Theo thông tin được chia sẻ, sự việc khiến nhiều người hoảng hồn xảy ra ở một khu chung cư tại Ôn Châu, Chiết Giang (Trung Quốc).
Hôm xảy ra sự việc, một người mẹ đưa hai con nhỏ xuống dưới nhà để lấy đồ ở khu vực tủ chuyển phát. Trong lúc lấy đồ, người mẹ không để ý quan sát các con, tới khi quay lại thì phát hiện con trai 2 tuổi đã biến mất.
Hoảng loạn tìm kiếm xung quanh, người mẹ chợt nghe tiếng khóc phát ra từ trong tủ đựng đồ. Hóa ra, bé trai 2 tuổi nghịch ngợm đã trèo vào bên trong, cửa tủ tự động đóng sập và khóa lại khiến cậu bé bị mắc kẹt.
Bé trai 2 tuổi bị mắc kẹt trong tủ đựng đồ.
Sau khi xác định được vị trí của con trai, người mẹ vội vàng gọi điện nhờ đội cứu hộ trợ giúp. Vừa đến hiện trường, các nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng an ủi, xoa dịu bé trai, giúp cậu bé bình tĩnh trở lại, đồng thời cố gắng cạy một khe hở ở cánh cửa tủ nhằm giúp không khí lưu thông tốt hơn.
Đội cứu hộ mở thành công cảnh cửa tủ chỉ sau 15 giây. Ngay khi cánh cửa vừa được mở ra, một nhân viên cứu hộ lập tức bế bé trai ra ngoài và giao lại cho người mẹ. Rất may, cậu bé chỉ quá hoảng sợ, ngoài ra không bị thương ở đâu.
Nhân trường hợp này, đội cứu hộ nhắc nhở các cha mẹ có con nhỏ luôn cảnh giác, quan sát con cẩn thận vì các bé vốn rất nghịch ngợm, hiếu động và tò mò. Chỉ một giây không chú ý, trẻ đã có thể gặp phải những tai nạn nguy hiểm.
Đội cứu hộ cũng cảnh báo về một số khu vực nguy hiểm mà các bé hay bị mắc kẹt. Tay vịn ghế, lan can, cửa sổ ô tô, khung cửa chống trộm… là những nơi trẻ dễ bị kẹt đầu. Trong khi đó, các bé dễ bị kẹt ngón tay hoặc ngón chân vào các loại nắp vặn, lỗ vặn ốc, lỗ khóa, các lỗ nhỏ trên vật dụng gia đình, dây xích xe đạp, khe cửa…
Ngoài những điều trên, cha mẹ lưu ý không để con nhỏ ở nhà một mình vì việc đó có thể khiến trẻ gặp hiểm họa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Trong trường hợp buộc phải để con ở nhà, cha mẹ cần chú ý những việc sau:
- Đảm bảo trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân.
- Khóa bình ga, tắt bình nóng lạnh, dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà.
- Dạy trẻ nhận biết các thiết bị điện và vật gây nguy hiểm.
- Có biện pháp giới hạn không gian vui chơi, đồng thời nhắc nhở các con tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao.
- Đặt đồ chơi của con ở khu vực thấp, hạn chế cất đồ chơi hay chơi của trẻ ở các vị trí cao như nóc tủ, kệ để đồ..., vượt tầm cao của trẻ, khiến trẻ tò mò và leo trèo làm đổ các vật dụng khác gây tai nạn, thương tích.
- Không được khóa cửa nhốt con trong nhà mà không để lại chìa khóa khiến trẻ không thể thoát ra ngoài khi bất ngờ xảy ra hỏa hoạn hoặc gặp nguy hiểm khác.
- Hướng dẫn trẻ cách xử lý khi có người bấm chuông, gọi cửa.
- Hướng dẫn trẻ cách tự cầm máu và chuẩn bị sẵn băng, gạc…
Đinh Kim (T/h)