Đôi bàn tay điêu luyện của chuyên viên trang điểm tử thi không đem đến vinh quang, thành tích hay giải thưởng nghệ thuật nào nhưng lại mang đến sự kính phục của mọi người xung quanh, nhất là thân nhân người đã mất. Anh Nguyễn Văn Huy - một chuyên viên trang điểm tử thi là điển hình cho câu nói “người không chọn nghề mà nghề chọn người”.
Anh Huy là chuyên viên trang điểm tử thi tại Nhà tang lễ Phùng Hưng. (Ảnh: NVCC) |
Một ngày làm việc của "nghệ sĩ" làm đẹp cho tử thi
Nếu như nhập quan là nghệ thuật thì người nhập quan là một nghệ sĩ. Để có sự thấu hiểu về nghề này, PV ĐS&PL đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Văn Huy, 34 tuổi, hiện đang làm việc tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (số 125 Phùng Hưng, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, TP. HN). Gắn bó với công việc hơn 3 năm, anh đã trang điểm cho hàng trăm tử thi, giúp họ có dung mạo tươi đẹp để về cõi vĩnh hằng.
Trước khi gắn bó với công việc, anh Huy là kĩ sư IT, làm việc tại tập đoàn FPT. Thời gian rảnh, anh chạy taxi kiếm thêm thu nhập, đa số khách là người quen. Nhiều lần chở bạn thân hành nghề cải táng mộ, anh Huy được chứng kiến công việc đặc biệt này. Cảm thấy đây là việc làm thiêng liêng, anh đã quyết định gắn bó dài lâu.
Khi thân nhân người quá cố gọi điện tới số dịch vụ, anh Huy phải lên đường ngay lập tức dù là lúc nửa đêm hay tinh mơ gà gáy. Công việc trang điểm khá nhạy cảm, thường diễn ra vào đêm tối. Vì vậy, những chuyên viên như anh Huy phải làm đêm, không có được giấc ngủ trọn vẹn. Có những hôm, nhiều ca đặt lịch trang điểm, anh phải thức trắng suốt đêm. Tuy mệt mỏi, áp lực nhưng anh Huy luôn làm việc một cách cẩn trọng, tỉ mỉ và khéo léo.
Đứng trước mỗi tử thi, chuyên viên phải giữ thái độ nghiêm túc, tránh việc cười cợt. Điều này không chỉ có ý nghĩa với người đã khuất mà còn thể hiện sự thành tâm, chân thành với thân nhân người khuất. Trước khi trang điểm, anh Huy sẽ thắp ba nén hương để khấn cáo với người mất. Sau đó, anh Huy thành kính cúi lạy ba lạy và khấn: "Tôi/cháu/em xin được bắt đầu công việc trang điểm để giúp người khuất có thân thể sạch sẽ, khuôn mặt tươi đẹp, rạng ngời nhất về cõi vĩnh hằng, gác bỏ lại phiền muộn của cõi nhân gian vô thường".
Anh Nguyễn Văn Huy kể lại: "Khi nhận được ca trang điểm, tôi sẽ thắp hương, khấn vái ông bà tổ tiên, cầu mong công việc thuận lợi, hanh thông. Sau đó, vợ tôi chuẩn bị đồ để tiến hành công việc, gồm: Quần áo riêng, găng tay, khẩu trang, mũ, hộp đựng đồ trang điểm. Đặc biệt, trong khẩu trang sẽ được lót lá trầu không, phòng ngừa bị nhiễm hơi lạnh".
Công việc đầu tiên là “thanh uế” cơ thể. Chuyên viên dùng gạc chặn miệng, mũi người mất để ngăn máu chảy ra. Tương tự cũng phải chặn lỗ hậu môn để ngăn dịch chảy. Sau đó, chuyên viên dùng một tấm khăn tẩm rượu gừng lau sạch cơ thể, từ đầu trở xuống dưới. Rượu gừng có đặc tính ấm nóng giúp cơ thể mềm ra. Anh Huy dễ dàng nắn chỉnh các khớp co quắp. Lau rửa xong, anh Huy sẽ mặc quần áo theo yêu cầu người nhà. Đó là bộ quần áo mới hoặc một bộ đồ khi còn sống, người đã mất thường hay mặc.
Chuyên viên trang điểm tử thi thay quần áo cho người mất theo yêu cầu của thân nhân. |
Đối với những thi thể lấy ra từ nhà lạnh ra thì rất khó trang điểm. Bởi cơ thể người mất cứng đờ, mặt mày tím tái. Anh Huy sẽ thấm hết nước nhờn từ mặt xuống rồi bắt đầu trang điểm. Còn với người mới mất, công việc sẽ dễ dàng, nhanh gọn hơn.
Từ một người đàn ông chưa bao giờ biết đến các loại phấn son thì giờ đây, anh Huy sử dụng chúng thành thạo. Anh khéo léo chọn lựa loại phấn phù hợp với từng sắc da. Trang điểm cho người sống ra sao thì với người mất cũng từng ấy công đoạn. Tuy nhiên, việc trang điểm cho người mất khó hơn rất nhiều bởi họ không thể cử động theo ý mình và da sẽ không ăn phấn.
Đầu tiên là chọn màu kem nền, với người mất lâu, da tái thì cần sử dụng kem nền màu sáng. Sau đó là bước phủ phấn nén, vẽ lông mày, vẽ mắt, đánh khối, chuốt mi. Để người mất trông tươi tắn hơn thì anh Huy sẽ tô son lên đôi môi. Sau đó, anh buộc tóc gọn gàng và sơn móng tay nếu thân nhân yêu cầu.
Với đàn ông, chỉ cần dặm một chút phấn son cũng khiến gương mặt hồng hào. Tuy nhiên, với phụ nữ thì việc trang điểm cầu kỳ hơn, phải làm đầy đủ các bước. Người trẻ tuổi thì anh Huy sẽ trang điểm nhẹ nhàng cho họ. Còn với người già, anh trang điểm đậm hơn. Nhiều thân nhân bày tỏ sự thán phục bởi người mất trông thật đẹp, họ chỉ giống như đang nằm ngủ. Việc trang điểm sinh động giúp người nhà bớt đau buồn, thương xót hơn!
Phấn giúp màu da của người mất sáng hơn. |
Những ca bị tai nạn mất quả thật là điều thách thức đối với anh Huy. Khuôn mặt bị biến dạng, anh phải khâu vá lại vết rách rồi mới có thể trang điểm. Người nhà còn sợ hãi nhưng anh phải vượt qua nỗi ám ảnh để phác tạo dung nhan tươi tắn.
Anh Huy trầm ngâm chia sẻ: “Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là lần trang điểm cho ông cụ ngã cầu thang. Nhiều giờ sau, vợ con mới phát hiện, khi ấy chân tay co quắp lại, máu đổ lênh láng. Mặc dù đã chặn bông gạc vào mũi và miệng nhưng máu vẫn chảy nhiều, không thể bắt đầu trang điểm được. Tôi phải khấn vái liên tục, cầu xin ông cụ, một lúc sau mới ngừng chảy máu”.
Trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, anh Huy sẽ đốt vía, thay quần áo và tắm rửa ngay. Anh sẽ uống một cốc trà gừng để giúp cơ thể ấm nóng. Tuy nhiên, cũng có hôm do quá mệt mỏi, anh chẳng kịp thay bộ đồ đang mặc. May mắn cho anh gặp được người vợ hiền thảo. Chị đồng cảm, thấu hiểu với công việc của chồng. Chị luôn động viên chồng bởi đây là công việc giàu tính nhân văn mà không phải ai cũng hiểu được, làm được.
Ý nghĩa nghề “tiễn biệt”
Người phương Đông quan niệm rằng chết không phải là hết mà là bắt đầu cho hành trình mới. Vì vậy, cần phải tẩy uế, thay quần áo mới và trang điểm cho người mất trước khi lên đường. Mỗi hành trình đều để lại cho anh Huy những trải nghiệm và bài học mới về tình nghĩa gia đình, tình làng xóm, tình bạn bè. Có những cuộc chia ly trong niềm vui là sự giải thoát nhưng cũng có những cuộc tiễn biệt trong đau thương, nước mắt và nhiều tiếc nuối.
Chuyên viên trang điểm tử thi phải làm đầy đủ công đoạn, làm cẩn thận với tấm lòng thành kính. |
“Tôi từng trang điểm cho nhiều người có gia thế hoành tráng, gia tài kếch sù. Khi còn sống, họ là người tài giỏi, bản lĩnh. Chỉ tiếc phận đời ngắn ngủi, họ ra đi khi tuổi đời còn trẻ, đang trên đỉnh cao của sự nghiệp. Vậy mới thấy rằng, người ta bươn chải mưu sinh vất vả vì đồng tiền. Nhưng đến cuối cùng, lúc nằm xuống, tiền cũng chẳng còn ý nghĩa”, anh Huy lặng lẽ thở dài.
Từ một lập trình viên cầm chuột máy tính, giờ đây anh Nguyễn Văn Huy thuần thục cầm bông phấn trang điểm cho người mất bằng tất cả sự kính trọng. Người đời cho rằng đây là công việc dơ dáy, bẩn thỉu, kinh hãi nhưng anh Huy và nhiều đồng nghiệp khác đã vượt qua mọi định kiến để hoàn thành tốt. Anh không kiếm tiền trên xác chết, anh là người hỗ trợ cho một chuyến đi dài của người quá cố.
Anh Nguyễn Đình Thăng là một chuyên viên trang điểm tử thi lâu năm tại Nhà tang lễ Phùng Hưng cũng chia sẻ: "Với tôi, đây là nghề cha truyền con nối. Nhưng trước kia, đơn thuần chỉ là khâm liệm thôi. Sau đó, xã hội ngày càng phát triển, dịch vụ trang điểm tử thi bắt đầu được nhiều người biết tới. Khi mới quen bà xã, tôi từng giấu nghề nghiệp của mình, tôi sợ nói ra vợ tôi ghê sợ, đòi chia tay. Lúc biết tôi làm nghề này, cô ấy phản đối dữ dội lắm, yêu cầu tôi bỏ nghề thì mới làm đám cưới. Từ hôm đó, tôi phải thuyết phục nhiều lần, cuối cùng cô ấy mới gật đầu chấp nhận".
“Làm nghề nào cũng cần cái tâm. Với nghề phục vụ người mất thì lại càng phải đặt cao chữ tâm. Điều tối kỵ nhất là làm việc thiếu nghiêm túc, đùa cợt, phỉ báng, làm không chỉn chu”, anh Thăng cho biết thêm.
Ứng Hà Chi