Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia hiến kế hút 400 tấn vàng đang nằm trong két nhà dân: Phát hành chứng chỉ vàng, trả lãi như gửi tiết kiệm

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Nhiều chuyên gia đề nghị thay đổi cách thức quản lý hoạt động kinh doanh vàng bằng việc thành lập sàn giao dịch vàng, giao dịch vàng qua tài khoản… từ đó đưa khoảng 400 tấn đang nằm trong két nhà dân vào nền kinh tế.

Trong cuộc tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” mới đây, có ý kiến cho hay, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ chứng nhận vàng do Nhà nước - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ.

Theo chuyên gia, phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ đưa vàng lưu thông, giúp ích nền kinh tế. 

Chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước.

Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ “vàng giấy” đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch.

Theo ông Khánh, Hiệp hội Kinh doanh vàng cũng đã bàn với NHNN về việc này từ lâu, nhưng làm phải có bài bản, phải nghiên cứu và đây là vấn đề lâu dài.

“Trước mắt, chúng ta phải giải quyết vấn đề vàng vật chất hiện nay, cũng như công điện của Thủ tướng về vấn đề chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới; nguyên liệu chế tác nữ trang... Cần phải làm thứ tự. Nếu ra nghị định mới về quản lý thị trường vàng, tất cả những vấn đề này cũng cần được đề cập và triển khai lần lượt từng giai đoạn", ông Khánh lưu ý.

Vị này cho rằng, khi có chủ trương, Hội đồng Vàng Thế giới cũng như Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam sẵn sàng kết hợp cùng NHNN, cơ quan chức năng đi tìm hiểu các thị trường lân cận như Singapore, Trung Quốc... những nơi có chứng chỉ vàng, sàn giao dịch vàng hoạt động để nghiên cứu, từ đó có cách làm riêng của mình. 

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng bày tỏ, khi có chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ bớt lệ thuộc vào vàng vật chất, người dân hay nhà đầu tư có nơi để gửi vàng vào sử dụng mua bán, giao dịch. Trong khi đó, có thể đưa được số vàng tích trữ đó của dân vào nền kinh tế, để lưu thông.

“Nhìn nhận quyền sở hữu vàng nhưng không tạo điều kiện đưa vàng vào lưu thông thì mỗi nhà đầu tư, mỗi người dân chỉ biết mua vàng vật chất về cất trữ. Nếu tạo điều kiện cho họ cất trữ, lại có lợi cho nền kinh tế thì người dân hay nhà đầu tư sẽ sẵn sàng, lãi suất không cần quá cao”, ông Khánh nói thêm.

Đề xuất lập sàn giao dịch vàng

Ngoài chứng chỉ chứng nhận vàng, vị chuyên gia cũng góp ý, để thị trường phát triển an toàn, bền vững, nguyên tắc đầu tiên là NHNN cần kiểm soát, không để tự phát.

Vấn đề lập sàn giao dịch vàng cũng đã bàn nhiều, nếu hình thành, NHNN, Bộ Tài chính hay Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm soát được việc mua bán vàng; thậm chí còn cân đối được cung - cầu trong nước, khi cầu quá lớn, cung không đủ mới cần nhập khẩu về.

“Sàn giao dịch vàng, chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ đưa vàng vào nền kinh tế. Còn hiện nay, vàng vẫn 'nằm chết' một chỗ với số lượng lên đến vài trăm tấn”, ông Khánh nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, đã đến lúc chúng ta thấy rằng Nghị định 24/2012 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình và cần có sự thay đổi tư duy về cách quản lý thị trường vàng.

Theo ông Đạt, NHNN chỉ nên thực hiện quản lý và hoạch định hành chính, chính sách, điều tiết, dự trữ ngoại hối bằng vàng theo các pháp lệnh hiện hành mà không tham gia sản xuất kinh doanh và điều tiết thị trường vàng và các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự vào quá trình kinh doanh vàng, trả lại việc kinh doanh vàng cho thị trường.

Thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường.

Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới.

Một việc nữa là phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.

Theo vị chuyên gia này, nhiều nước cho phép huy động vốn thông qua chứng chỉ, chứng nhận vàng do Nhà nước - NHNN phát hành để đảm bảo an toàn. Việc mua bán chứng chỉ, chứng nhận vàng phải tuân theo quy luật chặt chẽ vì đây là loại hàng hóa đặc biệt.

Ông Đạt cho rằng, quản lý thị trường vàng phải có giải pháp thích hợp để huy động được khối lượng vàng lớn trong dân hiện nay. Chúng ta ước tính có khoảng 400 tấn vàng vẫn nằm trong két của người dân.

Ông Đạt đề nghị NHNN cần huy động với điều kiện, tiêu chí cụ thể với thị trường vàng, sở giao dịch vàng, thông qua việc tham khảo kinh nghiệm nhiều nước để cho phép sở giao dịch hàng hóa được giao dịch mặt hàng vàng thông qua các hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn. Các thành viên tham gia phải đáp ứng được tiêu chuẩn chặt chẽ.

“Cần thành lập quỹ tín thác bằng vàng. Chứng chỉ quỹ này có thể được đưa lên sở giao dịch, hoặc tham gia các chương trình phái sinh hiện đại, mới giúp quỹ có vai trò như quỹ bình ổn, giảm áp lực lên chính sách vĩ mô”, ông Đạt nêu ý kiến.

Với vàng trang sức, ông Đạt đề xuất: Nên trở lại mức thuế suất 0% thì thị trường vàng trang sức của chúng ta mới có sự cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thêm nữa, việc kinh doanh mặt hàng này nên trở thành điều kiện bình thường, không cần có điều kiện, thông tin trên tạp chí Đầu tư tài chính.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật