Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện đời kỳ lạ của cụ bà U80, 20 năm mưu sinh bằng nghề “độc” giữa Sài thành

(DS&PL) -

"Gian hàng" của bà là chiếc xe đẩy chất ngổn ngang xác ti vi cũ đã được bà và người thân gỡ ra từng mảnh.

"Gian hàng" của bà là chiếc xe đẩy chất ngổn ngang xác ti vi cũ đã được bà và người thân gỡ ra từng mảnh. Khách có thể, lục lọi trong đống linh kiện hỗn độn chọn món hàng mình cần. Hơn 20 năm qua, công việc độc đáo, tưởng dễ mà khó này đã trở thành đường mưu sinh của cụ bà có đoạn đầu cuộc đời gắn liền với sự thất bại.

Thăng trầm số phận và nỗi đau câm nín

Đúng 10h sáng, bà Cao Thị Thủy, 76 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM lại đẩy chiếc xe chất đầy xác ti vi cũ ra góc đường Vĩnh Viễn - Lý Thường Kiệt (quận 10) bày bán linh kiện điện tử cũ. "Gian hàng" của bà là chiếc xe đẩy cũ kỹ thường thấy của những người thu mua ve chai. Bên trên, bà chất ngổn ngang linh kiện điện tử cũ. Bà cho biết, những linh kiện này được bà rã ra từ công việc "đập" ti vi cũ. Bà đã gắn bó với cái nghề độc đáo bậc nhất TP.HCM này hơn 20 năm qua.

Bà Thủy kể, đoạn đầu cuộc đời của bà gắn liền với sự thất bại. Thời son trẻ, bà lăn lộn mưu sinh bằng nghề buôn bán. Thế nhưng, việc kinh doanh của bà thất bại nhiều hơn thành công. "Quê tôi ở Tiền Giang. Trước đây, tôi kinh doanh thua lỗ phải bán nhà cửa, đất đai để trả nợ rồi tha hương lên TP.HCM tìm kiếm cơ hội. Tại đây, tôi tiếp tục buôn bán. Có chút vốn, tôi kinh doanh rồi lại tiếp tục thất bại”, bà Thủy nói.

Để có linh kiện điện tử cũ bán, bà thu mua lại tivi cũ. Hiện, bà có nguồn hàng phong phú và hết sức uy tín.

Phải nuôi đàn con 9 người, bà tiếp tục nấu cơm, nấu cháo bán kiếm sống. Vốn có duyên với đồ điện tử, trong lúc bán cơm, thấy ai bán ti vi, đồ điện tử cũ bà đều mua lại để bán cho những người lao động nghèo. Thế nhưng, không phải người trong nghề, bà lại thua lỗ. Bà kể: “Thời điểm đó, khó khăn liên tiếp ập đến gia đình tôi. Công việc kinh doanh đồ điện tử cũ thua lỗ, 2 đứa con trai tôi đang theo học ngành điện tử cũng bất ngờ phát bệnh tâm thần phải bỏ ngang. Thương gia đình tôi khó khăn, một người bạn học của con tôi hay đến nhà dạy tôi tháo lắp ti vi cũ”.

Trong lúc dạy bà Thủy tháo, lắp các thiết bị điện tử, người này tận tình hướng dẫn bà nhận biết các linh kiện cũ còn sử dụng được. Sau 2 năm mày mò, bà không chỉ tháo lắp trơn tru thiết bị điện tử mà còn nhận biết các linh kiện còn tốt cũng như hiểu rõ chức năng của chúng. Có kiến thức, nhận thấy nhu cầu mua linh kiện điện tử cũ, giá rẻ của người dân rất nhiều, bà Thủy quyết định dốc sức thu mua ti vi cũ về “đập” để lấy linh kiện còn tốt, bán cho người cần. Bà cho biết: “Trước đây, nhiều người làm nghề này lắm. Tuy nhiên, bây giờ, vì nhiều lý do, nhiều người bỏ nghề. Hiện nay, “đập tivi cũ” đã trở thành nghề độc ở TP.HCM”.

Thu nhập phụ thuộc may rủi

Bà Thủy cho biết, nghề “đập” ti vi cũ tuy dễ mà khó. Bởi, “thợ đập” phải biết “đập” như thế nào để không thua lỗ sau khi bỏ vốn mua lại những chiếc ti vi cũ từ người khác. Bà cho biết: “Trước đây, khi chưa có nhiều kinh nghiệm, tôi vẫn “đập” đi những phần có thể bán được. Bây giờ, hơn 20 năm “đập”, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn và biết phần nào, món nào có thể bán được dù rất rẻ. Nghề này phải chịu khó và phải chọn cách năng nhặt chặt bị, vì đâu phải lúc nào mình cũng tìm được các linh kiện tốt, bán có giá”.

Theo bà, thu nhập từ nghề độc đáo này cũng bấp bênh và phụ thuộc vào sự may, rủi. Bởi, khi mua lại ti vi cũ, người bán không cho phép bà rã máy ra kiểm tra. Do đó, việc lời hay lỗ đều tùy thuộc và sự hiểu biết, kinh nghiệm cũng như dự cảm của người “thợ đập”. Nếu mua được chiếc ti vi cũ còn nhiều linh kiện tốt, bà sẽ có lời. Ngược lại, bà phải cắn răng chịu lỗ. Bà chia sẻ: “Có lần tôi được chào hàng một chiếc ti vi “ve chai” hiệu Sony còn khá mới. Tôi mua lại với giá 600.000 đồng vì tin rằng có thể bán được nhiều linh kiện tốt. Ai ngờ, khi rã máy mới biết, trước tôi, người bán đã “đập” máy rồi. Họ đã đánh tráo các linh kiện tốt, thậm chí lột hết cả dây đồng rồi ráp lại bán cho tôi. Lần ấy tôi lỗ nặng”.

Mưu sinh bằng nghề "độc" suốt 20 năm, "gian hàng" của bà là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn tìm linh kiện điện tử cũ.

Sau những kinh nghiệm cay đắng ấy, bà bắt đầu “nâng cấp” kiến thức về các dòng ti vi. Sau đó, bà thuộc nằm lòng kiến thức ứng với mỗi dòng ti vi, linh kiện nào tốt nhất, món nào được ưa chuộng nhất... Cao cấp hơn, bà nhận biết các ti vi cũ được chào bán đã bị tháo, “luộc” đồ trước khi đem bán cho bà hay chưa chỉ với cái nhìn bằng mắt thường. Nắm bắt được những bài học này, bà mới có thể kiếm được đồng lời từ cái nghề độc lạ này suốt 20 năm qua.

Kinh nghiệm “đập” ti vi của bà Thủy ngay lập tức được chứng minh khi một vị khách lúng túng trước đống linh kiện ngổn ngang dưới chân mình. Anh cho biết, đang tìm kiếm một chiếc loa ti vi cũ để thay thế cho chiếc loa bị hỏng ở nhà.

Bà Thủy hỏi vị khách về thương hiệu chiếc ti vi đang sử dụng, năm sản xuất rồi đưa cho người này một chiếc loa bé xíu, nói: “Đây là chiếc loa anh cần. Nó được lấy từ chiếc ti vi cùng đời, cùng hãng sản xuất của chiếc ti vi nhà anh. Hàng theo máy chứ không phải hàng lô đâu”.

Thời điểm PV có mặt, nhiều người khách cũng ghé lại “gian hàng” linh kiện điện tử của bà Thủy. Những người này cho biết, họ đến đây để mua linh kiện vì biết bà luôn có sẵn thứ họ cần với giá rẻ. Anh Phùng Đình Khải, 40 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM cho biết: “Linh kiện cô Thủy bán rất tốt. Không phải hàng cũ lúc nào cũng chất lượng kém đâu. Nhiều món ở đây chất lượng tốt gấp nhiều lần hàng mua mới nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều. Thậm chí, có món, bây giờ người ta không còn sản xuất nữa, chỉ tìm thấy ở hàng cô Thủy”.

Vật vã mưu sinh

Bà Cao Thị Thủy cho biết: “Sau khi “đập”, ti vi cũ, tôi thường để lại bo mạch, loa, dây đồng, tụ điện... để bán. Với mỗi cặp loa, tùy loại, hãng, tôi bán với giá khoảng 20.000 đồng, bo mạch khoảng từ 40-60.000 đồng. Những phần còn lại, tôi cân ký bán cho vựa ve chai. Tuy vậy, bây giờ buôn bán khó lắm. Một xe đầy linh kiện như vậy nhưng có ngày, tôi chỉ bán được một vài món linh kiện thôi”.

Hà Nguyễn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (147)

Tin nổi bật