Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chống tham nhũng phải kiên trì, không bỏ lửng

(DS&PL) -

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, khẩn trương đưa ra xét xử 5 đại án.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 5 đại án.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ

Tại cuộc họp Thường trực ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 18/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyên Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chỉ đạo: "Khẩn trương tháo gỡ những khó khăn và tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ, đã chín. Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để, chứ không bỏ lửng, không phải làm tượng trưng là có xử, mà xử là phải triệt để và khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa”.

Cũng tại phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Chúng ta một lần nữa nói lên quyết tâm rất cao trong lĩnh vực này, chỉ đạo kiên quyết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng với bước đi bài bản, hợp lý, rõ đến đâu làm đến đấy. Làm vụ nào cũng tâm phục khẩu phục. Đấy là kinh nghiệm của chúng ta, đấy cũng là nguyên nhân vừa qua đạt kết quả đó và cái rất lớn nữa là sự đồng tình ủng hộ rất cao của nhân dân”.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước yêu cầu các cơ quan chức năng theo chức trách, nhiệm vụ của mình, phải làm quyết liệt hơn nữa, dù không có trong kế hoạch nhưng nếu tự phát hiện ra vẫn phải làm, trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Ban Chỉ đạo không làm thay hết tất cả, chỉ làm ví dụ một số vụ để làm gương, còn tất cả các cơ quan chức năng, các địa phương phải làm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, nên có cơ chế thưởng, phạt đối với cơ quan, cá nhân làm tốt hoặc là không làm tốt; đồng thời trong chỉ đạo phải có sự phối hợp, phân công, phải có kiểm tra và làm theo đúng chức trách, phận sự của mình. "Ban Chỉ đạo mạnh hơn, có sự phối hợp của nhiều cơ quan thì sẽ làm tốt hơn. Đây là cơ chế phối hợp, chỉ đạo tập thể, tạo sự thống nhất rất cao của cả hệ thống", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Khởi tố 5 bị can liên quan đến "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại tổng công ty Bia-Rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). (Ảnh: VTV)

Xử lý nghiêm, “không có vùng cấm”

Theo nhận định của nhiều ĐBQH, việc xử lý thi hành kỷ luật đối với cán bộ có sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cho thấy công tác phòng chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, giải quyết đúng pháp luật và nghiêm minh càng khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước là "không có vùng cấm".

Trao đổi với PV ĐS&PL, ĐBQH Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần tăng cường các kênh, các hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật như: Hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật. Qua giám sát, nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong văn bản quy phạm pháp luật thì yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát quyền lực; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, giám sát của báo chí và nhân dân...

Qua kết quả điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhìn nhận, đặc điểm của tội phạm kinh tế, tham nhũng là tội phạm ẩn, khi bị phát hiện thì gần như hành vi phạm tội đã hoàn thành, hậu quả đã xảy ra; Đối tượng vi phạm thường là có chức vụ, có trình độ, có lợi ích phụ thuộc nhau.

Vì vậy, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm tham nhũng phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, trực tiếp là ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng và sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả với các cơ quan của Đảng và của tỉnh, thành ủy.

5 đại án ban Chỉ đạo Trung ương yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm

Năm đại án được ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng yêu cầu khẩn trương xét xử sơ thẩm gồm:

- Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP.HCM, bộ Công Thương và một số đơn vị có liên quan;

- Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;

- Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công tỵ Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan;

- Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Giai đoạn 1);

- Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại cục Quản lý dược - Bộ Y tế, công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.

Ngân Giang

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (13)

Tin nổi bật