(ĐSPL) - Chưa học hết phổ thông, lại mang theo đôi chân khuyết tật từ năm 4 tuổi nhưng Lê Tiến Vỹ (thôn Thi Phương, xã Điện Phong huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đã khiến không ít người “ganh tị” vì khoản lợi nhuận hơn 700 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ có vậy, từ xưởng mộc của anh, nhiều thanh thiếu niên đã được dạy nghề và có việc làm, thu nhập ổn định.
Ba năm nay, căn nhà nhỏ đầu thôn Thi Phương ngày đêm vang tiếng dùi, tiếng đục từ các học viên của anh Vỹ “điêu khắc”.
|
Lê Tiến Vỹ (trái) và lớp học của mình. |
Nhớ lại quãng đời tuổi thơ, Vỹ tần ngần nói: “Gia đình đông con nên khi bị bại liệt không có tiền chạy chữa, tôi sống không khác nào con ốc, không muốn bước chân ra khỏi cổng, ngày ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, phụ cơm nước cho mẹ ra đồng”.
Hết cấp II, Vỹ đành bỏ ngang việc học vì trường phổ thông cách nhà tới 20 km. Không đến trường, lại không tìm được việc làm, mọi hy vọng về tương lai của Vỹ dường như tắt ngấm.
Tưởng như trong cơn bi lụy, Vỹ sẽ bị đánh gục nhưng không phải vậy. Một lần tình cờ đi ngang xưởng mộc Âu Lạc (thôn Cẩm Phú), thấy nhiều người khéo léo chế tác những miếng gỗ thô sơ thành sản phẩm rất tinh xảo, bắt mắt, một ý định lóe sáng trong đầu Vỹ. Về nhà, anh gạt bi quan qua một bên, tìm đến với nghề, mong muốn đỡ đần được gia đình phần nào.
|
Biết bao nhiêu công ăn việc làm đươc tạo ra từ nơi đây. |
Mười lăm năm trôi qua, từ một cậu thanh niên 19 tuổi bập bẹ học việc, đến nay, Vỹ đã trở thành ông chủ với 12 học viên chính thức và 4 thợ lành nghề.
Với kinh nghiệm nhiều năm, vừa là thợ vừa cầm tay chỉ việc và chỉnh sửa hàng, không ngần ngại, Vỹ đứng ra xây dựng “cơ ngơi” từ 80 triệu đồng - số tiền bán bộ sản phẩm điêu khắc tranh gỗ đầu tiên của Vỹ vào năm 2009.
Trong khi nhiều xưởng điêu khắc đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì xưởng của Vỹ phải hoạt động hết công suất. Đơn đặt hàng từ khắp trong ngoài tỉnh đổ về, cơ sở của Vỹ ngày càng lớn mạnh.
Xác định sẽ gắn bó suốt đời với nghề mộc nên anh vui vẻ, liên tục trau dồi, tìm kiếm mẫu thiết kế mới, chăm chỉ thực hành để “lên tay”.
Chứng kiến cảnh nhiều em bỏ học sớm, không có việc làm, sa vào game, Vỹ tính cách kéo các em về với xưởng. Trong 7 tháng học việc, Vỹ tận tình chỉ dẫn các em mà không lấy một đồng học phí nào. Nhiều em sau khi cứng tay, Vỹ nhận vào làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Học viên sau 2 năm, tay nghề vững vàng hơn thì đã có thu nhập từ 5–6 triệu/tháng.
|
Em Phạm Văn Tuân, một trong số những thanh niên đã được “cảm hóa”. |
Em Phạm Văn Tuân (17 tuổi), một trong những thanh niên được Vỹ cưu mang cho biết, “biết em bỏ học, anh Vỹ không ngại nhà xa đến thuyết phục ba mẹ cho em theo học một năm nay”.
Ông Trần Duy Tùng, trưởng thôn Thi Phương, tự hào: “Vỹ là tấm gương thanh niên sản xuất giỏi, không chỉ làm giàu cho mình mà còn góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên chơi bời tại thôn làng”
Như một câu chuyện cổ tích đầy nhân văn, năm 2011, anh Vỹ gặp và kết duyên với chị Nguyễn Thị Phương. Lúc đó, chị là người phụ trách chấm công và quản lí sổ sách ở xưởng mộc nơi anh học việc. Nhìn con gái lớn từng ngày, người cha tàn tật chia sẻ: “Cũng nhờ có nghề mộc mà mình mới tìm được hạnh phúc".