Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề của những chiến sĩ khiến “tử thi biết nói”, hiện trường “nói thật”

  • Khánh Ngân
(DS&PL) -

Trong mỗi "trận đánh lớn", Kỹ thuật hình sự (KTHS) đóng vai trò then chốt để tìm kiếm, phát hiện dấu vết, nhằm truy nguyên tội phạm, góp phần phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội.

Phá án từ dấu vết hiện trường

Chúng tôi có mặt tại phòng Kỹ thuật hình sự ( KTHS), Công an tỉnh Bắc Giang  vào những ngày đông giá rét. Gác lại những lo toan, bộn bề của công việc cuối năm, bên chén trà nóng, những chiến sĩ nơi đây trải lòng cho chúng tôi nghe về câu chuyện nghề KTHS thú vị. Càng tìm hiểu, chúng tôi như bị cuốn vào lối “đánh án” bằng khoa học kỹ thuật , bằng lối tư duy nhạy bén, tinh tế  buộc các dấu vết tại hiện trường phải “lên tiếng”. Và cũng từ đó, những uẩn khuất của các vụ án dần được hé lộ.

Chia sẻ cùng PV ĐS&PL, Thượng tá Thân Ngọc Thắng - Trưởng phòng KTHS, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, bản thân đã gắn bó với công tác khám nghiệm hiện trường từ những ngày đầu vào lực lượng Công an. Với anh, mỗi khi khám nghiệm vụ án là một lần bước vào "trận đánh lớn", bởi mỗi vụ đều có tính chất, dấu vết để lại hoàn toàn khác nhau và vô cùng phức tạp. Bất kể ngày đêm, mưa gió hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mỗi khi có vụ án xảy ra, các cán bộ, chiến sĩ của phòng KTHS lại gấp gáp lên đường làm nhiệm vụ. Công tác tiếp cận hiện trường càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu, vì các dấu vết để lại dễ bị biến đổi theo thời gian, thời tiết và có thể mất đi tính nguyên vẹn của nó.

Theo vị lãnh đạo phòng KTHS, bất kể vụ án nào thì dấu vết để lại hiện trường cũng vô cùng quan trọng. Dù chỉ là 1 dấu vết rất nhỏ, nhưng cũng có thể là chiếc chìa khóa mở ra toàn bộ những nút thắt, vén bức màn bí ẩn che giấu chân dung hung thủ.

“Có lẽ, trong quá trình gắn bó với nghề “tìm dấu vết biết nói”, vụ án khiến tôi bàng hoàng, xót xa và ám ảnh nhất là vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích. Tại hiện trường vụ án thương tâm, hầu như chỗ nào cũng vương vết máu của các nạn nhân. Hiện trường xáo trộn, các dấu vết để lại  khiến các điều tra viên “lạc lối” giữa các giả thuyết. Trong đó có 1 câu hỏi được đặt ra, hung thủ đột nhập vào trong nhà bằng lối nào khi từ tầng 1 đến tầng 3 của ngôi nhà cũng được gia đình anh Trịnh Thanh N. (chủ tiệm vàng Ngọc Bích) bịt kín bằng khung sắt loại lớn?”. Thượng tá Thân Ngọc Thắng nhớ lại.

Sau nhiều giờ tỉ mỉ khám xét hiện trường, các điều tra viên phát hiện cửa sổ làm bằng nhôm kính tại tầng cao nhất của căn nhà có 1 vết xước. Đây là vết xước rất nhỏ, được gây ra bằng 1 vật rất sắc nên phải vô cùng tinh mắt mới có thể phát hiện ra. Vết xước tưởng là nhỏ bé trên những đã giải mã được lối đột nhập vào nhà của hung thủ. Và từ việc xác định được lối đột nhập, ban chuyên án có thể xác định được thể trạng của hung thủ phải là đàn ông hoặc thanh niên khỏe mạnh, leo trèo giỏi.

“Ngoài những dấu vết tại hiện trường, các điều tra viên còn phát hiện thấy những dấu chân trần dính máu và lẫn với dấu dép. Tại khu vực chậu rửa nhà vệ sinh dưới tầng 1 và cả phần khung sắt đằng sau nhà cũng dính máu. Ngay lập tức, vết máu này đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an làm rõ nguồn gốc không phải là máu của nạn nhân. Như vậy có thể nhận định, trong quá trình ra tay sát hại các nạn nhân, hung thủ cũng đã bị thương phải đổ máu.’, vị lãnh đạo phòng KTHS thông tin.

Công an thực hiện nhiệm vụ công tác giám định vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích.

Ngay sau đó, hàng trăm mũi trinh sát ở 10 tỉnh thành và lực lượng quần chúng cơ sở lập tức tỏa đi các bệnh viện, trạm y tế, nhà nghỉ để tìm thêm manh mối. Rất nhiều thanh niên lao động bị thương đến các trung tâm y tế chữa trị vết thương đều bị triệu tập để làm rõ.

Và sự mưu trí, nỗ lực của Ban chuyên án đã phát huy được kết quả khi nhận được tin báo ở Trạm y tế xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam có khâu vết thương cho một thanh niên. Từ đó, chân dung của ké sát nhân Lê Văn Luyện bắt đầu lộ diện.

“Công tác Kỹ thuật hình sự là hoạt động mang tính thầm lặng, đòi hỏi người thực hiện cần sự tỉ mỉ, thận trọng, phát hiện mọi dấu vết ở hiện trường dù chỉ là nhỏ nhất. Mọi kết luận giám định đều phải chính xác, khoa học, bởi lẽ nó liên quan tới sinh mệnh chính trị của mỗi con người, là căn cứ xác định có hay không có sự việc phạm tội. Việc phát hiện, thu lượm, bảo quản và xử lý các dấu vết, vi vết để phục vụ công tác giám định sẽ giúp Cơ quan điều tra truy tìm danh tính hung thủ nhanh chóng, cung cấp những chứng cứ vật chất mang tính khoa học phục vụ công tác điều tra”, Thượng tá Thân Ngọc Thắng thông tin.

“Giải mã” lời nhắn của tử thi

Để một vụ án được khám phá thành công, bên cạnh công tác khám nghiệm hiện trường, khâu phát hiện dấu vết đường vân có vai trò vô cùng quan trọng vì từ đó có thể truy nguyên các đối tượng.

“Trên thực tế, không phải lúc nào cũng có thể nhanh chóng lần tìm được dấu vết bởi có những vụ việc hiện trường gần như bị xáo trộn, yêu cầu người cán bộ KTHS phải vận dụng kinh nghiệm để thu thập chứng cứ, làm sáng tỏ nguyên nhân, giúp cơ quan điều tra phá án. Nhiều vụ việc từ kết quả khám nghiệm là căn cứ quan trọng để Cơ quan điều tra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án, là căn cứ để truy bắt đối tượng theo dấu vết nóng, nhất là đối với các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng”, vị lãnh đạo phòng KTHS chia sẻ.

Cán bộ chiến sĩ, phòng KTHS Công an tỉnh Bắc Giang Lực lượng công an khám nghiệm hiện trường vụ án.

Nói về những khó khăn trong khâu phát hiện dấu vết đường vân, Thượng tá Thân Ngọc Thắng nhớ lại vụ án mạng thương tâm xảy ra vào giữa trưa, một ngày hè nóng như đổ lửa năm 2014. Thi thể nạn nhân Phương Thị Xa (SN 1961, trú tại phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) được phát hiện  trong gầm giường, với rất nhiều vết thương trên cơ thể. Tại hiện trường rất nhiều vết máu bị kéo lê, đồ đạc trong nhà không bị xáo trộn và xuất hiện nhiều dấu vân tay không phải của nạn nhân.

“Xác định được dấu vân tay lạ tại hiện trường, các cán bộ chiến sĩ KTHS lại chạy đua với thời gian để sàng lọc hàng dấu vân tay của các đối tượng tình nghi. Mọi thao tác đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác nhưng cũng phải đảm bảo về mặt thời gian để hỗ trợ cơ quan điều tra truy tìm hung thủ”, Thượng tá Thân Ngọc Thắng nhớ lại.

Bằng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an nhận thấy nổi lên Nguyễn Văn Toàn (SN 1990, trú tại tổ dân phố Hòa Yên, phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang).S au khi đối chiếu dấu vân tay thu được tại hiện trường, cơ quan chức năng khẳng định Toàn chính là nghi phạm nên đã tiến hành bắt giữ khẩn cấp. Tại cơ quan điều tra, trước những “bằng chứng thép”, Toàn đã khai nhận mọi hành vi phạm tội của mình.

Chúng tôi nói lời chia tay với phòng KTHS khi trời đã nhá nhem tối. Được trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ nới đây, chúng tôi càng thấm thía hơn với câu nói: “Nghề của sự thầm lặng mà vinh quang”. Chắc chắn rằng, với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm cùng niềm say mê nghề nghiệp, cống hiến không ngừng nghỉ, lực lượng KTHS, Công an tỉnh Bắc Giang sẽ luôn khắc phục mọi khó khăn , nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Khánh Ngân

Tin nổi bật