(ĐSPL) – Mặc dù đã được thông báo về khả năng ISIL sẽ tiến hành các cuộc tấn công tại Iraq nhưng CIA và MI6 đã “bỏ ngoài tai” và không có hành động gì phản ứng.
Trong bối cảnh đường biên giới phía tây của Iraq không còn thuộc tầm kiểm soát của chính phủ, một bài báo mới đây chỉ ra rằng, Mỹ và Anh đã được cảnh báo về một cuộc nổi dậy nhiều tháng trước khi các chiến binh Hồi giáo bắt đầu đánh chiếm các vùng lãnh thổ của Iraq.
Theo một bài báo trên Telegraph của Anh, các quan chức tình báo cấp cao người Kurd cho biết, họ đã cố gắng giải thích cho các đồng minh trong Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), mật vụ Anh (MI6) và chính phủ ở Baghdad rằng các thành viên của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông" (ISIL) có thể trở thành một mối đe dọa to lớn đối với sự ổn định của Iraq. Tuy nhiên, những lời cảnh báo này đều bị “bỏ ngoài tai”.
Một bài báo mới đăng trên Reuters viết, ngoài các vùng lãnh thổ thuộc Iraq, “toàn bộ mặt trận miền tây”, bao gồm khu vực biên giới với Syria và Jordan, giờ đây cũng “nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ”. Các quan chức Kurd cảnh báo rằng, ISIL đang lôi kéo những người Hồi giáo sinh sống tại những quốc gia khác. Rooz Bahjat, một quan chức tình báo cấp cao, cho biết, trong số 4 nghìn người nước ngoài tham chiến cùng ISIL, khoảng 400 đến 450 người được sinh ra tại Anh và những người này bị dụ dỗ tham gia vào cuộc nổi dậy.
|
Chiến binh ISIL giơ cờ Hồi giáo sau khi họ chiếm giữ một căn cứ quân sự Iraq ở tỉnh Salahuddin, miền bắc Iraq. |
Những quan chức này cũng cho biết, liên minh giữa các thành viên ISIL và những người thuộc đảng Baath cũ dưới chế độ Saddam Hussein gần như đã hoàn thiện. Liên minh này đã tiến hành cuộc tấn công vào Mosul và các thành phố khác ở miền bắc Iraq.
“Khi đó, chúng tôi đã có thông tin này và chúng tôi đã chuyển tới chính phủ (Anh) và chính phủ Mỹ. Chúng tôi biết chính xác chiến thuật mà chúng (ISIL) sẽ sử dụng và những người lập kế hoạch quân sự. Họ đã phớt lờ các cảnh báo”, Bahjat nói với Telegraph.
Mặc dù hiện nay, ISIL đang chiếm quyền kiểm soát nhiều thành phố của Iraq một cách nhanh chóng nhưng người ta cho rằng, nhiều người dân theo dòng Sunni ủng hộ tổ chức cực đoan này do việc thiếu một chính phủ toàn diện ở miền trung Iraq. Chính phủ của Thủ tướng Nouri al-Maliki đã không thể hàn gắn sự chia rẽ phe phái trong đất nước, khiến nhiều người Sunni cảm thấy họ như không có quyền lợi gì trong tương lai.
Như Russia Today đưa tin trước đó, nhiều dấu hiệu cho thấy, Mỹ muốn Thủ tướng Maliki từ chức để có thể thực hiện nỗ lực hòa giải giữa người Sunni và Shi'ite. Tuy nhiên, ông Maliki lại không có ý định rời bỏ ghế thủ tướng. Phát biểu về vấn đề này vào tuần trước, tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết “Chúng tôi không có nhiệm vụ chọn ra những nhà lãnh đạo của Iraq… Nhưng tôi nghĩ chẳng có bất cứ bí mật gì, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, về sự chia rẽ sâu sắc giữa lãnh đạo Sunni, Shi'ite và Kurd”.
Trong một cuộc phỏng vấn gần dây với CBS News, ông Obama đã tuyên bố rằng ISIL là “một mối đe dọa trung và dài hạn” đối với an ninh quốc gia Mỹ nhưng ông cũng cho biết đó “chỉ là một trong các tổ chức mà chúng ta đang quan tâm”.
Tổng thống Obama cũng đã loại trừ việc đưa lính chiến Mỹ tới Iraq. Tuần trước, người đứng đầu Nhà Trắng thông báo rằng 300 cố vấn quân sự - ngoài 275 binh lính đang bảo vệ tại Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad – sẽ được cử đến đào tạo và hỗ trợ binh sĩ Iraq nhưng Mỹ cũng tỏ ra không sẵn sàng tham gia một cuộc xung đột mà không có giải pháp chính trị rõ ràng.
Cả Mỹ và Anh đã có thể tăng cường sự hiện diện của họ nhiều tháng trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra tại Iraq nhưng dường như họ không làm gì cả, theo Telegraph.