Ngày 26/11, theo báo Sài Gòn online, Công TP.HCM cho biết, trong năm qua đơn vị đã tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm “núp bóng” các cơ sở cầm đồ, công ty tài chính, công ty luật, “cho vay nặng lãi” và các hoạt động đòi nợ sau đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Qua đó, Công an TP.HCM đã phát hiện 219 vụ với 346 đối tượng; đã khởi tố 81 vụ án với 217 bị can là các đối tượng thu hồi nợ về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Cưỡng đoạt tài sản” thông qua phương thức đòi nợ kiểu đe dọa, khủng bố, tung tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 29 vụ với 29 đối tượng.
Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam Aigars Plivčs (quốc tịch Latvia) - ông trùm đứng sau điều hành 3 công ty cho vay lãi suất đến gần 1.400%/năm. Ảnh: VietNamNet
Hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm đều được tập trung điều tra, khám phá bắt giữ nhanh đối tượng gây án. Trong đó có vụ cướp tài sản ở Chi nhánh Ngân hàng Sacombank trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8 bắt giữ 3 đối tượng; bắt 3 đối tượng cướp tài sản tại Phòng giao dịch Nhị Xuân - Ngân hàng Sacombank ở huyện Hóc Môn.
Cùng với đó là Công an TP.HCM cũng đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh có hiệu quả với các băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức. Điển hình, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TP.HCM cùng Công an quận 8 triệt phá băng nhóm do Châu Phát Ti cầm đầu chuyên hoạt động bảo kê, cưỡng đoạt tài sản ở chợ đầu mối Bình Điền. Quá trình điều tra mở rộng, công an phát hiện bắt giữ thêm nhóm “giang hồ” do Nguyễn Văn Tuấn cầm đầu.
Còn theo Văn phòng Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an, ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen” là một yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự, theo VietNamNet.
Công an TP.HCM triệt phá các băng nhóm tội phạm “núp bóng” các công ty tài chính, công ty luật, cho vay lãi nặng. Ảnh: Báo. CAND
Từ cơ sở điều tra, khám phá các vụ án về tín dụng đen, C01 vừa có kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước một số phương án, như:
Tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”, nhất là Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen”....
Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa đạng hóa các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” để kịp thời giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí liên quan, tăng cường tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về các hoạt động tín dụng, cho vay ngoài các tổ chức tín dụng, để thấy được các nguy cơ, rủi ro và hệ lụy khi vay “tín dụng đen”.
Thục Hiền (T/h)