Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM: Hơn 240 học sinh trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Sau 165 ngày phải tạm nghỉ học do dịch COVID-19, hơn 240 học sinh tại huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã được quay trở lại trường học trực tiếp.

VietNamNet đưa tin, ngày 20/10, hơn 240 học sinh gồm các em ở khối 1 – 2 - 6 - 9 - 12 của trường Tiểu học Thạnh An và trường THCS-THPT Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.HCM) được trở lại trường học sau 165 ngày nghỉ học, kể từ ngày 10/5 và 2 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật trước đó.

Đề xuất cho học sinh trường Tiểu học Thạnh An và THCS-THPT Thạnh An đi học trực tiếp được đưa ra từ cuối tháng 9/2021. Nhận thấy dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và trở thành vùng xanh đầu tiên của TP.HCM, UBND huyện Cần Giờ đề xuất mở cửa trường từ ngày 4/10. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã được lùi lại tới ngày 11/10.

Vào đầu tuần trước, Thường trực UBND TP.HCM đã họp bàn và chấp thuận cho học sinh Cần Giờ học trực tiếp. Thường trực UBND TP.HCM cũng đề nghị sở GD&ĐT và sở Y tế tiếp tục phối hợp để hỗ trợ huyện Cần Giờ và 2 trường học nói trên để hoàn thiện phương án đón học sinh trở lại.

Hơn 240 học sinh ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) quay trở lại trường học trực tiếp vào sáng ngày 20/10. Ảnh: VietNamNet

Sở Y tế TP.HCM sau đó đã xuống hỗ trợ và giúp các trường hoàn thiện công tác phòng chống dịch. 67 giáo viên tại huyện Cần Giờ trở lại trường ngày 20/10 đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, toàn bộ học sinh cũng đã được xét nghiệm PCR cũng như test nhanh Covid-19 có kết quả âm tính.

Tới cuối giờ chiều ngày 19/10, trên cơ sở thống nhất với sở Y tế, sở GD&ĐT chấp thuận cho học sinh khối 1 - 2 - 6 - 9 - 12 của trường Tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An đến trường học trực tiếp từ sáng ngày 20/10.

UBND huyện Cần Giờ có trách nhiệm chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc Kế hoạch đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng ứng phó khi có phát sinh ca bệnh theo phương án đã được ngành Y tế hướng dẫn, thẩm định.

Bên cạnh đó, từng cá nhân, bộ phận phải xác định được trách nhiệm, công việc phải làm nếu có các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 trong quá trình học sinh học tập trực tiếp tại trường.

Ngoài ra, cần tổ chức kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài, chủ động huy động các nguồn lực có sẵn tại địa phương để chăm lo các em có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời hỗ trợ các trường thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong suốt quá trình làm việc, học tập trực tiếp tại trường.

Trong một diễn biến liên quan, vào chiều ngày 19/10, bộ GD&ĐT đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát các điều kiện để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp. Cụ thể, căn cứ phân loại, đánh giá xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp Phường, xã để có quyết định tổ chức học tập trực tiếp.

Theo An Ninh Thủ Đô, các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1, 2 (tức có nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy trực tiếp, củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) sẽ tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ vào điều kiện thực tế, địa phương sẽ quyết định kế hoạch dạy học cho từng khối lớp. Với cấp phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp lớp 1, 2, 6, 9 và 12, đảm bảo giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) sẽ căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Đối với cấp mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng phối hợp với các phụ huynh hướng dẫn học sinh sử dụng an toàn các thiết bị phục vụ học trực tuyến, có phương án chuyển tài liệu đến học sinh còn thiếu thiết bị học trực tuyến, học qua truyền hình.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật