Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện tình xuyên thế kỷ: Hạnh phúc giản đơn của cặp vợ chồng 30 năm gánh nước nơi phố Hội

(DS&PL) -

Hơn nửa thế kỷ bên nhau, trải qua đủ hỷ, nộ, ái, ố, sinh sống cực khổ bằng nghề gánh nước thuê nơi phố Hội, nhưng tình vợ chồng của họ vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

Vợ chồng cụ Đường - cụ Mỹ quen và nên duyên khi xa quê đi làm thuê. Chiến tranh kết thúc, họ quay về Hội An sinh sống bằng nghề gánh nước thuê. Hơn nửa thế kỷ bên nhau, trải qua đủ hỷ, nộ, ái, ố nhưng tình vợ chồng vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

Đỡ đần nhau qua đói khổ

Cơn mưa lúc rạng sáng khiến con hẻm nhỏ trên đường Phan Chu Trinh, phường Minh An, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam trở nên trơn trượt, ướt át. Vậy mà cụ Nguyễn Đường, 85 tuổi cùng vợ Nguyễn Thị Mỹ, 87 tuổi, trú tổ 8, phường Minh An vẫn cố bấm chặt từng ngón chân xuống nền xi măng. Họ nhích từng bước một, giữ cho chiếc quang gánh chứa 2 thùng đầy nước khỏi lắc lư.

Mấy chục năm qua, dẫu nắng mưa, hai cụ vẫn dậy từ sớm để làm công việc này. Cụ bà đã già yếu, miệng còn nhai trầu chóp chép. Cụ ông, da rám nắng chắc nịch theo sau tiện bề đỡ đần cho bà. “Phải đến 30, 40 năm rồi, 2 vợ chồng tôi làm nghề gánh nước thuê ở đây. Giờ bà già yếu nên ít đi hơn, còn tôi thì vẫn vậy”, cụ Đường nói.

Mấy mươi năm qua, hình ảnh cụ Đường gánh nước đã quá quen thuộc với người dân phố cổ.

Theo chân hai cụ, chúng tôi chen chúc qua nhiều tuyến phố rêu phong của Hội An. Cụ Đường thoăn thoắt gánh 2 xô nước chừng 20 lít giao cho các quán mỳ Quảng, hủ tiếu trên địa bàn.

Cụ kể, thời nay, cái gì cũng công nghiệp hóa cả, nhưng hàng quán ở phố Hội thì vẫn nhất mực dùng nước ở giếng Bá Lễ (một ngôi giếng cổ hàng trăm năm tuổi - PV) do cụ Đường gánh đến. Người dân phố Hội truyền rằng, không nơi đâu nước giếng ngọt như vậy. Các loại đặc sản Hội An như cao lầu, bánh bao, hủ tiếu, mỳ Quảng không dùng nước giếng Bá Lễ nấu thì xem như mất đi một nửa cái ngon.

Khoảng 8h sáng, sau chục gánh nước, cụ Đường nhễ nhãi mồ hôi ra về. Trước đó, cụ Mỹ đã về nhà lo cơm nước. Nhà hai cụ nằm sâu trong một con hẻm cụt. Ngôi nhà chừng 30m2 , ẩm thấp nhưng tiếng nói cười luôn rộn rã. Chính nơi đây đã giúp cho tình yêu của họ bền chặt theo năm tháng, cùng nhau trải qua những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, cụ Đường cho hay, cụ quê gốc ở Hội An. Khoảng những năm 1960, do gia đình gặp biến cố, chàng trai phố Hội đành vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Ngày đó, kinh tế khó khăn, cụ phải làm thuê đủ nghề, sau đó chuyển qua khuân vác hàng ở bến cảng. Chính những ngày cơ cực đó, cụ gặp cụ Mỹ- cô gái thường xuyên gánh gạo thuê cho các quán. Vì cảm mến người con gái chịu thương chịu khó nên cụ đã ngỏ lời yêu thương.

“Hồi đó khốn khó đủ đường. Làm chi có chuyện hẹn hò thế này thế kia. Nhưng đã mến thương nhau thì thật lòng lắm. Làm thuê được đôi ba hào cứ thế đỡ đần nhau qua đói khổ”, cụ Mỹ nhớ lại.

Do ở xa gia đình, nên khi tình yêu chín muồi, hai cụ chính thức về một nhà trong sự chúc phúc của bạn bè đôi bên. Năm 1963, người con đầu tiên chào đời trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ của đôi vợ chồng trẻ. Nhưng cũng từ đây, gánh nặng cơm áo gạo tiền nơi xứ người khiến đôi vợ chồng trẻ bao phen lao đao.

Cũng theo cụ Đường, biết bao lần vợ chồng muốn về quê lập nghiệp, nhưng vì ngày đó chiến tranh loạn lạc nên đành cam chịu. Đến năm 1975, khi hòa bình thống nhất cả nhà cụ mới dắt díu nhau về Quảng Nam. Lúc này, họ mới chính thức ra mắt gia đình hai bên. Cụ Đường gửi lời xin lỗi đến nhà vợ rồi bỏ trầu cau xin cưới cụ Mỹ về làm vợ. Sau đó, hai cụ đưa nhau ra sông Hoài kiếm sống bằng nghề chèo đò ngang đưa khách qua sông. Thuở đó, bến đò ngang là “nồi cơm” cho hàng chục hộ dân vạn đò Hội An.

Ngày ngày chèo thuyền đưa khách, khi vãn bến, cụ Đường lại tranh thủ chạy ù lên chợ thị xã bốc vác kiếm thêm thu thập, khi thì ra sông quăng chài cải thiện bữa ăn. Tưởng rằng cuộc sống cứ thế mà trôi qua trong an nhiên nhưng rồi tai ương ập xuống...

Quốc, người con trai duy nhất của hai cụ đang khỏe mạnh bỗng hóa điên dại sau trận ốm nặng. Từ một thiếu niên khôi ngô, lanh lợi, Quốc trở nên lờ đờ, khi tỉnh khi mê, trí tuệ sụt giảm và thường xuyên đau ốm. Cuộc sống gia đình vốn chỉ dựa vào những chuyến đò ngang càng trở nên khó khăn, túng quẫn. Họ gom góp, chạy vạy khắp nơi cũng chỉ đủ vài ba đồng cho con trai nằm viện.

Nay đã già yếu nhiều, bà Mỹ dành thời gian chăm sóc cho ông Quốc.

Cũng chính vì con bệnh tật chạy chữa mãi không khỏi mà cụ Mỹ bị thiên hạ dị nghị cho rằng bởi cụ không biết chăm con nên mới ra nông nỗi như thế.

“Có người còn khuyên chồng tôi bỏ vợ tìm hạnh phúc mới, mong có đứa con nối dõi tông đường. Tuy nhiên, ông ấy gạt đi tất cả, ông đưa mẹ con tôi vào phố cổ, chọn một mảnh đất nhỏ dựng nhà sinh sống. Từ ngày đó, chúng tôi chuyển sang nghề gánh nước thuê”, kể đến đây, cụ Mỹ đưa tay vuốt nhẹ mái tóc người con trai bất hạnh. Mắt cụ nhòe đi vì nước mắt.

Tình già nơi phố cổ

Dù công cuộc mưu sinh mới vất vả, nhưng hai cụ rất mực thương yêu nhau. Cũng từ đây, chuyện tình của cặp vợ chồng gánh nước thuê được cả phố cổ biết đến.

Bà Lê Thị Hoa, 71 tuổi, chủ một quán mỳ Quảng nơi ông Đường hay gánh nước đến chia sẻ, phải đến ngót nghét 30 năm qua, quán của bà dùng nước do vợ chồng cụ Đường cung cấp.

“Vợ chồng họ yêu thương nhau lắm, cứ tíu tít chuyện trò cả ngày không chán. Nhiều hôm, khi cụ ông gánh nước về trước lại quay lại đón cụ bà. Cứ như vậy, khi cụ ông thấm mệt, cụ bà lại lau mồ hôi cho cụ ông với nụ cười thật tươi. Dù gánh nước chỉ 15.000 đồng nhưng họ vẫn luôn nỗ lực”, bà Hoa kể.

Cũng theo bà Hoa, bao nhiêu cặp đôi rủ nhau đi gánh nước thuê, giờ đây, họ đã lui về sống sum vầy cùng con cháu, tuy nhiên chỉ duy nhất vợ chồng cụ Mỹ vẫn kiên trì theo nghề.

Hiện, cụ Mỹ đã già yếu đi nhiều, lưng đã còng nhiều, lại thêm bệnh viêm khớp hành hạ. Tuy nhiên, cụ vẫn nằng nặc đòi đi làm, mỗi lần như thế, cụ ông lại động viên: “Bà cứ ở nhà cho tôi!”. Nhiêu lần thấy cụ ông vất vả, thương chồng cụ bà cũng lén lấy quang gánh chạy theo cụ ông làm việc. Mỗi lần như thế, cụ ông mở lời than trách thì cụ bà nhoẻn miệng cười móm mém. Cứ thế, hình ảnh đôi vợ chồng già gánh nước thuê với tình yêu giản dị ấy giờ đã trở nên thân quen trong nhịp sống mỗi ngày của người dân nơi đây.

Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự từng âu lo, nếu một ngày vợ chồng cụ Đường không còn, phố Hội sẽ mất đi một hình ảnh thân quen, nhiều người thương nhớ. Còn ông Phạm Minh, Tổ trưởng tổ 8, phường Minh An tự hào rằng, nhà ông ở ngay sát giếng Bá Lễ nên từ nhỏ đã quen hình ảnh hai cụ gánh nước. Cũng chưa một lần ông Minh nghe họ cãi cọ. Thậm chí, chuyện tình yêu hay cách đối nhân xử thế của vợ chồng cụ Đường còn được người dân địa phương lấy làm bài học cho lớp trẻ noi theo.

“Xưa nay ai cũng yêu quý hai cụ hết. Rồi chuyện chăm lo cho người con bệnh tật khiến ai cũng cảm thương”, ông Minh nói.

Người con trai mang bệnh của vợ chồng cụ Đường nay đã gần 60 tuổi. Chuyện tình của hai cụ có lẽ sẽ trọn vẹn hơn nếu ông Quốc khỏe mạnh như người thường. Có lẽ giờ hai cụ sẽ sung túc, an nhàn hơn cùng cháu con. “Chỉ lo là lúc vợ chồng tôi nằm xuống, Quốc sẽ sống với ai, biết lấy ai nương tựa?”, cụ Đường lo lắng.

(Còn nữa...)

Vinh dự nhận kỷ lục Việt Nam

Cuối năm 2014, con hẻm vào nhà cụ rộn ràng chiêng trống khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đến trao tặng vợ chồng cụ Đường kỷ lục “Người gánh nước thuê trong thời gian dài nhất Việt Nam”. Đó không chỉ là phần quà, là ghi nhận, mà còn là minh chứng cho tình yêu sắt son, minh chứng cho chuỗi ngày tháng vô tận của hai cụ dành cho cái nghề đã nuôi sống gia đình.

Nhâm Thân

Tin nổi bật