Theo thông tin từ Báo Người lao động, ngày 8/10, ghi nhận tại SJC Hùng Vương - Đà Nẵng, cửa hàng dán thông báo tạm ngưng giao dịch, nhưng không đưa ra thời gian mở cửa trở lại. Một bảo vệ làm việc ở cạnh cửa hàng trên cho biết, SJC đã đóng cửa cách đây hơn 10 ngày. Tương tự, tại chi nhánh SJC miền Trung - 185 Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) cũng dán thông báo "tạm ngưng giao dịch".
Trả lời báo Tiền Phong, đại diện SJC cho rằng, đây là hoạt động bình thường trong kinh doanh và không nói rõ lý do. Chỉ khi chính thức đóng cửa chi nhánh, công ty mới có thông báo cụ thể. Về thời điểm 2 chi nhánh SJC giao dịch trở lại, người này cho biết, vẫn chưa có thông tin từ ban lãnh đạo về việc này.
“Chúng tôi có hệ thống trên toàn quốc, nếu người dân muốn mua bán vàng có thể đến các địa phương khác, hoặc liên hệ với công ty sẽ được giới thiệu những chi nhánh gần nhất”, vị này nói. Đại diện SJC khẳng định, các trung tâm, chi nhánh ở các tỉnh thành khác vẫn thu mua bình thường. Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ với đường dây nóng, hoặc trang Facebook của SJC để được giải đáp thắc mắc.
Cửa hàng SJC Bến Thành tại Quận 1, TPHCM. Ảnh: SJC.
SJC đang kinh doanh thế nào?
Theo báo cáo tài chính mới nhất được cập nhật trên website chính thức của SJC, kết thúc năm 2023, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC (SJC) ghi nhận ở mức 28.408 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả năm 2023, biên độ tăng của giá vốn nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu lợi nhuận gộp của SJC chỉ đạt mức 241,6 tỷ đồng, giảm 3%. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế cả năm 2023 ở mức 60,9 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản SJC đạt 1.898,4 tỷ đồng, tăng 9%. Tiền và tương đương tiền giảm 15%, xuống còn 236 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho tăng của doanh nghiệp tăng 16% lên mức 1.363 tỷ đồng
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của SJC tính đến cuối năm 2023 ở mức 1.578 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2022. Nợ ngắn hạn ở mức 320 tỷ đồng; trong đó, vay và nợ thuê tài chính tăng 48,5% lên hơn 150 tỷ đồng.
Theo khảo sát của PV, năm 2023 là giai đoạn SJC ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (hơn 28.408 tỷ đồng). Dù vậy, mức lãi “mỏng” vỏn vẹn gần 61 tỷ đồng cho thấy biên lợi nhuận của SJC chỉ đạt hơn 0,2%.
Còn theo báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của SJC trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp đã phát sinh ba giao dịch vay với các Ngân hàng Vietcombank, HDBank và MBBank, song chi tiết giao dịch không được công bố vì lý do bảo mật thông tin.
Theo giới thiệu, SJC hiện có 23 chi nhánh, 6 công ty con, 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư. Mạng lưới kinh doanh của SJC gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức và trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc. Tính đến 31/12/2023, SJC có 480 nhân viên đang làm việc, tăng 2 người so với thời điểm đầu năm.