Trong khi lối sống vô cảm ngày càng phổ biến thì những người này mỗi lần ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.
Luyện võ để làm việc nghĩa. |
Luyện võ để chiến thắng chính mình
Người xưa có câu: "Bậc thánh nhân, quân tử sợ mình hơn sợ người". Cho nên với võ sư Vũ Trường Giang (Chi hội phó chi hội võ thuật Hạ Long, chủ nhiệm CLB Võ đức Trường Giang), cuộc sống không thể thiếu võ thuật và luyện võ trước hết là để chiến thắng bản thân mình, tự cứu lấy chính mình.
Dường như tất cả những thăng trầm trong cuộc đời vị võ sư này đều liên quan đến võ thuật và mang đậm tinh thần thượng võ.
Sinh năm 1972 trong một gia đình nghèo với 10 anh chị em nheo nhóc ở Hòa Bình, tuổi thơ của võ sư Giang là những tháng ngày đói khổ triền miên. "Đói từ trong bụng mẹ, đói đến lúc biết bò, biết đi, đói đến khi biết lên rừng hái sung, nhặt hạt dẻ ăn cho đỡ đói, đói đến mãi sau này..." – ông Giang bồi hồi nhớ lại quãng đời gian khó.
Nhưng ngay từ lúc mới 6 – 7 tuổi, dù đói, dù rét, không có ăn, không có mặc, võ sư Giang đã dám theo ông anh họ hơn mình mấy tuổi trốn lên Hà Sơn Bình (cũ) học Vịnh Xuân Quyền. Vì còn quá nhỏ, chưa tập những những bài khó, thời gian đầu, ông Giang chỉ có đúng một nhiệm vụ là trèo lên những cây cổ thụ lớn treo dây thừng cho anh mình luyện tay.
Sau, ông cũng học luôn những động tác khó mặc dù nó có vẻ hơi quá sức so với tuổi của mình. Năm 10 tuổi, vì cuộc sống quá khó khăn, gia đình 12 người của ông Giang chuyển về Thái Bình sinh sống.
Tưởng việc học võ sẽ bị gián đoạn hoặc dừng hẳn nhưng về quê lúa chưa được bao lâu, võ sư Giang lại bỏ nhà theo người anh họ có chung niềm đam mê võ thuật của mình lên Hà Nội "tầm sư học đạo".
Ông Giang kể: "Hồi đó còn nhỏ quá, mới chục tuổi đầu có biết gì đâu, chỉ biết rằng cứ nói đến học võ là thích, không thể ngồi yên được cho nên có người rủ là đi luôn".
Người anh được sư phụ dạy cái gì liền về truyền lại cho em. Đêm đêm, hai anh em võ sư Giang lại đưa nhau lên sân thượng tầng 5 trường đại học Bách Khoa luyện võ. Đó là người thầy đầu tiên của ông Giang.
Lúc bấy, cả hai thầy trò đều không có tiền, thậm chí có ngày chỉ ăn một chiếc bánh mì cầm cự nhưng họ vẫn chuyên tâm luyện tập võ nghệ, không bỏ ngày nào. Bây giờ mỗi khi nghĩ lại, ông Giang cũng không hiểu bằng phép màu nào mình đã sống sót qua những ngày kham khổ đó. Nhưng có lẽ chẳng có phép màu nào ngoài võ thuật là thứ đã cho ông sức mạnh để chiến thắng chính mình và vượt qua mọi khó khăn.
Sau khi chuyển về Quảng Ninh, ông Giang tình cờ gặp được võ sư Đặng Công Lý (chưởng môn phái Thiếu lâm Nam phái Bạch hổ) khi vị chưởng môn này đang đi du lịch Hạ Long.
Khi đó, ông Giang đã là một thanh niên chững chạc, thích lo chuyện thiên hạ, cứ thấy ở đâu có ẩu đả là nhảy vào can, thấy ai bị bắt nạt là nhảy vào cứu. Thấy Giang có nhiều tố chất võ thuật, võ sư Lý đã truyền dạy bí kíp Thiếu lâm Nam phái Bạch Hổ.
Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha!
Võ sư Giang cho rằng, luyện Vịnh Xuân là để tu tâm. Người xưa nói "Cái dũng của bậc thánh nhân là ở chỗ tận cùng của sự bình tĩnh". Người luyện Vịnh Xuân sẽ rèn được sự kiên nhẫn, điềm đạm, không cố chấp, nóng nảy, biết dùng nhu để chế cương, chiến thắng chính mình để chiến thắng đối thủ.
Ngược lại, Thiếu lâm Nam phái Bạch Hổ lại là một môn võ đầy sức mạnh, luôn phô trương tối đa sự dũng mãnh trong chiến đấu. Nắm được tinh hoa của hai môn phái này, võ sư Giang đã tự nghiên cứu, kết hợp lại với nhau để tạo ra một thứ võ thuật của riêng mình, vừa có cái "nhu" của Vịnh Xuân, vừa có cái "dũng" của Bạch hổ, bổ sung cho nhau, hài hòa lẫn nhau.
Theo lời kể của người dân ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh) thì những tháng cuối năm 2014, trên địa bàn nổi lên loại tội phạm cướp giật khiến dư luận không khỏi hoang mang. Trong khi ai nấy đều cảm thấy nơm nớp lo sợ mỗi khi ra đường thì võ sư Giang lại cảm thấy thích thú hơn bao giờ hết.
Các đệ tử của ông cũng vậy. Thay vì nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả, vị võ sư này lại thích ra đường "hóng gió" vào lúc canh khuya. Nhiều khi chẳng có việc gì phải ra ngoài, ông Giang cũng đi lại như mắc cửi.
Thời điểm ấy, nhiều người tưởng võ sư Giang có vấn đề về thần kinh nhưng thực tình, ông chỉ muốn tìm một vài tên cướp để dạy cho chúng một bài học mà thôi. Bởi với vị võ sư này, luyện võ chính là để sử dụng vào những việc "trừ gian diệt bạo" như vậy.
Theo lời kể của vị võ sư này thì một lần đang đi gần chợ Hạ Long, bỗng thấy hai đối tượng chở nhau trên một chiếc xe máy áp sát người đi đường, giật túi xách rồi rồ ga tẩu thoát.
Mặc dù hành động đó chỉ diễn ra trong chớp mắt nhưng với phản xạ tinh nhanh của người luyện võ, ông Giang đang đi bộ gần đó liền tung người lao theo, đạp hai đối tượng ngã xuống đất trước hàng trăm con mắt ngơ ngác, chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra của người dân.
Tuy nhiên, vị võ sư này không bao giờ dùng chiêu độc, đòn hiểm để lấy mạng đối thủ. Ông cho rằng người học võ trước tiên phải có đức, lấy nhân nghĩa làm trọng nếu không cũng chỉ là cướp mà thôi. Nhiều đệ tử của ông Giang cũng học theo tinh thần của sư phụ muốn trở thành những "hiệp sĩ" âm thầm của đường phố bởi vì học võ là để làm những việc chính nghĩa.
Hàn Phong
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 15