Rời phố lên núi lập nghiệp
Tốt nghiệp đại học với các chuyên ngành khác nhau, song cả 4 bạn đều có chung một niềm đam mê về nông nghiệp. Chính niềm đam mê ấy đã đưa nhóm bạn gặp nhau khi cùng tham gia các chuyến tham quan khởi nghiệp. 4 chàng trai đó là Nguyễn Tá Đông (SN 1990, quê tỉnh Đắk Lắk); Nguyễn Mạnh Tiến (SN 1995, quê tỉnh Nghệ An); Trương Hoàng Nam (SN 1995, quê tỉnh Đồng Tháp); Phạm Minh Thông (SN 1996, quê tỉnh Bến Tre). Ngoài ra, còn có anh Võ Hồng Liêm (SN 1973, quê tỉnh Khánh Hòa) cũng hùn vốn đầu tư.
Để có kinh nghiệm cũng như học hỏi các mô hình hay, lần lượt Đông, Nam, Thông và Tiến đều đi tu nghiệp, học làm nông nghiệp ở Israel. Trở về nước, nhóm bạn chọn vùng đất nắng gió, khô cằn ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa để lập nên The Moshav Farm. Theo các thành viên trong nhóm, The Moshav Farm là tên đặt theo kiểu Do Thái. Moshav là từ gốc Do Thái, là mô hình nông nghiệp ở đất nước Israel, được hiểu như một làng nông nghiệp có rất nhiều nông trại xung quanh và có đầy đủ dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp.
4 chàng trai 9X đã rời phố lên núi quyết tâm làm nông nghiệp sạch.
“Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, nông sản làm ra thường gặp tình cảnh “được mùa mất giá”, nên chúng tôi muốn đem những gì mình học được áp dụng vào đời sống, đóng góp cho quê hương, đưa giá trị nông sản lên cao và vươn ra thế giới. Chúng tôi chọn vùng quê nghèo khó với mong muốn phát triển kinh tế của khu vực, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con”, anh Nguyễn Tá Đông chia sẻ về tinh thần khi mới khởi nghiệp.
Với quyết tâm và sức trẻ của mình, tháng 10/2018 nhóm bạn đã lập nên The Moshav Farm với diện tích 10ha được mua lại từ đất mía bỏ hoang của người dân. Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, anh Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ: “Khi ấy, nơi đây đất bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người và khắp nơi chỉ toàn hoa trinh nữ đầy gai góc. Nhìn mảnh đất, tôi còn thốt lên 2 câu thơ “Nắng chia nửa bãi chiều rồi/Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu”. Thế nhưng, chính cái khó ấy đã giúp chúng tôi càng quyết tâm phải làm thay đổi vùng đất này”.
Sỏi đá phải nở hoa
Chọn lập nghiệp ở nơi còn nhiều thiếu thốn, nhóm bạn trẻ đã gặp không ít khó khăn. Để có nước tưới tiêu, các bạn đã phải cho khoan giếng sâu đến 80m. Nước bơm lên được chứa vào hồ để dành sử dụng, nhưng đến mùa khô - nước gần như cạn kiệt, cộng thêm nước nóng, nên cây cối không phát triển, còi cọc.
Đến năm 2021, các bạn đã quyết định đầu tư hệ thống dẫn nước dài 6km từ khu vực Suối Mơ xuống tận nông trại và sử dụng hệ thống tưới tự động, phun sương nhỏ giọt. Giờ đây, cây phát triển xanh tốt, vươn mình mạnh mẽ nhờ dòng nước suối trong lành và mát mẻ.
Để “biến” vùng đất khô cằn, bỏ hoang lâu ngày trở thành nơi có thể trồng nhiều loại cây như ngày hôm nay, nhóm đã cải tạo đất bằng cách bổ sung số lượng lớn phân hữu cơ, rơm rạ, bã bùn mía... hàng năm. Nông trại cũng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để diệt cỏ, chỉ cắt cỏ có kiểm soát để giữ độ ẩm cho đất, giúp vi sinh vật phát triển. Muốn tìm ra cây trồng, vật nuôi thích hợp với vùng đất, nhóm bạn quyết định thử nghiệm nhiều mô hình. Đến nay, một số loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu đã bắt đầu cho thu hoạch như dừa xiêm lùn, xoài Đài Loan, xoài tứ quý, bưởi, mít, chuối, nho. Nông trại cũng đang nuôi hươu, nai, đà điểu và sẽ nuôi thêm ngựa để phục vụ du lịch trong thời gian tới.
“Cái nào phù hợp chúng tôi sẽ giữ lại và nhân rộng cho người dân trong vùng để tạo vùng nguyên liệu tại chỗ. Sau đó, chúng tôi sẽ thu mua nông sản cho bà con với mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Nông trại đang cố gắng tạo ra sản phẩm có giá trị và người nông dân sẽ tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm”, anh Nguyễn Tá Đông cho biết.
Muốn làm nông nghiệp theo hướng hiện đại cần một lực lượng tri thức trẻ nhưng cuộc sống ở quê còn nhiều khó khăn, nên không mấy người mặn mà. Sau nhiều lần bàn bạc, nhóm quyết định chọn giải pháp tuyển thực tập sinh cho nông trại. Sau đó, mời họ ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Chị Bạch Thị Mỹ Lai (quê Lâm Đồng) chia sẻ: “Khi quyết định thay đổi công việc từ thành phố về nông thôn, gia đình tôi không đồng ý. Bây giờ, thấy tôi về đây sức khỏe tốt hơn, công việc cũng vui vẻ, thoải mái nên gia đình rất mừng. Tôi yêu thích nơi này không chỉ vì được khám phá, học tập mà còn bởi nông trại được xây dựng theo hướng mô hình doanh nghiệp xã hội, giúp đỡ người dân nông thôn có thêm việc làm, thu nhập”.
Nông trại phối hợp tổ chức các hoạt động dã ngoại, tìm hiểu về nông nghiệp dành cho các em học sinh.
Tình yêu với nông nghiệp
Với phương châm tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều là sản phẩm chủ lực nên ngay từ khi bắt đầu thực hiện, các bạn trẻ đã truyền thông cho sản phẩm của mình. “Người nông dân thường trồng trọt, chăn nuôi đến kỳ thu hoạch mới tìm thương lái bán sản phẩm. Còn chúng tôi làm ngược lại, truyền thông ngay từ đầu. Trong quá trình thực hiện hay trước khi ra sản phẩm đều giới thiệu đến người tiêu dùng cách làm như thế nào. Khi họ biết và hiểu về mình, về cách tạo ra sản phẩm thì sẽ tin tưởng lựa chọn”, anh Đông cho hay.
Hiện nay, nông trại đã cho ra thị trường 10 dòng sản phẩm chế biến từ cây dược liệu và cây ngắn ngày như bột gừng sấy lạnh, dầu gió bạc hà, mặt nạ bùn khoáng, lá xông giải cảm, rượu vang nho, nước rửa chén, lá giang sấy lạnh... Ngoài các sản phẩm được sản xuất tại chỗ, nông trại còn liên kết với nhiều nhà máy chế biến để tối ưu quy trình sản xuất.
Một buổi sinh hoạt lửa trại do nông trại tổ chức.
Để giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng nông trại đã có gần 500 đại lý, ngoài sử dụng hệ thống mạng xã hội, nhóm bạn còn tham gia các phiên chợ xanh, hội chợ... Một số sản phẩm của nông trại đã có mặt trong các siêu thị, nhà thuốc, resort cao cấp. Tuy The Moshav Farm vẫn đang trong giai đoạn “lấy ngắn nuôi dài” nhưng nông trại vẫn ưu tiên việc tạo sinh kế cho người dân và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Trong những năm qua, nông trại đã có nhiều hoạt động thiện nguyện như trao thưởng, tặng quà, sách vở, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh trong vùng; xây bể bơi, nhà vệ sinh cho trường học; bảo trợ trẻ em mồ côi...
Ông Trần Đức Sang, người dân xã Ninh Thượng và cũng là một nhân viên tại nông trại cho biết từ ngày các bạn trẻ về đây lập nông trại, từ vùng đất khô cằn, sỏi đá nay đã trở thành vườn cây trái xanh tươi. Không những thế, đời sống của người dân ở quê đỡ hơn nhiều vì có thêm việc làm.
Vùng đất nơi nông trại đặt chân đang “thay da đổi thịt” từng ngày nhờ sự góp sức của các bạn trẻ. Dẫu phía trước vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn nhưng nhóm bạn vẫn lao động miệt mài để xây dựng The Moshav Farm trở thành mô hình nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái trong tương lai gần.
Châu Tường
Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam