Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có một cuộc cách mạng tiêu dùng âm thầm diễn ra ở Triều Tiên?

(DS&PL) -

Tiệm pizza hay quán cà phê không phải là những điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi nói về Triều Tiên, nhưng có nhiều thay đổi lớn đang diễn ra bên trong quốc gia này.

Tiệm pizza hay quán cà phê không phải là những điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến khi nói về Triều Tiên, nhưng có nhiều thay đổi lớn đang diễn ra bên trong quốc gia này.

Cách mạng tiêu dùng bất chấp lệnh trừng phạt

Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên vẫn đang âm thầm trải qua một cuộc cách mạng tiêu dùng. Mặc dù đã quen với việc nhà nước kiểm soát tất cả, từ cách ăn, mặc đến di chuyển, nhưng người Triều Tiên gần đây cũng đã dần tiếp xúc nhiều với văn hóa tiêu dùng của phương Tây.

Curtis Melvin, một thành viên cấp cao của Học viện Hàn lâm Mỹ thuộc Trường Nghiên cứu Johns Hopkins nói: "Người dân được tiếp cận với hàng tiêu dùng và các cơ hội kinh doanh nhiều hơn ở bất kỳ thời điểm nào khác trong quá khứ".

Ông Melvin là người chuyên nghiên cứu nền kinh tế Triều Tiên, cho biết các tiệm pizza, tiệm cà phê, quán bar và trạm xăng dầu tư nhân đã mọc lên như nấm ở Bình Nhưỡng, thủ đô của đất nước này.

Có một cuộc cách mạng tiêu dùng đang âm thầm diễn ra ở Triều Tiên. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt nhằm vắt kiệt nền kinh tế Triều Tiên. Lệnh trừng phạt là một phần trong nỗ lực của ông Trump nhằm gây áp lực buộc ông Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, trên thực tế ở Triều Tiên, chính phủ đang cho phép hoạt động kinh doanh nhiều hơn và thậm chí khuyến khích cạnh tranh giữa các công ty tư nhân nhỏ.

Andray Abrahamian thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington nói: "Ở Triều Tiên, bây giờ mọi người đều có thể tìm được công ty của riêng mình. Một cửa hàng, một công ty mỹ phẩm - bạn có thể tự kinh doanh rồi thu về lợi nhuận".

Khách du lịch từ các quốc gia khác khi đến Triều Tiên cho biết, rất nhiều người dân di chuyển bằng những chiếc xe đạp điện đắt tiền. Người Triều Tiên cũng có những lựa chọn khác nhau về dịch vụ xe taxi hoặc nhãn hiệu kem đánh răng.

Những điều đó dường như không phải là vấn đề to tát gì đối với người tiêu dùng phương Tây nhưng đó là một sự thay đổi lớn lao đối với Triều Tiên - một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và là nơi mà nhà nước đã kiểm soát hầu hết các khía cạnh của đời sống.

Các chuyên gia nói rằng điều này phản ánh nền kinh tế Triều Tiên đã chuyển biến ra sao dưới thời ông Kim Jong-un, nhà lãnh đạo trẻ có học vấn kiểu phương Tây, người đã tiếp quản lãnh đạo đất nước sau cái chết của người cha là ông Kim Jong-il.

Ông Kim Jong-un có tư tưởng cởi mở hơn về thị trường so với người cha. Ảnh: CNN

Kim Byung-yeon, giáo sư kinh tế của Đại học Quốc gia Seoul, một người chuyên nghiên cứu nền kinh tế Triều Tiên đánh giá: "Ông Kim Jong-un chấp nhận nhiều hoạt động thị trường hơn ông Kim Jong-il”. Và rõ ràng, những thay đổi dường như đã phần nào dẫn đến một sự cải thiện tích cực với kinh tế.

Mặc dù Bình Nhưỡng không công bố bất kỳ dữ liệu nào, nhưng ước tính của ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên là 3,9% vào năm 2016, tốc độ nhanh nhất kể từ khi bước sang thiên niên kỷ mới.

Con số đó thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn sau khi nhìn vào khoảng thời gian hơn chục năm Triều Tiên bị trừng phạt quốc tế.

Rudiger Frank, giáo sư kinh tế thuộc Đại học Viennan nói rằng "nền kinh tế Triều Tiên đang có chuyển biến tốt hơn 20, 10 và thậm chí 5 năm về trước”.

Việc kinh tế tư nhân nở rộ được cho là làm lợi cho ngân sách Chính phủ Triều Tiên. Hầu hết các chủ nhà hàng, cửa hiệu ở nước này được cho là có quan hệ thân cận với chính quyền, và được yêu cầu phải cắt một phần lợi nhuận cho chính quyền.

Còn tồn tại nhiều rủi ro

Cua từ Triều Tiên được bày bán tại Trung Quốc bất chấp lệnh cấm. Ảnh: CNN

Mặc dù vẫn đang phát triển nhưng rõ ràng là có rất nhiều sự không chắc chắn về động kinh doanh tư nhân ở Triều Tiên, các chuyên gia nhận xét. Cho đến nay, cuộc cách mạng tiêu dùng hầu như chỉ tập trung ở Bình Nhưỡng còn phần lớn các khu vực khác của đất nước vẫn còn lạc hậu, nghèo nàn.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng không chính thức đưa ra những bộ luật thân thiện với thị trường, điều này có nghĩa là các thương nhân vẫn phải tuân theo chế độ của nhà cầm quyền. Chẳng hạn, chính sách tiền tệ do chính phủ tiến hành từ năm 2009 khiến nhiều người Triều Tiên phải tiết kiệm chi tiêu.

Các chuyên gia cũng cho rằng Triều Tiên sẽ không theo được con đường của các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung khác, vốn đã chấp nhận chủ nghĩa tư bản như Nga và Trung Quốc.

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn tăng trưởng tới 3,9% trong năm 2016, bất chấp việc bị cô lập. Ảnh: CNN

Ông Frank chỉ ra ví dụ như trường hợp ông Mikhail Gorbachev, cựu lãnh đạo Liên Xô, người đã phải bước xuống ngay sau khi thực hiện cải cách quy mô lớn. "Vì vậy, ông Kim rất thận trọng", ông Frank khẳng định. Trong khi đó, việc siết chặt các biện pháp trừng phạt cũng có thể gây ảnh hưởng đến nguồn ngoại tệ và hàng hóa vào nước này. Mỹ đã nhắm mục tiêu vào các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên như than đá, quặng sắt và hải sản.

Ông Frank cũng nói với CNNMoney rằng một số doanh nghiệp Triều Tiên đã bị đóng cửa sau khi cộng đồng quốc tế gia tăng trừng phạt.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia không cho rằng sức ép kinh tế do Mỹ dẫn đầu sẽ sớm khiến Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. "Các nhà chức trách sẵn sàng vượt qua nỗi đau về kinh tế trong một thời gian dài", ông nói.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo CNN)

Tin nổi bật