(ĐSPL)- Trong màn đêm đen kịt, im lặng như tờ, “thần đèn” tay cầm chiếc cờ lê, tay xách đèn vuông nhẫn nại đi dọc những cung đường quen thuộc.
Bất kể đó là ngày hay đêm, nắng gắt hay mưa bão, họ vẫn “soi tỏ” đường cho những chuyến tàu Bắc – Nam. Họ, không ai khác chính là những người tuần đường.
“Tập thể dục” 20km mỗi ngày
Chúng tôi đến cung đường Kim Liên (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) vào đúng giờ giao ca của những “bác” tuần đường. Dáng người gầy gầy, xương xương, nước da đen nhẻm và nụ cười thân thiện thường trực là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về những người tuần đường. Đội của ông Hoàng Xuân Minh có cả thảy năm người, chia thành ba ca, trực vào tất cả các ngày trong tuần. ông Minh cho biết: “Trong đội ai cũng có thâm niên công tác ở công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng trên dưới 30 năm. Chỉ riêng có anh Nguyễn Đức Hải là trẻ nhất. Tuy nhiên, mọi người trong đội đều có tinh thần tự giác và trách nhiệm cao đối với công việc”.
Đêm nay là ca trực của anh Trang Tuấn (SN 1967) và anh Nguyễn Đức Hải (SN 1972). Đi bộ từ nhà đến ga Kim Liên, hai anh nhận dụng cụ gồm: Hai đèn vuông, hai gậy tự vệ, một thẻ đường (là chiếc cờ lê có đánh số, đây còn là dụng cụ để sửa chữa đường ray khi phát hiện hư hỏng), sáu quả pháo, hai còi và một cuốn sổ. Khoác vội chiếc áo phản quang lên người, anh Tuấn tất tả “chong” đèn, rồi hai người tiến ra phía đường ray. Đồng hồ vừa điểm 20h đúng.
Như mọi đêm, hai anh xuất phát từ Km 776 (sát chân cầu Đen, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đến Km784. Đêm dần về khuya, hai chiếc mũ cối vẫn cần mẫn nhấp nhô trên từng cây số. ánh sáng hắt ra từ chiếc đèn vuông soi rõ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán các anh. Anh Tuấn xé tan sự im lặng bằng giọng kể đều đều: “Tôi công tác trong ngành gần 30 năm rồi, nhưng mới chuyển sang tuần đường khoảng chục năm nay. Vì tính chất công việc này cũng nguy hiểm nên ban đêm chúng tôi được phân công hai người đi với nhau còn ban ngày chỉ có một người. Nhưng dù đó là ban ngày hay ban đêm, thì mỗi người chúng tôi đều phải đi chừng 20km mỗi ngày, cả đi cả về”.
“Công việc chính của chúng tôi là kiểm tra từng con ốc, từng đoạn ray, thanh tà vẹt. Nếu phát hiện những hư hỏng nhỏ thì dùng cờ lê “sửa” ngay lập tức. Còn khi phát hiện những hư hỏng lớn thì phải lập tức bắn pháo báo hiệu cho người lái tàu, nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho những chuyến tàu Bắc – Nam”, anh Tuấn lý giải thêm.
23h, tiếng bước chân nghe vẫn đều đều, tiếng thở nghe đã nặng dần. Thỉnh thoảng anh Hải lại cất tiếng hát: “Anh lái tàu ơi! Anh hãy yên lòng, con đường này luôn có tôi đi trước... Con đường này luôn có tôi đều bước, trọn đời chăm lo” như để xua đi sự mệt nhọc trên con đường đi tuần. Một tay xách đèn vuông, tay kia vội quệt giọt mồ hôi, anh Hải hóm hỉnh kể: “Tôi mới đi tuần đường gần bốn năm nay. Ban đầu chưa quen việc nên thấy vất vả lắm. Nhiều hôm đi trực về chân mỏi nhừ, bước không nổi. Nhưng lâu dần thành quen, mỗi ngày “tập thể dục” chừng 20km cũng thấy người khỏe khoắn hẳn ra”.
Trò chuyện với hai anh hồi lâu, chúng tôi như quên rằng đôi chân mình đã rệu rã còn mồ hôi thì túa ra như tắm. Anh Hải quay sang tâm sự: “Mỗi nghề mỗi vất vả chú nhỉ. Nhưng nghề nào cũng có thú vui riêng”. Chẳng mấy chốc, hai tuần đường đã “cập” Km784. Lúc này, anh Tuấn giao lại chiếc cờ lê, thẻ đường cho hai “bạn tuần” ở cung đường Thanh Khê. Đồng thời, anh Tuấn ký vào cuốn sổ. Trong ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn vuông, khuôn mặt của cả bốn người tuần đường rạng rỡ hẳn lên bởi họ biết đoạn đường sắt vừa qua không có vấn đề gì xảy ra, điều này đồng nghĩa với việc các chuyến tàu đêm nay qua đây sẽ bình an. Gà gáy, mặt trời dần ló dạng cũng là lúc anh Tuấn và anh Hải về đến ga Kim Liên để trả ban.
|
Với chiếc đèn vuông bầu bạn, những người tuần đường cuốc bộ hàng chục cây số mỗi đêm. |
“Càng bão lại càng phải đi”
Chị Phan Thị Phương Trâm (SN 1984), vợ anh Hải cũng là một đồng nghiệp của anh tâm sự: “Tôi cũng làm gác chắn tàu tại đường sắt Kim Liên nên tôi rất hiểu công việc của chồng. Bất kể mưa gió, bão bùng hay những ngày lạnh thấu xương anh đều phải đi làm. Càng bão to anh càng phải đi vì những lúc đó cây cối, tôn rơi và bay đến đường ray rất nhiều. Thậm chí đến những ngày lễ, tết anh vẫn phải đi làm. Năm ngoái, anh đón năm mới ngay trong ca trực của mình. Tuy công việc vất vả, khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng chia nhau vừa chăm con nhỏ, vừa cố gắng hoàn thành tốt công việc”.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Minh cho biết: “Tuần đường là một nghề nhọc nhằn và đòi hỏi kỷ luật cao. Mỗi người tuần đường không chỉ có nhiệm vụ sửa chữa những hư hỏng tức thời mà còn là “ngọn đèn” chỉ lối cho các con tàu không đi “trật nhịp”. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, công việc này đòi hỏi người tuần đường phải có kinh nghiệm và có tâm với nghề”.
Gần chục năm đi tuần đường, ông Minh có biết bao kỷ niệm vui buồn, mà cho đến bây giờ ông vẫn chẳng thể nào quên. Đó là những ngày đầu tiên ông chuyển sang làm người tuần đường. Đi cả chục cây số giữa đêm tối, làm bạn với rắn rết, cóc nhái và những cơn gió đôi khi thổi lạnh cả sống lưng rồi những ngày mưa như trút nước, lạnh thấu cả thịt da. Tuy nhiên, với ông và các anh em, bao nhiêu nhọc nhằn ấy chẳng thấm tháp gì so với niềm vui khi... hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với những người tuần đường tại những khu vực đồi núi như ông Lê Văn Cầu (SN 1965, hiện làm gác chắn tại trạm Xây dựng 67, cách đoạn đường do nhóm của ông Minh chừng 6km) thì công việc này lại đem đến nhiều cung bậc cảm xúc hơn. Từng có thâm niên gần 20 năm làm nghề tuần đường tại khu vực hầm đèo Hải Vân, cũng là từng đó thời gian ông “đi trong cô độc”, nguy hiểm. Tuy nhiên, khi được hỏi về nghề ông Cầu vẫn khẳng định: “Bạn đồng hành của tôi là chiếc đèn vuông, chỉ khi đèn tắt tôi mới thực sự là người cô độc”.
Tuần đường ở đồng bằng đã vất vả, ở khu vực đèo, đồi núi còn khó khăn gấp nhiều lần. ông Cầu khẽ nhướn cặp lông mày, nhớ lại: “Là dân tuần đường, mỗi khi nhắc đến đoạn đường có tên gọi là Cống Võng thuyền ở Km761+200 không ai là không rùng mình. Tôi thì thường xuyên đi qua đoạn đường này vì đây là khu vực tuần của tôi. ở đây, vào những ngày có gió hoặc mưa to, người tuần đường phải bò dài trên mặt đất để đi qua nếu không muốn bị gió đánh văng xuống biển. Qua đoạn đường này, tôi và đồng đội không ít lần bị thương”.
Đi rách cả chân, mòn cả gối là thế nhưng nghề tuần đường lại chẳng đem lại cuộc sống sung túc như “lời đồn” của nhiều người. Sau gần 10 năm công tác, gia đình ông Trang Tuấn vẫn phải ở nhà thuê ở khu tập thể ga Kim Liên với giá 200 ngàn/tháng. Trừ hết tiền bảo hiểm và các khoản thu theo quy định khác, hàng tháng mức lương của người thợ bậc 5 này chỉ chừng ba triệu đồng. “Thắt lưng buộc bụng” lắm, vợ chồng ông mới trang trải được cuộc sống và nuôi hai con ăn học nên người.
Tuy nhiên, khi trò chuyện với chúng tôi, cả hai vợ chồng rất lạc quan. ông Tuấn nói: “Chỉ cần biết tính toán chi tiêu hợp lý thì cũng đủ. Niềm động viên lớn nhất với tôi là gia đình hạnh phúc và hai đứa con chăm ngoan, học giỏi và quan trọng hơn hết là tôi cảm nhận được ý nghĩa to lớn của nghề tôi đang làm”. Với những người quanh năm làm bạn với các cung đường sắt như người tuần đường, thứ ấm áp, sẻ chia duy nhất trong đêm, có lẽ là tiếng “rầm rập” đều đặn của những con tàu qua. Chân đã mỏi và tóc dần bạc vì sương gió, song trên gương mặt họ vẫn lấp lánh lòng tự hào sâu sắc với nghề...
Nghề không dành cho người... trẻ Nghề tuần đường rất kén người, và đặc biệt là không dành cho người trẻ tuổi. Sở dĩ gọi như vậy là vì nghề này không phải “thợ” nào làm cũng được. “Phải là thợ bậc 4/7 trở lên, nghĩa là có trên 15 năm kinh nghiệm mới được giao vị trí tuần đường”, ông Nguyễn Đức ích, Cung trưởng cung đường sắt Kim Liên cho biết... |