Khu tái định cư của làng Tung và Gút được đầu tư xây dựng khang trang, bài bản. Nhà cửa được xây dựng kiên cố với đầy đủ các yếu tố điện, đường, trường, trạm... phục vụ sinh hoạt người dân. Thế nhưng, nơi ở mới với nhà cửa khang trang lại khiến người dân chán nản, không chút mặn mà. Thay vì an cư, lập nghiệp nơi quê mới, dân làng lại dắt díu nhau trở lại rừng sâu sống cuộc sống ẩn dật, thiếu thốn.
Bỏ nhà cao cửa rộng về rừng
Những ngày giữa tháng Tám, chúng tôi lang thang trên con đường đất đỏ hun hút tưởng như vô tận, lạc bước đến huyện Kbang, một trong những huyện xa nhất nhì của tỉnh Gia Lai. Đứng trên sườn đồi cao ngất, trải tầm mắt ra xa phía thung lũng, chúng tôi phát hiện ngôi làng với những mái nhà ngói đỏ. Chỉ nhìn từ xa thôi đã cảm thấy hân hoan bởi ở một vùng đất xa xôi hẻo lánh, cuộc sống của người dân đã đổi thay từng ngày.
Người dân không mặn mà, làng tái định cư đìu hiu trong cỏ dại. |
Ấy vậy mà, thực tế không giống như những gì mà chúng tôi mường tượng. Càng tiến sâu vào trong làng, cảm giác hụt hẫng càng bao trùm.
“Lòng chảo” thuộc xã Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) là khu vực tái định cư với 149 căn nhà của cư dân làng Tung và làng Gút. Trưa hè nóng nực, đứng trước cổng làng, chúng tôi chỉ thấy cảnh tượng đìu hiu, vắng lặng bao trùm. Những ngôi nhà mới xây khang trang nhưng “cửa đóng then cài” không một bóng người. Cỏ dại mọc um tùm che khuất lối. Thỉnh thoảng chỉ xuất hiện vài con gà, con chó ngược xuôi tìm kiến thức ăn.
Dạo một vòng quanh làng, đảo mắt vào những ngôi nhà khóa trái cửa, chúng tôi chỉ thấy vài bộ quần áo cũ rách, bạc màu vắt vẻo phơi nắng phơi sương. Những người dân sinh sống tại các làng lân cận cho biết, cư dân làng Tung và làng Gút không mặn mà với nơi ở mới. Do đó, họ đã bỏ khu tái định cư, dắt díu nhau trở về làng cũ trong tận rừng sâu sinh sống.
Để tìm hiểu sự việc lạ lùng này, men theo lối mòn nhỏ xuyên rừng, chúng tôi tìm về ngôi làng nằm sâu trong cánh rừng già. Quãng đường rừng chỉ vỏn vẹn 10km, nhưng phải mất khá nhiều thời gian “vật lộn” với những khúc cua quanh co, dốc dựng đứng mới vào được 2 ngôi làng cũ.
Thấy người lạ xuất hiện, đám trẻ con mình trần, chân đất, tóc cháy nắng vàng hoe đang chơi ngoài sân nháo nhào tìm nơi ẩn nấp. Bên trong những ngôi nhà sàn, một vài cụ già bộ dạng khắc khổ chau mày đăm chiêu hé cửa nhìn ra.
Cuộc sống lam lũ, thiếu thốn của người dân tại làng cũ. |
Trong khi chúng tôi đang cảm thấy bối rối, bất chợt một người đàn ông tuổi ngũ tuần, da đen sạm, ra hiệu điều gì đó rồi tiến đến chỗ chúng tôi đứng. Biết chúng tôi là PV, người đàn ông nở nụ cười hiền, giới thiệu mình tên là Đinh Blứ, Bí thư chi bộ làng Gút. Bắt chuyện với chúng tôi, ông Blứ cho biết: “Làng Gút hiện có hơn 75 hộ dân sinh sống. Hiện tại, người lớn đã lên rẫy làm việc, chiều tối mới về. Trong làng chỉ còn lại người già và con nít”.
Sau cái thở dài thườn thượt, ông Blứ chia sẻ: “Từ bao đời nay, người làng mình quen lối sống du canh du cư. Người dân thường tìm đến những vùng đất mới, chưa có dấu chân người để khai hoang trồng trọt. Sau vài ba vụ mùa, đất đai cằn cỗi, họ lại tiếp tục đi tìm vùng đất mới để khai hoang mưu sinh. Mặc dù phải sống trong những điều kiện hết sức thiếu thốn, không có điện, nước sạch, y tế, thậm chí, tách biệt với thế giới bên ngoài nhưng mọi người vẫn cam chịu. Bởi, lối sống đó đã ăn sâu vào tiềm thức, rất khó thay đổi trong một sớm, một chiều”.
Ông Blứ nhớ lại: “Trước đây, nhận thức của dân làng rất hạn chế, sống “tự sinh tự diệt” như cỏ cây của đại ngàn. Nói thật, có thời điểm, người dân không tin vào cơ sở y tế. Đau ốm, họ tự chữa trị theo cách riêng. Do đó, đã có nhiều trường hợp người chết khi bệnh sốt rét hoành hành. Nhưng hiện tại thì đã khác, nhận thức của người dân đã được nâng cao”.
Chia sẻ nguyên nhân người dân không mặn mà với khu tái định cư, ông Blứ cho biết: “Không phải dân mình chê đâu. Ở nhà xây đầy đủ tiện nghi mọi người thích lắm chứ. Nhưng nơi đây cũng có nhiều điều bất cập. Tại nơi ở mới, đất canh tác dốc đứng lại cằn cỗi, trồng cây gì cũng không lên, nuôi con gì cũng không được. Chuyển đến nơi tái định cư, mỗi hộ cũng được phân chia vài sào đất để canh tác nhưng làm ăn không được, mùa vụ thất bát không có cái ăn. Vì lẽ đó, người dân đành bỏ khu tái định cư để trở lại làng cũ trồng lúa, trồng mì kiếm cơm sống tạm bợ qua ngày”.
Trời về trưa mỗi lúc một nắng gắt. Ông Blứ đưa tay che mặt, tránh cái nắng như thiêu đốt rồi dẫn chúng tôi vào căn nhà sàn bên cạnh vệ đường trốn nắng. Tại đây, chúng tôi vô tình bắt gặp hình ảnh đôi vợ chồng quần áo lếch thếch cùng 2 đứa con lem luốc đang dùng bữa. Cả gia đình ngồi vây quanh nồi cơm quá lửa, khét lẹt. Trên mâm cơm, không có món gì khác ngoài vài con cá nhỏ bằng đầu ngón tay cũng bị “đốt” cháy đen ngòm. Một tay bốc cá, một tay bốc cơm, những đứa bé ăn một cách ngon lành.
Nỗi buồn mang tên cái nghèo
Ban đầu, cả gia đình có vẻ ngại ngần, cúi gằm mặt, lẩn tránh ánh nhìn của người lạ. Dù không rành tiếng phổ thông nhưng anh A Nhớp (chủ nhà) cũng tâm sự vài câu: “Ở làng mới đất dốc lắm, mình trồng cây gì cũng không lên được. Ở đó, gia đình mình không có cái ăn. Ở đây, có đất của ông bà để lại, trồng được cây lúa tốt, nuôi được con gà to, con heo lớn. Với lại, làng cũ mình gần suối. Mình ra đó bắt được con cua, con cá làm thức ăn cho vợ cho con được no cái bụng”.
Trong khi đó, anh Đinh Phước (làng Tung) ngán ngẩm nói: “Nhà nước cấp nhà, cấp đất để cho bà con định cư, lập nghiệp. Nhưng đất trồng hạt bắp, hạt lúa không lên thì dân làm sao “an cư, lạc nghiệp” được. Ở làng cũ, trồng cây lúa, cây bắp nó mới lên, dân mới có cái ăn. Vậy nên, những đứa trẻ làng Tung, làng Gút cũng theo bố mẹ vào rừng sâu để làm rẫy. Cũng bởi trường ở xa, “nhớ cái rừng” nên chúng nó cũng không muốn đi học nữa”.
Trao đổi với PV, ông Hỏa Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Krong (huyện Kbang) thông tin, dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của 2 làng Tung và làng Gút được hình thành theo quyết định về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010. Dự án có tổng mức đầu tư là 13,86 tỷ đồng và sẽ cho di dời 149 hộ dân của 2 làng vượt qua 2 con suối sâu, đến khu vực mới cách UBND xã Krong 4km. Tổng thể khu tái định cư gồm 149 căn nhà xây kiên cố, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học), 8 bể nước sạch, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê tông, 1 đường điện thắp sáng. Đồng thời dự án còn hỗ trợ cho 2 làng khoảng 50 ha đất sản xuất để bà con canh tác, trồng trọt.
Ông Cường cho hay: “Kể từ đầu năm 2011 đến nay, bà con dân làng Tung, làng Gút có đời sống vô cùng khó khăn. Tính đến năm 2016, số hộ nghèo ở cả hai làng chiếm trên 70% (làng Tung có 69 hộ, trong đó có 53 hộ nghèo, chiếm 76,8%; làng Gút 84 hộ, trong đó có 69 hộ nghèo chiếm 82,1%)”.
Đề xuất cho bà con trồng keo trên đồi núi Ông Hỏa Văn Cường, Phó Chủ tịch xã Krong (huyện Kbang) cho biết: “Dự án cấp 50ha đất sản xuất cho bà con lại rơi vào khu vực đất đồi núi và dốc nên bà con rất khó canh tác, trồng trọt. Đây cũng là thực trạng gây khó khăn cho chính quyền trong việc quản lý các vấn đề y tế, giáo dục. Hiện, chính quyền xã đang đề xuất ý kiến lên cấp trên cho bà con trồng keo trên diện tích đất đồi núi để bà con an cư, lập nghiệp xóa đói giảm nghèo”. |
Hồ Nam