[presscloud]17791[/presscloud]
Chùa Keo có tên chữ là Thần Quang Tự là một ngôi chùa nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi.
Ban đầu, chùa có tên là Nghiêm Quang Tự, đến năm 1167 mới đổi thành Thần Quang Tự, vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa này cũng được gọi là chùa Keo.
Sau gần 500 năm tồn tại vào năm 1611 ngôi làng gặp một trận đại hồng thủy. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường được gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiên (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng).
Toàn cảnh chùa Keo - Thái Bình |
Điểm đặc sắc ở chùa Keo là bộ cánh cửa cao 2m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt vô cùng đặc sắc. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.
Văn bia và địa bạ chùa Keo còn ghi lại diện tích toàn khu kiến trúc chùa rộng khoảng 58.000 m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau. Không gian chùa thoáng đãng và yên tĩnh kết hợp với kiến trúc mang đậm chất thời nhà Lê toát lên từ những đường viền gỗ, mái hiên hay cả viên gạch.
Ở chùa Keo thì không chỉ thờ Phật mà còn thờ cả Thánh. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng, ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh.
Kiến trúc mái tinh tế còn nguyên vẹn của chùa Keo |
Xưa nay mọi người đều truyền miệng câu ca dao: “Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”. Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094) sáng lập ngôi chùa.
Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.
Chùa Keo nhìn trực diện |
Với lịch sử độc đáo và kiến trúc đặc sắc, chùa Kéo – Thái Bình được mệnh danh là ngôi chùa cổ bậc nhất Việt Nam, nơi đây chính là niềm tự hào của Thái Bình. Nếu một lần ghé qua Thái Bình đừng bỏ lỡ chùa Keo.