Nga dội "bão lửa" không kịp thở
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố mới nhất rằng lực lượng nước này đã tiến hành các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự và địa điểm lưu trữ máy bay không người lái của Ukraine ở 132 khu vực.
"Máy bay chiến thuật, máy bay không người lái tấn công, lực lượng tên lửa và đơn vị pháo binh của Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng tại các sân bay quân sự, địa điểm cất giữ máy bay không người lái và chuẩn bị tấn công bằng máy bay không người lái, cũng như quân đội và thiết bị của đối phương tại 132 khu vực", tuyên bố nêu rõ.
Nga dội "bão lửa" nghẹt thở. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 3 tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất và 44 máy bay không người lái cánh cố định do Ukraine triển khai.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, tổng cộng 652 máy bay, 283 trực thăng, 41.439 máy bay không người lái, 590 hệ thống tên lửa, 20.843 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.510 bệ phóng tên lửa đa nòng và 20.930 khẩu pháo và súng cối, cũng như 30.776 xe cơ giới quân sự đặc biệt của Ukraine đã bị phá hủy kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố trên Telegram rằng tình hình trên chiến trường vẫn còn tương đối khó khăn đối với quân đội nước này.
Quân đội Ukraine tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự, vấn đề mà chính quyền nước này đã cố gắng giải quyết bằng cách thắt chặt các quy định huy động. Tình trạng đào ngũ ngày càng tăng của quân đội cũnglà một vấn đề khác đối với Ukraine.
Tổng thống Zelensky lí giải lệnh cấm đàm phán
Tại cuộc họp báo với Tổng thống Moldova Maia Sandu ở Kyiv, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào năm 2022, ông đã ban hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia về việc cấm đàm phán với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, vì Moscow đang cố gắng gây sức ép lên Ukraine thông qua "nhiều hành lang khác nhau" mà nước này không thể kiểm soát.
"Ông Putin ngay lập tức thiết lập một loạt các hành lang để tác động đến Ukraine, nền độc lập của chúng tôi và trực tiếp đến tôi, thông qua sự hợp tác với những người ly khai và các quan chức từ các quốc gia khác. Có nhiều cuộc trò chuyện và hành lang chính trị không rõ ràng.
Tôi đã nhanh chóng ngăn chặn điều đó, tôi chỉ đơn giản là ngăn chặn chủ nghĩa ly khai ở đất nước chúng tôi bằng cách cấm bất kỳ ai, bất kỳ nhân vật chính trị nào ở Ukraine, tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với phía Nga, với những người ủng hộ ông Putin", ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Pravda
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh Nga đã làm điều đó bằng cách gây áp lực thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả quân đoàn nghị viện, công dân của Ukraine, quân đoàn nghị viện của các đối tác châu Âu và Mỹ.
"Có rất nhiều nền tảng đàm phán. Tôi chỉ nhận ra rằng chúng tôi và các cơ quan của chúng tôi không thể kiểm soát được điều đó. Vì vậy, tôi đã đưa ra một quyết định khá hợp lý. Tôi là tổng thống Ukraine và tôi lãnh đạo tất cả các cuộc đàm phán. Tôi đã cấm mọi người khác can thiệp vào các cuộc đàm phán", ông Zelensky nói thêm.
Nga hiện nắm giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, gồm cả bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ nước này từ năm 2014. Nga kiểm soát phần lớn các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, tuyên bố sáp nhập các khu vực này vào tháng 9/2022.
Trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình podcast Mỹ Lex Fridman, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các cuộc đàm phán đầu tiên về việc chấm dứt xung đột sẽ diễn ra với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau lễ nhậm chức của ông, và sau đó là với Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra "những đảm bảo an ninh mạnh mẽ cho Ukraine".
Theo Tass và Pravda