Cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ công bố công thông tin.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo quyết định hủy niêm yết với cổ phiếu Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG).
Theo đó, 227 triệu cổ phiếu HVG sẽ bị hủy niêm yết trên HoSE từ ngày 5/8. Lý do là Hùng Vương đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp mà HoSE hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Được biết, cổ phiếu HVG đã bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 14/5 vì vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 3/2018. Trước khi dừng giao dịch, thị giá của HVG ở mức 5.400 đồng/cố phiếu.
Đến nay, dù hầu hết doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý II, Hùng Vương thậm chí chưa công khai số liệu tài chính quý I sau 2 lần bị HoSE nhắc nhở.
Cổ phiếu 'vua cá' Hùng Vương rời sàn chứng khoán. Ảnh minh họa |
Trước đó, HOSE đã có công văn nhắc nhở HVG lần 2 về việc chậm công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý 1/2020 sau khi Sở GDCK TP.HCM đã có văn bản nhắc nhở lần 1 vào ngày 21/4.
Việc chậm công bố báo cáo tài chính của HVG diễn ra trong bối cảnh Thủy sản Hùng Vương gần đây có nhiều biến động, trong đó có sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn CTCP Ôtô Trường Hải (Thaco) với tỷ lệ nắm giữ tại HVG đã được nâng lên 35,01%.
Cụ thể, Thaco nắm 26,26% cổ phần tại HVG, Sản xuất và Thương mại Trân Oanh - một doanh nghiệp của nhà ông Trần Bá Dương nắm 3,79% vốn của HVG và ông Trần Bá Dương nắm gữi 4,96% vốn.
Trong vài năm gần đây, Thủy sản Hùng Vương gặp nhiều khó khăn về dòng vốn do vay nợ lớn để thực hiện các vụ đầu tư, thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành và các doanh nghiệp liên quan để mở rộng đế chế thủy sản từng thuộc top đầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những diễn biến không thuận trên thị trường cùng với áp lực vay nợ quá lớn đã buộc Thủy sản Hùng Vương phải đưa ra nhiều giải pháp tái cấu trúc, trong đó có việc kêu gọi ông lớn Thaco rót một lượng lớn tiền vào để giải cứu.
Sự xuất hiện của cổ đông lớn - nhóm Thaco đã làm tăng kỳ vọng vào sự hồi phục của Thủy sản Hùng Vương. Dù vậy, doanh nghiệp của ông Dương Ngọc Minh vẫn chưa có nhiều tín hiệu hồi phục, nhất là giữ lúc việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Nhóm cổ đông Thaco có vai trò ngày càng lớn tại HVG. Một trong những nội dung HVG trình tại ĐHCĐ năm nay là cho phép THADI - doanh nghiệp chuyên mảng nông nghiệp của Thaco - và bên liên quan được nâng tỷ lệ sở hữu lên 25% vốn mà không cần chào mua công khai. Thadi cũng sẽ đầu tư 65% vào liên doanh THADI - HVG trong sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, triển khai tại An Giang, Bình Định.
Gần đây, một loạt doanh nghiệp cũng bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán như DIC Đồng Tiến, Tư vấn thiết kế dầu khí PVE, Cơ khí lắp máy Sông Đà MEC, Bao bì Nhựa Sài Gòn SPP...
Các doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc vì nhiều lý do khác nhau. Việc hủy niêm yết là để thanh lọc cổ phiếu trên sàn, bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng trong quy định về việc hủy niêm yết cổ phiếu và sự lỏng lẻo của quy định công bố thông tin để gây tổn hại đến cổ đông nhỏ lẻ.
Một số doanh nghiệp cố tình không hoàn thành BCTC hay báo cáo thường niên theo quy định, liên tục chậm công bố thông tin, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của cổ đông.
Vũ Đậu (T/h)