Đóng

Chênh lệch đáng lo giữa điểm thi và học bạ: Năng lực thật của học sinh nằm ở đâu?

  • Hoàng Yên (T/h)
(DS&PL) -

"Việc lấy điểm học bạ để xét tuyển là không đảm bảo công bằng, khách quan và kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ra đề thi vẫn là một trong những căn cứ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh", TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh

Môn Toán chênh 2,25 điểm

Sáng 22/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố so sánh tương quan giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh lớp 12 trong cả nước.

Ở cả 12 môn học, điểm trung bình học bạ cao hơn 0,12-2,26 điểm so với điểm thi tốt nghiệp THPT. Văn là môn có độ chênh thấp nhất - khoảng 0,12.

Mức chênh lớn nhất ở môn Toán và Công nghệ Công nghiệp. Trong đó, điểm trung bình học bạ môn Toán là 7,03, cao hơn so 2,25 điểm so với điểm thi. Tiếp đó là môn Tiếng Anh, khi điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT thấp hơn 1,57 điểm so với học bạ.

Đây là lần đầu Bộ GDĐT công bố chênh lệch điểm số giữa kết quả học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Việc công bố mức chênh này làm căn cứ để các trường thực hiện quy đổi điểm xét tuyển các phương thức về chung một hệ số điểm.

Khoảng cách lớn giữa điểm trung bình môn thi tốt nghiệp và điểm trung bình học bạ, trong đó điểm học bạ cao hơn rõ rệt - phản ánh tình trạng "lạm phát điểm số" ở bậc phổ thông chưa được cải thiện dù đã được cảnh báo từ nhiều năm qua. Sự chênh lệch này có thể ảnh hưởng đến tính công bằng trong tuyển sinh đại học, nhất là với các trường dùng kết hợp điểm học bạ và làm giảm niềm tin vào chất lượng đánh giá nội bộ của các trường THPT, theo báo VOV.

 

Ảnh: VOV

Năng lực thật của học sinh nằm ở đâu?

Theo báo Tiền Phong, thầy Nguyễn Minh Tuấn, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho hay, trong số các môn học, môn Toán chênh lệch điểm học bạ và trung bình điểm thi tốt nghiệp cao nhất. Điều này, phản ánh mức độ “nới lỏng” trong đánh giá học bạ môn Toán hay nói một cách khác là chưa đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh.

Hệ số tương quan giữa điểm học bạ và điểm thi Toán là 0.63 (mức trung bình), cho thấy mức độ phù hợp giữa học lực thực tế và điểm số học bạ chưa cao.

“Điều này có thể phản ánh việc đánh giá học sinh ở trường chưa phản ánh sát thực lực làm bài thi chuẩn hóa”, theo thầy Tuấn.

Thầy Tuấn cũng cho rằng, từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, cho thấy, tính phân hóa của đề thi Toán cao hơn. Độ lệch chuẩn bài thi tốt nghiệp THPT của môn Toán là 1.68, lớn hơn hầu hết các môn khác. Điều này cũng cho thấy kết quả trải rộng hơn, đề thi phân hóa tốt hơn và học sinh có điểm cao hoặc thấp hơn đáng kể, thể hiện rõ hơn năng lực thật sự.

Nỗi lo “ảo tưởng” về năng lực"

Từ tương quan giữa trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT và trung bình điểm học bạ 3 năm THPT của học sinh, thầy Tuấn cảnh báo nguy cơ “ảo tưởng” về năng lực khi chỉ nhìn học bạ môn Toán. Với mức điểm học bạ trung bình cao (trên 7.0), nhưng điểm thi tốt nghiệp thấp (hơn 5.0), nhiều học sinh có thể ngộ nhận về năng lực của bản thân nếu chỉ dựa vào học bạ.

Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên chuyên luyện thi ở Hà Nội, phân tích: chỉ cần nhìn vào điểm trung bình của học bạ và điểm thi để xem chênh lệch thế nào. 

Trong trường hợp này, ở tất cả các môn, điểm học bạ đều cao hơn so với điểm thi, cho thấy việc cho điểm trong học bạ ở trường lớp rõ ràng có phần "dễ hơn" so với điểm thi (nhất là với các môn được đánh giá là khó năm nay như toán, tiếng Anh).

Các giá trị độ lệch chuẩn cho thấy mức độ phân hóa của điểm số. Độ lệch chuẩn của điểm thi tốt nghiệp cao hơn, phản ánh mức độ phân hóa tốt hơn hẳn so với điểm học bạ. Nó cho thấy kỳ thi tốt nghiệp đã làm tốt vai trò phân loại năng lực thực chất của học sinh hơn học bạ.

"Hệ số tương quan giữa điểm học bạ và điểm thi cho biết điểm học bạ đó có phản ánh đúng năng lực của học sinh (so với điểm thi) hay không. Hệ số này càng cao thì "mức độ phản ánh đúng" này sẽ càng tốt", theo thầy Ngọc, theo báo Thanh Niên.

Ảnh minh họa

Điểm thi là căn cứ đáng tin cậy

Trước sự việc, theo báo Tiền Phong, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chia sẻ, các nước có nền giáo dục tiên tiến hiện đã có xu hướng bỏ Kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Họ đánh giá học sinh chủ yếu căn cứ vào kết quả học bạ trong các năm học phổ thông. Điều này làm giảm gánh nặng thi cử, đồng thời đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, kết quả điểm học bạ phải đảm bảo tin cậy, khách quan, phản ánh đúng năng lực học sinh.

TS Khuyến cho rằng, ở Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại vấn nạn "xin - cho" điểm, giáo viên có thể nới cho học sinh 1-2 điểm để làm đẹp học bạ là điều bình thường. Cách đánh giá, cho điểm học sinh của từng trường, từng vùng miền cũng khác nhau, chưa đảm bảo tin cậy.

"Việc lấy điểm học bạ để xét tuyển là không đảm bảo công bằng, khách quan và kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT ra đề thi vẫn là một trong những căn cứ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh", TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.

Đồng quan điểm, thấy Ngọc cũng cho rằng: "Thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ vai trò cực kỳ quan trọng để đảm bảo công bằng và phân loại, không nên dùng học bạ để tuyển sinh các ngành cạnh tranh cao, nếu có thì cần kết hợp thêm nhiều công cụ tuyển sinh khác. Bộ GD-ĐT yêu cầu quy đổi cả điểm xét tuyển bằng học bạ về cùng 1 thang đo với các phương thức khác để đảm bảo công bằng là cần thiết", thông tin trên báo Thanh Niên.

Tin nổi bật