Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Con rể cùng mẹ vợ lập băng móc túi trên xe buýt

(DS&PL) -

Thiếu tiền tiêu xài, Đức rủ mẹ vợ đã 60 tuổi cùng 1 người phụ nữ khác lập băng móc túi trên xe buýt tuyến Ninh Kiều - Ô Môn.

Thiếu tiền tiêu xài, Đức rủ mẹ vợ đã 60 tuổi cùng 1 người phụ nữ khác lập băng móc túi trên xe buýt tuyến Ninh Kiều - Ô Môn.

Báo Giao thông đưa tin, ngày 5/3, Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm (Công an TP Cần Thơ) bàn giao Bùi Đức Hiền (41 tuổi), Nguyễn Thị Cúc (60 tuổi) và Nguyễn Thị Mai (62 tuổi, cùng ngụ quận Ninh Kiều) cho Công an quận Bình Thủy điều tra hành vi Trộm cắp tài sản

Băng nhóm móc túi trên xe buýt bị cảnh sát bắt giữ - Ảnh: báo Giao thông

Theo báo Công an nhân dân, trước đó, lúc 9h, ngày 4/3, Hiền rủ mẹ vợ là bà Cúc và bà Mai đi uống cà phê trên đường 30/4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Tại đây, cả 3 bàn bạc lên xe buýt “ăn hàng” kiếm tiền tiêu xài. Sau khi thống nhất, cả 3 chọn tuyến xe buýt Ninh Kiều  - Ô Môn, là tuyến xe có đông hành khách nhất. 

Trước khi lên xe, Hiền phân công bà Mai ngồi ngay cửa xuống xe, Hiền ngồi băng ghế sau cùng, còn bà Cúc ngồi hàng ghế trước mặt Hiền. Khi xe di chuyển đến đường CMT8, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, Hiền ra tay móc trộm một ĐTDT hiệu Oppo, trị giá 5,5 triệu đồng của một nữ hành khách đi trên xe. 

Sau đó, Hiền đưa điện thoại trộm được cho bà Mai, bà Mai liền chuyển cho bà Cúc. Tuy nhiên, hành động của 3 đối tượng không lọt qua mắt các trinh sát hình sự. Khi 3 đối tượng chuẩn bị xuống xe, liền bị các trinh sát ập đến bắt quả tang.

Cũng theo báo Giao thông, tại cơ quan công an, nhóm người này thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Trong đó, bà Mai và Cúc khai nhận kẻ đứng ra tổ chức hành nghề “hai ngón” trên xe buýt chính là Hiền.

Hai tháng trước, Hiền cũng bị bắt quả tang khi móc túi lấy hai điện thoại và 200.000 đồng của người phụ nữ bị gãy tay đi xe buýt đến bệnh viện tái khám. Tuy nhiên, giá trị tài sản chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên anh ta chỉ bị xử phạt hành chính.

Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009):

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b)  Có tính chất chuyên nghiệp;

c)  Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g)  Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật