Cô bé không tay đã vẽ nên câu chuyện cổ tích của đời mình, của người làng Kon Drei. Em là người đầu tiên của làng vào đại học.
Ngọn đuốc rực sáng
Số phận thật trớ trêu, ngày lọt lòng mẹ, Y Julie, 18 tuổi, ngụ làng Kon Drei, xã Đắk Bla, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum, mang hình hài kỳ dị, khiếm khuyết đôi tay. Chập chững vào đời trên đôi chân trần nhỏ nhắn, yếu ớt cô bé không tay vẽ nên câu chuyện tựa như cổ tích của đời mình.
Tạo hóa lấy đi của Y Julie đôi tay nhưng ban tặng em một nghị lực sống phi thường vượt lên nghịch cảnh. Với đôi chân, Y Julie đã tạo nên kỳ tích của đời mình, của người làng Kon Drei. Bởi, từ bao đời nay, đối với làng Kon Drei, ngôi trường đại học dường như là điều gì đó quá xa vời. Ấy vậy mà, Y Julie là người đầu tiên của làng chạm được đến ngưỡng cửa trường đại học.
Ngày Y Julie nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, cả làng vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc. Y Julie là niềm kiêu hãnh, là ngọn đuốc rực sáng để bao thế hệ trẻ trong làng noi gương.
Yêu thương gieo ý chí
Không khó để chúng tôi tìm được nơi Julie sinh sống. Căn nhà nhỏ của gia đình em nằm bên dòng sông Đắk Bla hiền hòa thơ mộng. Khi chúng tôi đến cũng là lúc chị Y Dzoar (39 tuổi, mẹ Julie) lưng mang chiếc gùi lỉnh kỉnh đồ đạc về đến nhà. Thấy khách lạ đứng trước cổng, sắc mặt lộ rõ vẻ bối rối, chị ngại ngùng dẫn khách vào. Thả vội chiếc gùi trên lưng, chị bê tấm chiếu cũ trải ra thềm mời chúng tôi ngồi.
Lúc này, từ trong nhà bước ra là một cô bé có dáng người nhỏ nhắn, khuyết đôi tay. Bù lại, Y Julie nổi bật bởi làn da trắng, khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt to tròn đặc biệt có nụ cười cuốn hút người đối diện.
Julie có đôi mắt rực sáng, nụ cười hồn nhiên cuốn hút. |
Trò chuyện với chúng tôi, chị Y Dzoar kể, năm 2002, chị kết duyên cùng anh A Khưnh - người cùng làng. Cuộc sống gắn liền với ruộng đồng của đôi vợ chồng son cứ thế trôi qua êm đềm và tình yêu của họ sớm đơm hoa kết trái khi chị mang thai đứa con đầu lòng.
Tuy nhiên, khi Y Julie vừa lọt lòng, đôi vợ chồng trẻ chưa kịp vui mừng đã bàng hoàng biết con bị dị tật, không tay. Nhìn đứa con có hình hài kỳ dị, chị Dzoar ngất lịm.
Theo chị Dzoar, ngày từ viện về, thấy Julie không có đôi tay dân làng cũng bàn tán, nhưng không định kiến như xưa, thay vào đó người làng đồng cảm đón nhận, dành cho Julie sự yêu thương chân thành. Cứ thế, Julie bé bỏng, yếu ớt lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình, của người làng.
Chị Dzoar chia sẻ: “Y Julie không chỉ khuyết đôi tay mà chân phải còn bị cong lệch, cột sống vẹo và trên lưng có khối u rất to. Sức khỏe yếu nên vợ chồng mình thường xuyên đưa con đi viện khám.
Để có thể đứng được như hôm nay, Y Julie phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nắn bàn chân. Tuổi thơ của con là những chuyến đi viện triền miên khiến kinh tế gia đình cạn kiệt, bản thân Julie đau đớn. Thương con lắm nhưng hai vợ chồng đành nuốt nước mắt vào trong động viên, an ủi con”.
Vượt qua nghịch cảnh
Khi Y Julie lên 4 tuổi, thấy các bạn đi học cũng nằng nặc đòi bố mẹ cho đến lớp nhưng sợ không theo kịp các bạn nên chị Y Dzoar đành để con ở nhà.
Thế nhưng, Julie đã theo các bạn đến lớp mẫu giáo đầu làng. Chẳng được vào lớp, Julie chỉ biết nhìn lớp học qua cửa sổ. Thế rồi, cô bé bắt chước các bạn, lấy cây khô kẹp vào chân, viết những nét nguệch ngoạc lên nền đất.
Thấy con cứ đòi đi học, vợ chồng chị Y Dzoar đành mua sách vở và bút để con tập viết. Thật bất ngờ, khi vừa nhận được cuốn vở, Julie liền lấy chân phải đè lên giữ cuốn vở, 2 ngón cái và trỏ của bàn chân trái kẹp cây bút nắn nót viết. Cuối cùng, những kí tự A B C cũng dần hiện ra tuy hơi nguệch ngoạc. Quá đỗi vui mừng, chị Y Dzoar ôm chầm lấy con mà khóc.
“Mình không biết con học chữ từ đâu. Chỉ mới lần đầu cầm bút, vở nhưng bé đã viết được các chữ cái rồi. Sau này hỏi ra mới biết, con bé học chữ trong lúc đứng ngoài cửa sổ nhìn các bạn học”, chị Dzoar nhìn con trìu mến.
Để có thể đặt chân vào ngưỡng cửa đại học, Julie đã phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. |
Trò chuyện với chúng tôi, Julie mở lời: “Hồi đầu đi học em thường bị bạn bè trêu đùa là chim cánh cụt vì không có tay, em tủi thân lắm, tự nhiên nước mắt cứ ứa ra. Mặc dù bị trêu ghẹo nhưng chưa lần nào em ước mình có tay cả và em biết, có ước tay cũng không mọc ra được. Bởi vậy, em chỉ biết cố gắng học tập thật giỏi để không thấy mình vô dụng. Những ngày đầu mới tập viết chân em sưng phù, tê cứng. Em cảm thấy mình bất lực, muốn buông bỏ. Nhưng, trong những lúc khó khăn nhất được sự động viên của cha mẹ và thầy cô, em quyết tâm phải làm sao bằng được các bạn”.
Trải qua 12 năm học, năm nào Y Julie cũng đạt được thành tích cao trong học tập, luôn là học sinh khá giỏi. Khi Y Julie học hết cấp 3, đứng trước ngưỡng cửa đại học, Y Julie trăn trở không biết nên chọn học ngành hướng dẫn viên du lịch mà em ước mơ bấy lâu nay hay một nghề khác.
Cuối cùng, cô nữ sinh từ bỏ ước mơ của mình, bởi sức khỏe không cho phép. Y Julie theo học ngành Công nghệ - Thông tin của trường phân hiệu đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.
“Đôi lúc, em thấy các bạn có đôi tay, làm việc gì cũng nhanh, khi nhìn lại thì mình còn thua các bạn 1 khoảng cách khá xa. Em chỉ biết tự động viên mình cố gắng làm thật tốt. Em có đôi chân lành lặn, cũng có thể làm được rất nhiều việc thay thế đôi bàn tay”, em Y Julie chia sẻ.
Dù lạc quan là vậy nhưng những lúc trái gió trở trời, cơ thể Julie luôn bị những cơn đau hành hạ. Có những lúc, cô bé gào khóc như một đứa trẻ lên 3. Nhiều lúc, cô bé lại như một người già kiệt sức vì bị bệnh tật bủa vây.
Thế nhưng, sau mỗi cơn đau, cô bé vẫn gạt đi nước mắt, gồng mình rắn rỏi để khẳng định bản thân không hề yếu đuối.