Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cô giáo Quảng Ninh nặng lòng với học sinh tự kỷ, khuyết tật

(DS&PL) -

Để chăm sóc và giáo dục các em, cô Thúy cũng tự mua tài liệu để nghiên cứu, đích thân lặn lội tìm đến các trung tâm dạy trẻ hòa nhập để học hỏi kinh nghiệm.

Để chăm sóc và giáo dục các em, cô Thúy cũng tự mua tài liệu để nghiên cứu, đích thân lặn lội tìm đến các trung tâm dạy trẻ hòa nhập để học hỏi kinh nghiệm.

Theo Báo Quảng Ninh, xuất phát từ chính hoàn cảnh gia đình cũng có con là trẻ tự kỷ, cô giáo Nguyễn Thị Thúy (Trường Tiểu học Bình Khê 1, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) luôn thấu hiểu được những tâm tư, mong muốn của những phụ huynh học sinh có trẻ khuyết tật trí tuệ, tự kỷ. Bằng niềm tin mãnh liệt các em sẽ hòa nhập, học tập và sinh hoạt bình thường như bạn bè cùng trang lứa, gần 6 năm gắn bó với trẻ tự kỷ, cô Thúy đã đem hết tình yêu thương và những kinh nghiệm của mình có được để chăm sóc, chỉ bảo, rèn giũa từng học sinh của mình.

Năm 2012,cô Thúy được phân về dạy học tại Trường Tiểu học Bình Khê 1 (TX Đông Triều). Gần 8 năm đứng lớp, thì có 5 năm cô Thúy giảng dạy, chăm sóc học sinh khuyết tật.

Từ năm 2015 đến nay, cô Thúy đã giảng dạy, giúp 5 học sinh khuyết tật, tự kỷ học hòa nhập. Có những em không chỉ chủ động được những kỹ năng sinh hoạt tối thiểu mà đã có thể đọc thông, viết thạo, làm phép toán.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Bình Khê 1 (TX Đông Triều) trong giờ lên lớp. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Để chăm sóc và giáo dục các em, cô Thúy cũng tự mua tài liệu để nghiên cứu, đích thân lặn lội tìm đến các trung tâm dạy trẻ hòa nhập để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời thường xuyên trò chuyện, vui chơi cùng các em để theo dõi, quan sát cũng như giúp các em tự tin, hòa đồng hơn với tập thể.

Với học sinh tự kỷ sẽ có một giáo án riêng biệt, tùy từng trường hợp, cô Thúy sẽ xây dựng kế hoạch giáo dục và hoạt động hỗ trợ khác nhau phù hợp với khả năng và nhận thức của mỗi em.

Cô Thúy cho biết, trẻ khuyết tật, tự kỷ thường rất hay mặc cảm, tự ti, nhiều em khả năng tiếp thu kiến thức cũng chậm hơn học sinh bình thường, vì vậy, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, các thầy, cô đôi khi còn phải đóng vai “bác sĩ tâm lý” để động viên, hỗ trợ các em cùng học tập cũng như hòa nhập.

Ngoài dạy trẻ tự kỷ nhận biết, phát triển tư duy, trí tuệ, cô Thúy cũng thường xuyên trò chuyện, trao đổi với học sinh trong lớp, trong trường, các bậc phụ huynh và nhà trường xây dựng môi trường thân thiện, hòa đồng để trẻ tự kỷ tự tin, sớm hòa nhập.

Sự kiên trì của cô được đền đáp xứng đáng khi hầu hết các em đều có những tiến triển tốt. Cô cũng vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có đóng góp trong công tác hỗ trợ, giáo dục người khuyết tật, tàn tật, tự kỷ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 2015-2018).

Trước đó, Báo Công an Nhân dân cũng cho biết, bằng tình thương dành cho trẻ khuyết tật, 10 năm qua, cô Lê Thị Lý (54 tuổi) và cô Phạm Thị Kim Dung (53 tuổi) đã gắn bó, chăm sóc cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện Phú Ninh (Quảng Nam).

Được chăm sóc tận tình, nhiều em đã dần khỏe mạnh để hòa nhập vào xã hội, có nhiều em nỗ lực học giỏi thi đỗ vào các trường đại học.

Cô Lý cho hay, đầu năm 2010, tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Mỹ (VFF) về khảo sát, xây dựng cơ sở chăm sóc cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn H. Phú Ninh. Lúc đó, tổ chức này tuyển 11 người đưa đi huấn luyện cách tập vật lý trị liệu để về tập cho trẻ khuyết tật. Tuy nhiên, hoạt động được 1 năm thì tổ chức này giải thể khiến cơ sở lâm vào cảnh bế tắc.

Cô Dung cho biết thêm: "Cũng may, lúc đó ông Tony là Cựu binh từng chiến đấu ở Việt Nam về huyện Phú Ninh, thấy cơ sở hoạt động rất ý nghĩa nên quyết định hỗ trợ kinh phí mở rộng và sắm thêm nhiều vật dụng để cơ sở tiếp tục được hoạt động. Thời điểm đó, chúng tôi được trả chỉ 750 ngàn đồng mỗi người/1 tháng. Mức lương đó thật sự thấp, trong khi chúng tôi phải lo từ khâu nấu ăn đến việc tập luyện cho gần 50 trẻ. Nhưng vì quá nặng lòng với trẻ khuyết tật nên chúng tôi đã chấp nhận để được gắn bó, chăm sóc cho các cháu”.

Đến năm 2015, vì điều kiện tài chính nên nhà tài trợ quyết định cắt khẩu phần ăn trưa khiến cơ sở lâm vào cảnh khó khăn do phần lớn các trẻ nhà ở xa nên ở lại trưa để chiều tập tiếp. Do vậy, 2 cô đã lặn lội đi gõ cửa các đơn vị, đồng thời đăng bài viết lên mạng xã hội facebook kêu gọi các Mạnh Thường Quân chung tay giúp đỡ.

Ngoài việc chăm sóc và tập luyện cho trẻ khuyết tật, những lúc rảnh các cô còn dạy cho trẻ nhận dạng mặt chữ, đọc viết để nâng cao nhận thức. Nhiều bé có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không đưa đến cơ sở được thì hai cô thay phiên nhau đến nhà chở đến cơ sở để tập luyện. Những trường hợp khó khăn không nơi nương tựa các cô sẵn sàng đưa về nhà để cưu mang, đùm bọc.

Vũ Đậu (T/h)

Tin nổi bật