(ĐSPL) – Trong khi Mỹ chật vật tìm cách cải thiện tình hình an ninh ở các quốc gia Châu Phi, tin tức cho hay Trung Quốc lại ráo riết đẩy nhanh các hoạt động thương mại.
Hãng Reuter đưa tin Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều đã tiến hành công du Châu Phi kéo dài cả tuần trong tháng 5/2014.
|
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. |
Đặc biệt, trong chuyến thăm Ethiopia, Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo, Ngoại trưởng Kerry thể hiện rõ những kỳ vọng về vấn đề an ninh, chống mạng lưới khủng bổ al-Qaeda ở phía đông Châu Phi và chấm dứt bạo lực ở Nam Sudan, phía đông Congo và Cộng hòa Trung Phi.
Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường lại chủ yếu tập trung vào lợi ích kinh tế thông qua viện trợ và đầu tư vào Châu Phi.
Quan hệ thương mại song phương giữa Trung Quốc và Châu Phi đã tăng 30\% trong hơn một thập kỷ qua. Hiện tại, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, chủ yếu là nhập khẩu nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc nhập khẩu hơn 85\% nguyên vật liệu từ Châu Phi như dầu mỏ, đồng, sắt, và các nguyên liệu thô để xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế ở nước này.
Qua chuyến thăm tới Ethiopia, Angola, Kenya và Nigeria, Trung Quốc muốn đầu tư 12 tỷ USD vào các nước nói trên, đồng thời ký kết 60 thỏa thuận đầu tư vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Đặc biệt, trong chuyến thăm tới Kenya, Trung Quốc đã mời chào khoản tín dụng trị giá 3,8 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt giữa cảng Mombasa của Kenya ở Ấn Độ Dương với thủ đô Nairobi. Giai đoạn đầu của dự án này là liên kết với các nước láng giềng như Uganda, Rwanda, Burundi và Nam Sudan nhằm tăng mạng lưới giao thông trong khu vực và thương mại, những yếu tố quan trọng cho sự tăng trưởng của kinh tế châu Phi.
Năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc thời đó là Hồ Cẩm Đào cũng cam kết cho các quốc gia Châu Phi vay 20 tỷ USD. Tuy nhiên, châu Phi lại sử dụng nguồn vốn vay này vào các dự án phù phiếm hay các chương trình kinh tế không có hiệu quả.
So sánh với Trung Quốc, Mỹ có ít hành động để thúc đẩy thương mại và đầu tư ở Châu Phi. Từ năm 1974, Mỹ đã chi 6,3 tỷ USD để hỗ trợ Châu Phi. Sự khác biệt về số liệu đầu tư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã chỉ ra sự ảnh hưởng của mỗi nước đối với Châu Phi.
Việc Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên từ Châu Phi làm dấy lên những chỉ trích rằng Trung Quốc đang tìm cách "bòn rút" tài nguyên của châu lục này. Trong khi đó, Washington đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sản xuất sang quốc gia này, đi kèm với các chính sách như miễn thuế theo Đạo luật về Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi. Tuy nhiên, thương mại giữa Mỹ và châu Phi cũng bị chi phối bởi dầu và khí đốt. Trong năm 2011, tài nguyên thiên nhiên của châu Phi chiếm khoảng 4/5 các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.
Tuy nhiên, gần đây, Mỹ cũng đã tăng mức đầu tư cho nền kinh tế châu Phi. Trong chuyến thăm tới Senegal, Tanzania và Nam Phi mùa hè năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã công bố khuôn khổ của dự án “Điện lực Châu Phi" (Power Africa) trị giá 7 tỷ USD để cải thiện lưới điện ở các nước này.Ông Obama cũng công bố một sáng kiến mới về thương mại mang tên “Trade Africa”, nhằm tăng hoạt động xuất khẩu của Mỹ đến 5 quốc gia Đông Phi lên 40\%.
Người dân châu Phi mong muốn một nền an ninh ổn định và nền kinh tế tăng trưởng. Do đó, Trung Quốc và Mỹ đều có những biện pháp để thúc đẩy 2 lĩnh vực này. Trong khi theo đuổi chương trình nghị sự về vấn đề kinh tế ở châu Phi, Trung Quốc cũng đã bắt đầu có những đóng góp vào an ninh khu vực như cung cấp quân đội để gìn giữ hòa bình cho Liên Hợp Quốc và tham gia các cuộc tuần tra đa quốc gia để chống hải tặc ngoài khơi Somalia.