Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sáng 20/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc kiểm soát đi lại tại TP.HCM thời gian tới.
Về việc lực lượng CSGT vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 tất cả người ngồi trên xe khi vào TP.HCM tại trạm thu phí Long Phước (TP.Thủ Đức), ông Mãi cho biết tại buổi sơ kết kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM 9 tháng đầu năm ngày 19/10, lãnh đạo thành phố có đề nghị các ngành y tế, giao thông, công an phối hợp bàn và đề xuất phương án kiểm soát dịch đúng tinh thần nghị quyết 128 của Chính phủ.
Chủ tịch TP.HCM cho biết, thành phố sẽ đề xuất phương án kiểm soát đi lại đúng tinh thần Nghị quyết 128. Ảnh minh họa
Theo đó, các cơ quan phải đưa ra giải pháp kiểm soát vừa đảm bảo phòng, chống dịch nhưng không gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Chủ tịch TP.HCM cho hay, phương án kiểm soát và việc có cho kinh doanh hàng ăn uống tại chỗ hay không sẽ được bàn bạc và quyết định sớm trong thời gian tới.
Trước đó, báo Thanh Niên dẫn lời thông tin cuộc họp với TP.Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm cho hay, phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị thời gian tới cần xem xét mở thêm một số dịch vụ như quán ăn phục vụ tại chỗ, hoặc các hoạt động sinh kế khác để tạo ra thu nhập cho người dân.
"Ví dụ việc bán vé số cần nghiên cứu vì nó sẽ mở ra việc làm, cơ hội tăng thu nhập cho nhiều người dân, giảm gánh nặng cho an sinh xã hội, cần đánh giá kỹ lưỡng để mở các dịch vụ, hoạt động sinh kế", ông Mãi đề nghị.
Về các nhiệm vụ thành phố cần tập trung trong 3 tháng cuối năm, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện, sở, ngành tập trung phục hồi kinh tế đi liền với phòng chống dịch.
Đáng chú ý, Chủ tịch TP.HCM đề nghị TP.Thủ Đức cùng các quận, huyện, sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh về phòng chống dịch, vốn, nguồn lực lao động và tháo gỡ các vướng mắc cụ thể để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo thông tin trên báo Lao Động vào ngày 19/10, TP.HCM đang điều trị 11.531 bệnh nhân, trong đó có 902 trẻ em dưới 16 tuổi, 404 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 17.10, thành phố có 640 bệnh nhân nhập viện, 664 bệnh nhân xuất viện, 51 trường hợp tử vong.
Như vậy, số bệnh nhân nặng, thở máy giảm rõ rệt, số ca nhập viện cũng ngày càng giảm và luôn thấp hơn số ca xuất viện. Số mũi tiêm vaccine đã triển khai đến ngày 17/10 tại TP.HCM là 12.641.878, trong đó 7.116.611 người tiêm mũi 1, 5.475.267 mũi 2.
Do số ca điều trị tại các bệnh viện đang giảm sâu, thời gian tới TP.HCM sẽ giải thể nhiều bệnh viện dã chiến đã thiết lập tại trường học, ký túc xá, khu tái định cư… để trả lại công năng cho các đơn vị liên quan.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ mở thêm bệnh viện dã chiến ở các quận, huyện để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 và đáp ứng kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra.
Thủy Tiên (T/h)