Theo tờ Thanh niên, thuật ngữ “cơn bão cytokine” được biết đến nhiều hơn tại Việt Nam đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020. Người được nhắc đến đầu tiên và nhiều nhất thời điểm đó là bệnh nhân 91, phi công người Anh. Sau đó, rất nhiều bệnh nhân COVID-19 gặp phải "cơn bão cytokine", trong đó có cố nghệ sĩ Phi Nhung.
Thông kê từ trung tâm hồi sức bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7, TP.HCM), cho biết, với công suất 500 giường bệnh thì có đến 70% bệnh nhân COVID-19 mắc phải "cơn bão cytokine".
Bệnh nhân COVID-19 trở nặng do "cơn bão cytokine" tấn công. Ảnh: HCDC
“Cơn bão cytokine” ở bệnh nhân COVID-19 là gì và nguy hiểm như thế nào?
VOV dẫn thông tin chia sẻ từ bác sỹ Nguyễn Xuân Đạt, từng là giảng viên trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại Hà Nội cho biết, hệ miễn dịch của cơ thể là một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt, protein, mô và các cơ quan. Chúng phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh là vi trùng, vi sinh vật...
Tế bào miễn dịch thuộc thành phần của hệ thống miễn dịch, mỗi một tế bào miễn dịch đóng một vai trò riêng trong hệ thống miễn dịch và góp phần vào việc bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Theo bác sỹ Đạt, khi tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các tế bào miễn dịch được kích hoạt hoạt động để thực hiện chức năng của nó. Cytokines là các hoạt chất protein giống như hormone được chính các tế bào miễn dịch tạo ra và đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt hoạt động của các tế bào miễn dịch. Cytokines kích hoạt hoạt động của chính tế bào miễn dịch tạo ra nó và các tế bào miễn dịch xung quanh nó hoặc tế bào đích ở vị trí khác nhau trên cơ thể.
Ngoài việc nhấn nút “start” để các tế bào miễn dịch bắt đầu hoạt động, các cytokines còn đóng vai trò duy trì và điều hòa hoạt động của các tế bào miễn dịch. Các tế bào miễn dịch sẽ hoạt động và có giới hạn dưới tác động của các cytokines.
Với “một lượng” cytokines được tạo ra “vừa đủ” toàn bộ hoạt động của các tế bào miễn dịch được vận hành trơn tru và diễn ra thuận lợi, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động đúng chức năng, tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể sẽ bị tiêu diệt và bị loại bỏ.
Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cytokines được tạo ra quá nhiều, các tế bào miễn dịch bị kích hoạt hoạt động quá mức, việc hoạt động vượt quá “giới hạn” cho phép của tế bào miễn dịch sẽ tạo ra các phản ứng trái ngược và gây hại cho cơ thể.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết, trong bất cứ loại bệnh nào cũng có thể xuất hiện “cơn bão cytokine”. Bất cứ bệnh nhiễm trùng nào mà không kiểm soát được đều dẫn đến “cơn bão cytokine”, sốc do sốt xuất huyết cũng là do "cơn bão cytokine”.
"Những người có hệ miễn dịch hoạt động tốt thì miễn dịch sẽ không tăng quá mức. Còn những người có trục trặc trong hệ miễn dịch, có bệnh nền thì cơ địa yếu đi, miễn dịch không đáp ứng được khi cơ thể bị sinh vật lạ tấn công, thì khi miễn dịch tăng lên nhiều quá mức sẽ tấn công luôn các tế bào không bệnh dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan", BS Hùng cho hay.
Người trẻ nhiễm COVID-19 nhiều nguy cơ gặp "cơn bão cytokine"
Chia sẽ với báo Nhân dân, ThS, BS Lê Văn Dẫn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, nhiều người còn chủ quan khi mắc COVID-19 nghĩa rằng sức khỏe tốt, trẻ khỏe không sao. Nhưng trong đợt dịch thứ tư, đã xuất hiện các trường hợp bệnh nhân trẻ mắc COVID-19 rất nặng. Các bệnh nhân trẻ có xu hướng gặp cơn bão cytokine diễn biến rất nhanh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng lên vào ngày thứ 6.
Dẫn chứng điển hình về bệnh nhân H.V.N (45 tuổi) vừa phải can thiệp ECMO tại bệnh viện Thanh Nhàn, BS Dẫn cho hay, đây là trường hợp trẻ, không có bệnh lý nền nhưng cơ thể có những phản ứng quá mức với virus, gây ra tình trạng cơn bão cytokine.
Đến ngày thứ 4-5 bệnh nhân đã có triệu chứng nặng lên nhanh, rầm rộ hơn và diễn biến cơn bão cytokine rất nhanh. Vì phát hiện muộn tình trạng này ở tuyến dưới nên các biện pháp thở máy, lọc máu hấp thụ không có tác dụng với bệnh nhân này, buộc phải can thiệp ECMO. Rất may, bệnh nhân đáp ứng với tuần hoàn ngoài cơ thể và đã được hồi sinh rất kỳ tích.
BS Nguyễn Trọng Khanh, Giám đốc Bệnh viện Pháp Việt cho biết, vừa qua, bệnh viện tiếp nhận 2 vợ chồng trẻ, dưới 45 tuổi không có bệnh nền. Tuy nhiên, khi nhập viện, trường hợp người chồng chuyển nặng rất nhanh và tử vong. Sau đó người vợ cũng rơi vào tình trạng nguy kịch, phải nằm hồi sức và can thiệp ECMO.
Theo BS Khanh, qua theo dõi siêu âm tim, diễn biến X-quang phổi, ông nhận thấy có 2 nhóm tiến triển nặng rất nhanh gồm nhóm phản ứng miễn dịch quá mạnh do cơn bão cytokine và nhóm thứ 2 là nhóm có yếu tố tăng nặng như bệnh phổi, tắc mạnh não, nhồi máu cơ tim.
BS Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, hiện nay vẫn cũng vẫn chưa thể lý giải được vì sao cơn bão cytokine lại xuất hiện ở các trường hợp trẻ tuổi. Tuy nhiên, đây sẽ là một lưu ý rất quan trọng cho bác sĩ khi theo dõi bệnh nhân mắc COVID-19, giảm được tình trạng nguy kịch cho bệnh nhân.
Ngăn chặn “cơn bão cytokine” ra sao?
Việc phát hiện bệnh nhân có "cơn bão cytokine" nhiều thách thức, đòi hỏi các bác sĩ phải theo dõi bằng các xét nghiệm phản ứng miễn dịch để biết được xu hướng miễn dịch đáp ứng viêm của bệnh nhân đang diễn biến theo xu hướng bảo vệ cơ thể hay tàn phá cơ thể.
Tuy nhiên, để phát hiện cơn bão này, các bác sĩ phải là người có kinh nghiệm mới có thể can thiệp kịp thời, đón trước "cơn bão cytokine" trước khi nó đến.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, trong điều trị bệnh nhiễm, đặc biệt là COVID-19 thì trong giai đoạn đầu ngăn chặn để không xảy ra cơn “cơn bão cytokine”. Ở đầu mùa dịch, trong điều trị sử dụng và loại vũ khí, trong đó có sử dụng corticoid liều cao.
Về sau, sử dụng các loại thuốc ngăn chặn COVID-19 tấn công tế bào, sử dụng kháng thể đơn dòng, huyết tương người khỏi bệnh, lọc máu liên tục để giảm nồng độ cytokine. Mỗi loại bệnh khác nhau sẽ có cách ngăn chặn "cơn bão cytokine" khác nhau.
Trên thế giới có đến 15 loại thuốc, giải pháp đồng thời điều trị bệnh nhân COVID-19 khi xảy ra “cơn bão cytokine”, trong đó có ghép tế bào gốc. Tại Việt Nam, ECMO (tim phổi nhân tạo) là phương pháp được ứng dụng trên bệnh nhân Covid-19 nặng có hiệu quả, cứu được nhiều bệnh nhân.
“ECMO (tim, phổi nhân tạo) không phải điều trị “cơn bão cytokine” mà điều trị chung cho tất cả bệnh nhân ở giai đoạn cuối do tổn thương các cơ quan mà quan trọng nhất là phổi và tim. Đây là phương pháp lọc máu, cung cấp ô xy, bơm mạch như tim bình thường để nuôi dưỡng cơ thể khi các cơ quan hư hại”, TS.BS Lê Quốc Hùng nói.
BS Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc bệnh viện quận 7 cho biết, dấu hiệu được cho là "cơn bão cytokine" quan trọng là chỉ số Sp02 giảm rất nhanh, nếu điều trị không kịp thời thì bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Bên cạnh đó, BS Vũ lưu ý, F0 điều trị tại nhà việc dùng thuốc để ngăn ngừa "cơn bão cytokine" cần phải tuân theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Việc dùng các loại thuốc này không đúng chỉ định sẽ không cho hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động một cách đúng đắn thì có thể nguy hiểm không khác gì "cơn bão cytokine".
Hoa Vũ (T/h)