tường, nền nhà, bàn ghế, chăn nệm, xoong nồi, chén bát... Dường như bụi gỗ không chừa bất kỳ một ngóc ngách nào trong nhà bà Chút. Bà bức xúc kể: “Cái này là mới quét đó, mỗi ngày trung bình tôi quét 2 – 3 bao, nhưng được một lúc thì bụi lại bám đầy”. Vừa nói bà Chút vừa chỉ vào chiếc giường ngủ, tiếp lời: “Mặc dù đã đóng kín tất cả các cửa nhưng chỉ sau một đêm ngủ dậy mà bụi đã bám đầy chăn nệm. Vì thế tôi và ông xã cứ đi ngủ là phải bịt khẩu trang, mang kính nếu không thì đến sáng cũng ho sặc sụa”.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Chút là hơn 100 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn thôn 3 (xã Bình Nghi). Anh Võ Ngọc Đoàn (SN 1980, trú xã Bình Nghi) cho biết: “Từ ngày công ty xả bụi, người giàu thì phải thay toàn bộ cửa gỗ thành cửa kính để chống bụi. Còn nhà nghèo thì phải “cắn răng” mà sống chung với bụi. Nước uống nếu không che chắn cẩn thận thì cũng bị bám bụi, chuyển sang màu nâu nâu và có mùi hắc, không thể nấu ăn được. Dùng nước này để tắm hoặc giặt đồ thì đều khiến toàn thân ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ”. Anh Đoàn còn chia sẻ thêm: “Từ ngày xảy ra hiện tượng này, lũ trẻ con đi học thường bị té ngã, va quệt với nhau, phần vì không thấy đường, phần vì chỉ còn một tay để cầm lái bởi tay còn lại bận dùng để... bịt mũi.
Ngay sát bờ tường của công ty Phú Tài, lúc này, mặc dù là giữa trưa, mặt trời đứng bóng, nhưng theo quan sát của PV vẫn có khoảng từ 6-8 công nhân đang đứng trên phần mái của nhà xưởng. Đám công nhân này chia thành hai tốp, một tốp từ 3 - 4 người thay nhau xúc lớp bột gỗ phủ đầy trên mái tôn. “Bụi cưa từ trong khu nhà xưởng bị gió hất tung mù mịt, bốc lên cao rồi thoát ra ngoài các “cửa” trống trên nóc nhà xưởng. Bụi cưa bám kín phần mái, nặng “chùng” cả tôn, sợ sập nhà xưởng nên công ty lệnh cho công nhân trèo lên xúc. Thay vì gom lại, cho vào bao đem xuống tiêu hủy, thì công nhân lại “hất” thẳng từ trên mái nhà xuống đất”, ông Võ Tam (SN 1965, trú thôn 3) cho biết thêm.
Không chỉ bức xúc về tình trạng ô nhiễm do công ty Phú Tài gây ra, người dân Bình Nghi còn nghi ngờ về tính pháp lý của công ty này. ông Trần Minh Tâm (77 tuổi, trú thôn 3) cho hay: “Cái tên Phú Tài là do cán bộ xã nói người dân mới biết. Chứ cái công ty này nằm ở đây cả năm trời có thấy đề bảng hiệu tên gì đâu. Cái bảng trước công ty chỉ ghi mỗi dòng địa chỉ còn tên thì bỏ trống. Thậm chí, thông báo tuyển dụng đặt trước cổng công ty chỉ ghi tuyển người chứ cũng không biết ai tuyển. Chắc mấy ổng sợ gây ô nhiễm, người dân kiện lên tỉnh nên giấu tiệt, chẳng dám đề tên công ty?”.
Cản trở, gây khó dễ cho đoàn kiểm tra
Liên quan đến vấn đề công ty Phú Tài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi làm việc với ông Võ Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình Nghi. Trao đổi với PV, ông Thuận cũng tỏ ra hết sức bức xúc: “Ngay bản thân tôi đi qua đoạn đường thôn 3, Bình Nghi cũng không thể chịu nổi mùi hắc và bụi từ công ty Phú Tài phát ra. Chính quyền đã tổ chức đoàn công tác xuống kiểm tra tình hình hoạt động của công ty này, nhưng bảo vệ công ty lại không cho vào gây khó dễ cho đoàn kiểm tra. Chỉ đến khi Công an huyện Tây Sơn can thiệp, công ty mới đồng ý cho đoàn công tác vào làm việc”.
“Chúng tôi đã mời đại diện công ty Phú Tài lên làm việc. Công ty này cũng đã có công văn phản hồi. Theo đó, công ty Phú Tài lý giải, việc phát tán bụi ra môi trường là do nhà máy đang trong quá trình xây dựng, chạy thử. Đồng thời cam kết khi nào nhà máy đi vào hoạt động chính thức sẽ xử lý triệt để vấn đề trên”, ông Thuận cho biết thêm. Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi thời gian nhà máy xây dựng, chạy thử là bao lâu và thời điểm nào công ty đi vào hoạt động chính thức? Thì ông Thuận lại không thể trả lời với lý do “công ty Phú Tài thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên?”.
Thế nhưng cấp trên của ông Thuận, ông Nguyễn Chí Quang, Chánh văn phòng huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cũng không thể “nắm” được vấn đề này. ông Quang cho biết: “Công ty Phú Tài tiếp quản hệ thống cơ sở hạ tầng của công ty Tây An (làm ăn thua lỗ nên ngân hàng phát mãi) từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ một báo cáo nào với chính quyền địa phương. Về việc công ty này gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã cử cán bộ phòng Tài nguyên – Môi trường xuống làm việc nhưng đến nay vẫn chưa có báo cáo”.
Cam kết “nửa vời” của công ty Phú Tài. |
Đại diện chi cục Thuế huyện Tây Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi đã có buổi làm việc đề nghị công ty Phú Tài thành lập chi nhánh đối với nhà máy tại Bình Nghi, để thi hành nghĩa vụ thuế tại địa phương. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã thẳng thừng từ chối. Đến nay, thuế của nhà máy này, vẫn do cơ quan thuế ở “trên tỉnh” truy thu...”.
Một nhà máy rộng hơn 10.000m2 đóng “chình ình” ngay trên địa bàn, làm việc 24/24h với công suất gần 200 tấn dăm nguyên liệu mỗi ngày. Ngày đêm xả khói, bụi “tra tấn” hàng trăm hộ dân. Thế nhưng, điều lạ là chính quyền địa phương từ cấp xã cho đến huyện vẫn một, hai không hề hay biết về tình hình hoạt động của công ty này. Đồng thời, dù chính quyền biết rõ tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương, nhưng không thể tìm ra cách giải quyết thấu đáo cũng là một lý do khiến người dân hết sức bất bình.
Sẽ tiến hành kiểm tra vào tuần sau Ngày 2/10, trao đổi với PV, thạc sỹ Hà Thị Thanh Hương (Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định) cho biết: “Qua xác minh thông tin tại phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Tây Sơn, hiện nhà máy của công ty Phú Tài đóng tại xã Bình Nghi chưa có hồ sơ môi trường. Chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành vào tuần sau. Khi có kết luận chính thức chúng tôi sẽ có công văn phản hồi với báo Đời Sống và Pháp Luật”. |