Theo các chuyên gia, việc gian lận chỉnh sửa bài thi THPT Quốc gia 2018 là rất tinh vi, bộ GD&ĐT cần ngăn chặn điều này để đảm bảo những kỳ thi sau diễn ra an toàn.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, phiếu trả lời được chấm bằng máy theo hướng dẫn chi tiết của cục Quản lý Chất lượng về quét, xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm. Việc quét phiếu trả lời trắc nghiệm được giám sát chặt chẽ, lập biên bản trước và sau khi quét.
Sau khi quét, tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm và phiếu thu bài thi được niêm phong, lưu giữ và bảo mật tại đơn vị. Các tệp dữ liệu quét bài thi gốc được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của bộ GD&ĐT, được ghi vào hai đĩa CD giống nhau, dán niêm phong, có chữ ký của bộ phận giám sát. Một đĩa giao cho Chủ tịch hội đồng thi lưu giữ. Một đĩa gửi chuyển phát nhanh về bộ GD&ĐT.
Sau khi niêm phong đĩa CD1, các đơn vị mới được phép mở niêm phong tệp dữ liệu phục vụ chấm thi do cục Quản lý Chất lượng gửi đến. Tổ xử lý bài trắc nghiệm tiến hành việc xử lý bài thi và chấm thi chính thức.
Đoàn công tác của bộ GD&ĐT kiểm tra các bài thi tại Sơn La. |
Đối với bài thi tự luận (môn Ngữ văn), theo bộ GD&ĐT, bài thi của thí sinh được bảo quản nghiêm ngặt. Tủ, thùng hoặc các thiết bị đựng bài thi phải được khóa và niêm phong. Chìa khóa do Trưởng ban Thư ký giữ, khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và Ủy viên Ban thư ký hội đồng thi. Trước khi giao bài cho tổ chấm thi, bài thi Ngữ văn được đánh và rọc phách.
Việc đánh phách có thể thực hiện theo phương thức một vòng hoặc hai vòng độc lập. Chủ tịch Hội đồng thi quyết định, nhưng dù theo cách nào cũng phải đảm bảo cán bộ làm phách được cách ly hoàn toàn giống như in sao đề thi.
Cụ thể, nếu sử dụng phương thức đánh phách một vòng, ban Làm phách phải được cách ly triệt để cho đến khi hoàn thành chấm bài thi tự luận.
Nếu sử dụng phương thức đánh phách 2 vòng độc lập, ban Làm phách phải được cách ly trong thời gian làm phách. Cán bộ làm phách được chia thành 2 nhóm: Nhóm làm phách vòng 1 và nhóm làm phách vòng 2. Các nhóm làm việc độc lập và cách ly với nhau trong thời gian làm phách.
Số phách được đánh ngẫu nhiên theo phần mềm máy tính. Sau đó, bài thi chuyển đến ban Chấm thi.
Mỗi bài thi tự luận được chấm hai vòng độc lập, mỗi vòng tại một phòng riêng. Người thứ nhất chấm trên phiếu chấm cá nhân. Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi và ghi điểm vào phiếu ghi điểm.
Trước khi giao lại để hai cán bộ chấm thi thống nhất điểm, Trưởng môn chấm thi rà soát, đối chiếu điểm trên hai phiếu. Nếu phát hiện trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên, người này phải yêu cầu theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của hai cán bộ chấm thi nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm Quy chế thi.
Cán bộ chấm thi không được sửa chữa điểm trên phiếu chấm, phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.
Đối với những bài thi phải lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, điểm trung bình cộng phải được quy về thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân. Ngoài ra, Hội đồng thi phải bố trí đủ cán bộ chấm thi tự luận để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi. Lãnh đạo ban Chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn ra những bài có nghi vấn và giao cho tổ chấm kiểm tra, rà soát. Cán bộ chấm kiểm tra chỉ ghi điểm vào phiếu chấm cá nhân, không ghi điểm vào bài thi của thí sinh.
Các thành viên của tổ chấm kiểm tra chỉ trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi có liên quan theo chỉ đạo của Trưởng ban chấm thi.
Sau sự việc xảy ra tại 2 địa phương Sơn La và Hà Giang, bộ GD&ĐT khẳng định quy trình chấm thi rất chặt chẽ. Việc xảy ra gian lận là do yếu tố con người.
Vậy con người đã can thiệp vào các bài thi của thí sinh như thế nào?
Nếu như tại Hà Giang, đối tượng gian lận là một cán bộ của sở GD&ĐT đã chuyển toàn bộ bài thi, mở khóa niêm phong, rút bài từ các túi bài thi từ điểm chấm thi tại trường chuyên Hà Giang mang về sở GD&ĐT, thao tác trong 2 tiếng để tẩy xóa bài thi... Camera của sở GD&ĐT đã ghi lại toàn bộ những hình ảnh thể hiện hành vi phạm tội của người này.
Và việc lấy file xử lý đáp án dán vào file text, chỉ mất 6 giây để hoàn thành 1 trường hợp cho việc thực hiện sửa điểm.
Còn tại Sơn La, bộ GD&ĐT cho biết, file ảnh lưu trữ tại sở GD&ĐT Sơn La với dữ liệu gửi về bộ GD&ĐT là trùng khớp. Tuy nhiên có một chi tiết quan trọng là đã có gói dữ liệu ảnh bài thi bị “biến mất” và nhiều khả năng đây mới chính là hình ảnh bài làm thực của thí sinh khi nó chưa bị ai đó can thiệp.
Nói với PV, một chuyên gia cho rằng, gian lận ở Sơn La diễn ra một trong hai khả năng. Khả năng thứ nhất là chụp ảnh bài gốc, lưu lại trong máy tính, sau đó mới can thiệp vào kết quả trên file text. Nhưng khi có nguy cơ bị lộ (do Bộ đi xác minh kiểm tra ở Hà Giang), người ta mới rút bài thi thực của thí sinh ra để “tẩy”, sau đó chụp ảnh lại và ghi đè file ảnh này lên file ảnh gốc. Để hợp thức hóa về thời gian chụp ảnh (theo quy định là phải chụp cuối tháng 6 đầu tháng 7), người ta sửa thời gian ở máy chủ trước khi quét lại.
Khả năng thứ hai, sau khi nhận bài thi ở điểm thi về, họ sửa trực tiếp bài thi luôn rồi mới đưa vào quét. Nhưng khả năng này khó xảy ra hơn vì đó là một chuỗi hành vi gian lận rất tinh vi, đòi hỏi sự công phu.
Nhưng theo chuyên gia này, dù khả năng nào thì việc phục hồi lại bài thi gốc là trong tầm tay nhờ công nghệ hiện đại và sự sắc sảo của các cán bộ cơ quan điều tra. Với phương án một, cho dù người ta sửa thời gian ở máy chủ thì cơ quan công an vẫn sẽ xâu chuỗi được các sự việc để phát hiện ra sự phi lý về các thời điểm hiển thị trong ổ cứng chứa dữ liệu. Nhưng tất nhiên là sẽ khó khăn và đòi hỏi thời gian.
“Tôi tin rằng nếu phương án này xảy ra chắc công an cũng đã biết hết thủ đoạn, chỉ có điều họ cần thời gian để thu thập dữ liệu và củng cố bằng chứng”, vị chuyên gia này nhận định.
Một cán bộ từng công tác lâu năm trong lĩnh vực thanh tra tại một sở GD&ĐT thì nhận định, nhiều khả năng ổ lưu trữ dữ liệu bài thi gốc của thí sinh vẫn còn. “Có hai lý do để tôi suy đoán điều này. Thứ nhất, có thể bài thi vẫn được đưa vào quét đúng quy trình, sau đó mới bị chèn ảnh thay thế do đánh hơi khả năng bị “lộ” (khi Bộ đi kiểm tra Hà Giang). Nếu thế thì dù đã xóa ảnh gốc, công nghệ hiện đại vẫn cho phép khôi phục dữ liệu đã xóa. Thứ hai, để thực hiện việc gian lận, chắc chắn phải có một ê kíp chứ không thể là một cá nhân. Mà trong ê kíp thì chắc chắn phải có những người nhận thấy mình “yếu thế” so với người khác, nên sẽ len lén lưu giữ dữ liệu để phòng thân. Nếu cơ quan điều tra tìm ra được mắt xích này thì việc tìm bài thi gốc sẽ chỉ là vấn đề thời gian”.
Theo Người Đưa Tin