Theo báo Tiền Phong, tàu sân bay Phúc Kiến được đặt theo tên một tỉnh ven biển phía đông nam Trung Quốc. Các cuộc thử nghiệm trên biển của con tàu đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển từ xưởng đóng tàu ra đại dương, nơi tàu sẽ trải qua các kiểm tra nghiêm ngặt nhằm đảm bảo khả năng sẵn sàng hoạt động.
Cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên của tàu diễn ra vào tháng 5/2024. Thời điểm này, tàu rời cảng Giang Nam, Thượng Hải để kiểm tra độ tin cậy và ổn định của hệ thống đẩy cũng như các thiết bị điện tử.
Hoạt động thử nghiệm của tàu sân bay Phúc Kiến. Nguồn: Clash Report/Tiền Phong
Giai đoạn thử nghiệm tiếp theo của tàu sân bay Phúc Kiến sẽ tập trung vào việc kiểm tra khả năng điều hướng trong vùng nước hẹp, thực hiện các thao tác khẩn cấp và hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Một phần quan trọng khác của quá trình thử nghiệm là kiểm tra khả năng tích hợp với các hoạt động cất và hạ cánh của máy bay chiến đấu, đặc biệt là việc sử dụng hệ thống máy phóng điện từ.
Các hệ thống liên lạc và chỉ huy cũng sẽ được thử nghiệm để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa tàu sân bay và các đơn vị hải quân hoặc không quân khác. Quá trình thử nghiệm dự kiến kéo dài nhiều tháng nhằm xác nhận tàu Phúc Kiến đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn hoạt động trước khi chính thức gia nhập biên chế Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo truyền thông Trung Quốc, tàu sân bay Phúc Kiến có lượng giãn nước toàn tải trên 80.000 tấn, một chỉ số quan trọng thể hiện khả năng chuyên chở, tầm hoạt động, tốc độ và tính cơ động của tàu.
Điểm nổi bật của tàu là hệ thống máy phóng điện từ, cho phép phóng các máy bay chiến đấu lớn và nặng hơn so với các tàu Sơn Đông và Liêu Ninh. Tàu dự kiến có khả năng mang từ 40 đến 70 máy bay chiến đấu. Trong số này, máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-15 sẽ đóng vai trò chủ lực, cung cấp khả năng chiếm ưu thế trên không và tấn công chính xác.
Ngoài ra, máy bay tàng hình J-35 – thiết kế dành riêng cho hoạt động trên tàu sân bay – được cho là sẽ hoạt động trên tàu Phúc Kiến, giúp tăng đáng kể khả năng chiến đấu. Bên cạnh đó, máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không Tây An KJ-600 dự kiến sẽ mở rộng khả năng giám sát trên không và trên biển.
Về phòng thủ, tàu Phúc Kiến được trang bị radar mảng pha tiên tiến để phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu từ xa. Các hệ thống vũ khí tầm gần như HQ-10 và Type 1130 được tích hợp nhằm bảo vệ trước các mối đe dọa từ tên lửa hoặc máy bay không người lái.
Với những công nghệ và thiết kế hiện đại, sự ra đời của tàu sân bay Phúc Kiến không chỉ thể hiện bước tiến lớn của hải quân Trung Quốc mà còn đóng vai trò nền tảng trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng trên các vùng biển xa.