VnExpress đưa tin, khoản lỗ kỷ lục gần 1.800 tỷ đồng trong một quý được Tập đoàn Hoà Phát công bố vào cuối tuần trước đã kích hoạt đợt bán tháo cổ phiếu ngay đầu tuần này.
Hôm nay (31/10), HPG rơi thẳng đứng sau giờ mở cửa, sớm chạm giá sàn 15.650 đồng và duy trì trạng thái này đến cuối phiên. Cổ phiếu đóng cửa trong tình trạng không có bên mua, trong khi bên bán còn gần 2 triệu cổ phiếu chờ sang tay giá sàn.
Thanh khoản HPG lên mức cao nhất trong 15 tháng qua với 66,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 1.040 tỷ đồng. Trong số này có 45 triệu cổ phiếu giao dịch thành công tại giá sàn.
Nhóm thép bị bán tháo trong phiên 31/10. Bảng giá: SSI.
Áp lực xả hàng HPG không chỉ đến từ nhà đầu tư trong nước mà còn được cộng hưởng bởi khối ngoại. HPG đứng đầu danh sách những mã bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh nhất với giá trị bán ròng gấp hàng chục lần những cổ phiếu khác. Tính theo khối lượng, nhà đầu tư nước ngoài bán ra hơn 21 triệu cổ phiếu trong khi chỉ mua vào 1 triệu cổ phiếu.
Không chỉ HPG bị bán sàn, hàng loạt mã cổ phiếu ngành thép đầu ngành khác cũng chìm trong sắc xanh lơ như mã HSG của Hoa Sen, NKG của Nam Kim hay SMC của Công ty Cổ phần Ðầu tư Thương mại SMC.
Một số mã ngành thép khác thì giảm trên 3,5%, như TVN của Thép Việt Nam rơi 3,5%, TLH của Thép Tiến Lên mất 4,3% giá trị...
Theo Tạp chí Tri thức trực tuyến, bên cạnh nhóm thép cũng có nhiều mã chứng khoán khác bị bán mạnh trong phiên cuối tháng. Đáng kể như NVL của Novaland phần lớn thời gian nằm ở giá sàn nhưng được kéo lên về cuối ngày, đóng cửa còn giảm 3,4% tại mức 70.000 đồng.
Tương tự có thể kể đến MWG của Thế Giới Di Động cũng có thời điểm giảm sàn nhưng lực mua tốt giúp cổ phiếu hồi phục, chỉ còn giảm 3% xuống 51.600 đồng.
Top cổ phiếu có tác động lớn nhất. Nguồn: FireAnt.
Ngoài ra còn các mã tác động khá xấu khác có thể kể đến EIB của Eximbank đi ngược ngành ngân hàng khi giảm mạnh 6,1% về 37.000 đồng. VIC của Vingroup mất 0,5% xuống 55.400 đồng, DIG của DIC Corp giảm sàn tại 17.700 đồng, mã dầu khí PVD cũng rơi về giá sàn
Dù vậy, thị trường nhìn chung vẫn giao dịch khá cân bằng khi có nhiều cổ phiếu lớn khác tăng giá tốt. Đặc biệt là nhóm ngân hàng với đầu tàu VCB của Vietcombank đi lên 2,7% đạt 73.500 đồng, hay BID tiến thêm 2,2%, CTG có thêm 2,3%, SHB tăng mạnh 4,1%.
Một số cổ phiếu trụ cột khác bứt phá ấn tượng để cân bằng thị trường như GAS của PV Gas tăng 1,9% lên 111.100 đồng, MSN của Masan cũng tăng 1,9%, VRE của Vincom bứt phá 3,8%, VNM của Vinamilk có được sắc xanh.
Mộc Miên (T/h)