Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội, môi trường

(DS&PL) -

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, cho ý kiến trong Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV là về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2026.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, trong phiên làm việc tại tổ chiều 22/10, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Bám sát việc tái cơ cấu nền kinh tế để quyết định các lĩnh vực đầu tư công trung hạn

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhiều đại biểu cho rằng kế hoạch này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, quyết định việc sử dụng nguồn lực rất lớn, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia trong cả giai đoạn 5 năm 2016-2020.

Đến kỳ họp này, do việc trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm chưa có tiền lệ nên quá trình chuẩn bị các tài liệu liên quan gặp nhiều khó khăn, hồ sơ trình, đặc biệt là danh mục các dự án, phương án dự kiến phân bổ vốn chưa thể hiện rõ danh mục các công trình trọng điểm quốc gia cần xin ý kiến Quốc hội. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc thông qua kế hoạch đầu cư công trung hạn với đầy đủ danh mục, phương án dự kiến phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công là khó khả thi. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nêu rõ: có thể cân nhắc phương án trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn với những nội dung định hướng lớn về tổng mức vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, số vốn phân bổ cho từng bộ, ngành, địa phương, các dự án quan trọng, các giải pháp, chính sách chủ yếu... để thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Riêng đối với phần danh mục, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu tại tổ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Cùng ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh: Lĩnh vực đầu tư công trung hạn cần gắn với mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Vì vậy, cần hướng đầu tư công trung hạn vào các lĩnh vực mang lại kết quả nhanh như nông, lâm thủy sản, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp nhằm xây dựng, phát triển nông thôn mới; tiếp tục quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Đồng thời, để góp phần tăng hiệu quả đầu tư công cho giai đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Văn Cường đề nghị cần kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân trong việc sử dụng đầu tư công chưa hiệu quả đối với một số lĩnh vực trong thời gian qua; từ đó chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc này, tránh các hạn chế, bất cập trong giai đoạn tiếp theo.

Cho ý kiến cụ thể về các lĩnh vực cần quan tâm đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng cần bám sát việc tái cơ cấu nền kinh tế để quyết định các lĩnh vực đầu tư cho phù hợp. Theo đại biểu, bên cạnh mục tiêu xác định giao thông là ngành trọng điểm, cần có các giải pháp đầu tư ở các lĩnh vực khác như: phát triển ngành công nghiệp không khói, bảo vệ môi trường, du lịch. Theo đó, trong lĩnh vực giao thông, ngoài việc đầu tư cho giao thông đường bộ, cần tiếp tục đầu tư cho giao thông đường thủy, đường sắt để tận dụng lợi thế về đặc điểm của đất nước; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường để phát triển du lịch; quan tâm phát triển ngành công nghiệp môi trường: xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, bảo vệ tài nguyên nước; đầu tư cho khoa học công nghệ, phát huy nội lực của các nhà khoa học Việt Nam trong khoa học công nghệ môi trường.

Các đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Dương Minh Ánh (Hà Nội) thể hiện sự quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, bởi, theo đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, nếu không xử lý tốt trong lĩnh vực văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh có thể dẫn đến thiệt hại về kinh tế lớn. Vì vậy, cần có sự quan tâm, đầu tư thích đáng trong lĩnh vực này để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng ý kiến, đại biểu Dương Minh Ánh lấy ví dụ tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc hiện đang thực hiện những chiến lược "xuất khẩu'' văn hóa, cùng với đó kéo theo sự phát triển về kinh tế, thời trang, du lịch... Vì vậy, đại biểu đề nghị Việt Nam cần có chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa, kể cả về tài chính và con người.

Tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu

Liên quan kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, các đại biểu nhận định: Năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật ngân sách nhà nước năm 2015, vì vậy, việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng.

Nhiều đại biểu nhận định Chính phủ xây dựng mức tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2016 là rất tích cực. Nhất trí với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 là 1.212.180.000 đồng, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, phát hiện kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế, chuyển giá… để truy thu vào ngân sách nhà nước; tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng thêm nguồn đáp ứng nhu cầu chi, góp phần giảm bội chi.

Với quan điểm cần tiếp tục quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) dự đoán năm 2017, tình hình hạn mặn tại các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống bà con nhân dân. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần có kế hoạch dự trù phân bổ ngân sách đối với các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong gian đoạn tiếp theo, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam đã quan tâm đến việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực y tế nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu cực. Đồng thời. việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực này vẫn chưa đồng đều, nguồn lực phân bổ chủ yếu là ở Trung ương, các thành phố lớn, trong khi, nguồn lực chi cho các cơ sở khám chữa bệnh, trạm xá ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Để khắc phục tận gốc vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, phân bổ nguồn lực đầu tư trang thiết bị cho các trạm y tế cơ sở; có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế cấp xã, phường, nhất là ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh...

Cũng trong phiên thảo luận chiều nay, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015)...

Phúc Hằng


Tin nổi bật