Theo báo Thanh Niên, ngày 25/9, ông Trần Đại Kỳ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bình Phước (thuộc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước) cho biết, trung tâm này đã hỗ trợ đăng ký thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng như giải quyết việc làm cho hàng trăm công nhân Công ty TNHH MTV Signature Home Furnishings (KCN Chơn Thành 1, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành), sau khi chủ công ty "mất tích".
Trước đó, vào tháng 7/2024, hàng trăm công nhân Công ty TNHH MTV Signature Home Furnishings bất ngờ nhận được thông báo từ phía công ty cho thôi việc. Trước khi cho công nhân nghỉ việc, công ty vẫn còn nợ lương người lao động cũng như các khoản bảo hiểm. Đến nay, sau hơn 2 tháng, các quyền lợi nêu trên vẫn chưa được chi trả.
Sau khi xảy ra vụ việc, Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ người lao động các thủ tục pháp lý như tạo mẫu đơn gửi tòa án cùng với các cơ quan, ban ngành khác để đòi quyền lợi như lương, bảo hiểm xã hội...
Ông chủ công ty người nước ngoài bất ngờ "mất tích", hàng trăm công nhân ở Bình Phước rơi vào cảnh thất nghiệp, bị nợ lương, nợ bảo hiểm. Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo ông Kỳ, đến nay, đã có hàng trăm công nhân được trung tâm phối hợp tổ chức công đoàn hỗ trợ các thủ tục đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, trung tâm cũng đã giới thiệu cho nhiều công nhân đến các công ty lân cận, có cùng ngành nghề sản xuất đồ gỗ, ghế sofa làm việc.
Được biết, Công ty TNHH MTV Signature Home Furnishings do ông Abby Rafieha làm Tổng giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bàn, ghế Sofa. Hiện nay, phía công ty đang nợ lương của hơn 300 công nhân với số tiền gần 3,2 tỷ đồng và 3 tháng bảo hiểm với số tiền trên 976 triệu đồng, nợ kinh phí công đoàn gần 2,5 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc, báo Người lao động đưa tin, bà Trần Lê Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước, cho biết ngay sau khi nắm được tình hình, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các Khu Công nghiệp nhanh chóng hỗ trợ người lao động về các thủ tục pháp lý gửi đến cơ quan chức năng để hỗ trợ công nhân đòi quyền lợi.
Theo bà Hạnh, hiện nay chủ doanh nghiệp không có mặt ở địa phương nên việc đối thoại, đòi quyền lợi cho người lao động gặp khó khăn. Ngoài ra, việc doanh nghiệp không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nên việc giải quyết chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng rất khó.
Theo quy định liên quan đến vấn đề nợ lương thì bước đầu tiên phải tổ chức cuộc họp hòa giải giữa các bên, nếu không thống nhất được thì Công đoàn các Khu Công nghiệp sẽ hướng dẫn người lao động khởi kiện ra tòa án.
Bà Hạnh khẳng định hiện Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước đã tạo mẫu đơn gửi tòa án cũng như mẫu đơn miễn tạm ứng án phí để người lao động có thể gửi đơn đến tòa án và các cơ quan thẩm quyền để đòi quyền lợi.