Sáng nay (22/5), tại buổi khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nhiều thách thức lớn
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng trưởng khá, dự trữ ngoại hối tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc, lần đầu tiên có trên 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Cùng đó, các vấn đề về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác có nhiều tiến bộ.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Hai chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp tiếp tục dựa vào bề rộng, năng lực cạnh tranh của công nghiệp còn thấp so với thế giới. Ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn...
Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với Quý I. Kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng cao; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vừa mới phục hồi nhưng tình hình sâu bệnh đang bắt đầu có diễn biến phức tạp trên diện rộng; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, giá bán giảm mạnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm, trong khi chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn ở mức cao. Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập siêu lại có xu hướng gia tăng. Tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn tư nhân và FDI còn chậm, chưa tương xứng với tốc độ gia tăng vốn cam kết.
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Trước tình hình đó, Chính phủ đã kiến nghị 6 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Để mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 đạt 6,7%, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. Kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia.
Thực hiện điều chỉnh giá các hàng hóa và dịch vụ theo lộ trình gắn với theo dõi, đánh giá chặt chẽ diễn biến giá cả thị trường và lạm phát nhằm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp điều hành phù hợp, tránh gây tác động đột biến tới chỉ số giá tiêu dùng chung của cả nước cũng như tới nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ 2, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp. Điều chỉnh lượng than san xuất trong nước, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân. Kiểm tra kế hoạch sản xuất của các nhà máy thủy điện, điều tiết liên thông giữa các nhà máy để sử dụng nguồn nước phù hợp và hiệu quả, dự phòng phương án xảy ra hạn hán hoặc lũ lụt. Sớm hoàn thiện các quy định về giá điện mặt trời, điện gió để thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, gắn giải pháp công nghệ cao với các giải pháp về thị trường và quản lý hiệu quả.
Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, nhất là các lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ khởi nghiệp.
Thứ 3,thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ và thị trường trong nước, các địa phương cần tích cực và chủ động trong công tác kết nối 4 nhà (Nhà nước, nhà phân phối, nhà khoa học, nhà nông) tại các vùng sản xuất nông sản tập trung để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các loại nông sản, thịt gia súc thu hoạc rộ trong khoảng thời gian ngắn.
Tiếp tục thực hiện Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước vì các khu vực này còn nhiều dư địa để phát triển.
Thứ 4, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và kiểm soát nhập siêu, chủ động chuẩn bị các phương án về Hiệp định TPP, tập trung tranh thủ các FTA đã ký, chủ động, tích cực tham gia đàm phán các liên kết kinh tế khu vực. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp ứng phó với diễn biến của xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, dân tộc hóa. Phối hợp triển khai các biện pháp tháo gỡ rào cản xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản tại một số nước nhằm phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân.
Thứ 5, đẩy nhanh giải ngân và bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh vốn đầu tư toàn xã hội gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ và thua lỗ, nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Rà soát lại các dự án FDI chậm triển khai, tập trung nâng cao chất lượng thu hút FDI để tránh tình trạng đầu tư mới tăng cao nhưng giải ngân chậm cũng như tránh tình trạng biến Việt Nam thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu, nhất là từ quá trình tái cân bằng tại Trung Quốc.
Thứ 6, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung và quyết liệt hơn cải cách, cơ cấu lại kinh tế, ngành, lĩnh vực và địa phương để tạo nền tảng tăng trưởng cho các năm tiếp theo. Thực hiện tái cấu trúc cho mỗi ngành, lĩnh vực, sản phẩm gắn với thị trường trong nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là tái cấu trúc nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Trang Thu