Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện cổ tích giữa đời thường về người đàn bà cưới vợ cho chồng

(DS&PL) -

Hơn 30 năm chung sống nhưng bà Tài đã không thể cho chồng được làm thiên chức của người cha. Để vẹn tròn đạo nghĩa, bà đã gạt bỏ những ghen tuông đi cưới vợ cho chồng.

Hơn 30 năm chung sống nhưng bà Tài đã không thể cho chồng được làm thiên chức của người cha. Để vẹn tròn đạo nghĩa, người đàn bà ấy đã gạt bỏ những ghen tuông thường tình, tự tay chuẩn bị lễ hỏi cưới vợ cho chồng.

Câu chuyện như cổ tích giữa đời thường ấy kể về người phụ nữ bao dung và nhân từ, bà Trần Thị Tài (SN 1955), trú tại thôn Kim Thành, xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).

Từ xưa đến nay, việc sẻ chia tình cảm của người mình yêu với người khác vốn đã là điều không dễ dàng gì và nó càng trở nên khó khăn hơn khi san sẻ chồng mình cho người khác. Thế nhưng, gạt bỏ đi những cái thường tình ấy, bà Tài đã sẵn sàng hy sinh, tự tay chuẩn bị lễ hỏi và đi cưới vợ cho chồng.

Tôi tìm về thôn Kim Thành vào một buổi sáng tháng 8 nắng nóng. Vừa gặp tôi, bà Tài đã nở nụ cười tươi và mời vào nhà uống nước. Bắt đầu câu chuyện về cuộc đời đầy gian truân của mình, bà Tài cho biết: Năm 1974, bà Tài kết hôn với ông Lê Công Sâm (SN 1953), người cùng thôn. Ít lâu sau ngày cưới, ông Sâm lên đường sang chiến đấu ở chiến trường Campuchia, một mình bà ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng. Ngày tháng ấy, thi thoảng ông Sâm mới được cắt phép về nhà thăm vợ và gia đình.

Vợ chồng ông Sâm và bà Tài

Và rồi niềm hạnh phúc nhỏ nhoi cũng đã đến với đôi vợ chồng khi có một mầm sống đang hình thành và lớn lên trong bụng bà. Những tưởng, đứa con ra đời sẽ làm cho bà vơi đi nỗi nhớ chồng, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày ngang, trong một lần làm việc, bà đã bị sảy thai. Nỗi buồn đau cứ bủa vây khi đứa con không được ra đời như dự định.

Sau lần ấy, những năm tháng tiếp theo, bà Tài mang thai thêm 3 lần nữa nhưng đớn đau thay, niềm vui đều không trọn vẹn khi cả 3 đứa con lần lượt ra đi khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. “Buồn đau lắm, tôi cùng chồng và cả gia đình đều trông mong một đứa con để có tiếng trẻ thơ cho vui cửa vui nhà, nhưng số tôi nó khổ nên không lần nào thành. Tôi thương cho số phận tôi một phần nhưng thương chồng lại nhiều hơn”, bà Tài tâm sự.

Chia sẻ về những ngày tháng khó khăn đó, bà Tài nói thêm: “Sau ngày ấy, mẹ tôi có bảo, mình chịu khổ thì chịu một đường, tôi không sinh con được thì cứ để ông ấy lấy thêm vợ nữa để trọn đạo nghĩa tình. Nghe mẹ nói vậy, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định sẽ cưới vợ lẽ cho ông ấy”.

Khi bà Tài đặt vấn đề “cưới” vợ lẽ, ông Sâm đã phản đối quyết liệt. Bởi trong thâm tâm, ông luôn dành tình thương cho người vợ của mình. Ông thương bà vì cuộc sống cực khổ, lo toan đủ bề, số phận đã không mỉm cười nên ông không thể làm trái với đạo lý. Tuy nhiên, mặc cho chồng không đồng ý, bà Tài vẫn quyết định tìm người để cưới vợ... cho chồng.

Đến năm 2004, sau nhiều lần vợ thuyết phục cộng thêm những lời góp ý, động viên của mọi người, ông Sâm cũng đồng ý trong im lặng. Người vợ thứ hai của ông Sâm là chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1973), trú tại xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ngày đưa chị Hòa về nhà, chính tay bà Tài đứng ra lo lắng, chuẩn bị mọi lễ vật và mâm cỗ để mời họ hàng hai bên. Đám cưới được tổ chức rất đơn sơ nhưng nồng ấm tình người.

Từ sau ngày chị Hòa về sinh sống, bà Tài cùng chị chung tay lo lắng công việc gia đình và chưa từng xảy ra xung đột mâu thuẫn nào trong ngôi nhà 2 người đàn bà chung chồng. Sau 2 năm về chung sống, thấy chị Hòa chưa có tin vui, một lần nữa bà Tài lại gom góp tiền bạc để đưa vợ lẽ và chồng đi khám. Hết thăm khám ở Hà Tĩnh, bà Tài lại thúc giục cả 2 ra Hà Nội, rồi lên Việt Trì tìm thuốc tìm thang.

Đến năm 2006, chị Hòa hạ sinh cậu con trai đầu lòng đặt tên là Lê Công Văn. Năm 2009, chị Hòa sinh thêm một cháu trai nữa và năm 2012, hạ sinh đứa con gái thứ 3. Những ngày chị Hòa sinh nở và ở cữ, một mình bà Tài lo toan mọi việc từ nấu nướng, giặt giũ và thay tả cho con.

Bà Tài cùng 3 người con của chị Hòa và chồng

“Sau khi cưới o Hòa về cho chồng, nhiều người bảo tôi, sao không ra ở riêng, ở vậy trông con làm gì cho khổ. Nhưng với tôi, con người ở với nhau cốt là tình nghĩa, tôi cùng chồng và o ấy (chị Hòa – PV) sống nương tựa vào nhau, cùng nuôi nấng nhau trong cuộc sống là tôi thấy thoải mái và hạnh phúc lắm rồi”, bà Tài chia sẻ.

Chia sẻ với tôi, ông Sâm cho biết: “Khi nghe quyết định của vợ, tôi đã phản đối kịch liệt. Số phận của vợ tôi đã chịu nhiều cực khổ rồi, nay không thể vì chuyện con cái mà bắt bà ấy phải chịu thêm thiệt thòi. Nhưng vợ tôi gần như bỏ ngoài tai, vẫn quyết định tìm vợ lẽ cho tôi”.

Tình cảm gắn bó giữa bà Tài và chị Hòa khiến người dân ở cái thôn nhỏ Kim Thành ai cũng phải khâm phục. Họ khâm phục vì sự hy sinh, nhân từ và bao dung của bà Tài. Họ mừng vì sau bao nhiêu cực khổ của số phận, ông Sâm và bà Tài cũng được hạnh phúc, thoải mái mà không còn vướng bận chuyện con cái.

Bà Cống, một người dân sống gần nhà bà Tài cho biết: “Số phận của bà Tài rất cực khổ, cả 4 lần sinh đều không thành. Chúng tôi đều khâm phục vì bà ấy đã dám hy sinh hạnh phúc riêng, gạt đi những ghen tuông thường tình mà cưới thêm vợ lẽ cho chồng. Tôi nghĩ, việc ấy không phải ai cũng làm được bởi cảnh chung chồng, san sẻ chồng cho người khác là đều không phải dễ dàng”.

Ngôi nhà nơi bà Tài sinh sống cùng chồng, chị Hòa và các con

Được biết, sau khi 3 đứa con bước vào tuổi đến trường, để trang trải cuộc sống và có tiền lo cho con ăn học, chị Hòa đã vào miền Nam để làm thuê. Hàng ngày chị vẫn gọi điện thăm hỏi bà Tài, ông Sâm và các con.

Ba đứa con giờ đây đang sống trong sự chăm sóc, đùm bọc và yêu thương của bà Tài và chồng. Dù không là người sinh ra nhưng bà Tài lo lắng và yêu thương cả 3 như con ruột.

“Trước đây, mỗi lần ra đường tôi đều rất tủi thân khi nghe ai đó nhắc đến chuyện con cái nhưng giờ đây tôi rất vui khi 3 đứa con là nguồn động viên. Nghe tiếng gọi mẹ của chúng nó mà tôi thêm niềm vui. Giờ đi đâu xa tôi cũng nhớ con không chịu được”, ánh mắt đầy niềm hạnh phúc, bà Tài nói.

Chia tay gia đình bà Tài và ông Sâm ra về, tôi vẫn thấy câu chuyện cứ như được dệt từ cổ tích. Nhìn cái cách hai ông bà ở tuổi thập lục chăm sóc 3 đứa con nhỏ mà tôi thấy niềm hạnh phúc như đang lan tỏa. Hạnh phúc lớn nhất của bà Tài bây giờ là nhìn những đứa con trưởng thành trong ngôi nhà chung - ngôi nhà của những con người đặc biệt gắn liền với tình yêu thương chân thành mà cao cả.

Tin nổi bật